Hồ sơ tài liệu

Vì sao Nga bất ngờ rút quân khỏi Syria?

16/03/2016, 06:51

Các lực lượng quân đội Nga bắt đầu rút quân khỏi Syria - một động thái khiến cả thế giới bất ngờ.

Cuộc họp
Cuộc họp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sergei Shoigu về quyết định rút quân khỏi Syria

"Hoàn thành nhiệm vụ"

Theo RIA Novosti, tại cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nga ngày 14/3, Tổng thống Putin nói: “Nhiệm vụ được giao cho Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang đã hoàn thành mục tiêu. Vì vậy, tôi yêu cầu Bộ Quốc phòng bắt đầu rút phần lớn quân đội khỏi Syria vào ngày 15/3”.

Dù rút quân song Moscow sẽ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại Syria. Trong đó, các lực lượng Nga vẫn giữ nguyên vị trí tại cảng Tartus và căn cứ không quân Hmeymim tại Latakia. Tuy nhiên, chưa có thời hạn cuối cùng để rút toàn bộ quân khỏi Syria. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, phía Nga đã thông tin đầy đủ về quyết định rút quân tới Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Văn phòng Tổng thống Syria cũng bác bỏ những thông tin từ phe đối lập cho rằng có sự tranh cãi giữa Moscow và Damascus về việc Nga rút quân khỏi Syria. Còn ông Omran al-Zoubi, Bộ trưởng Bộ Thông tin Syria khẳng định: ”Quyết định này được đưa ra sau khi các lãnh đạo Nga và Syria bàn thảo để cùng thỏa thuận” và “không có sự thay đổi nào trong quan hệ hai bên”.

Nguồn lực khủng bố đã bị chặt đứt

Trong 6 tháng tham chiến tại Syria, theo Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu, chiến dịch không kích đã đuổi các lực lượng khủng bố khỏi Latakia và Aleppo, giải phóng nhiều khu di tích được UNESCO công nhận khỏi tay phiến quân.

Các tỉnh Hama và Homs tại miền Trung Syria đã được giải phóng phần lớn, giành lại căn cứ không quân Kuweire từng bị các nhóm khủng bố chiếm giữ 3 năm liền. Giành lại quyền kiểm soát các giếng dầu và khí đốt gần Palmyra. Ba giếng dầu lớn bắt đầu hoạt động bình thường trở lại.

Theo ông Shoigu, kể từ khi bắt đầu chiến dịch ngày 30/9/2015, không quân Nga thực hiện hơn 9.000 lượt không kích; Tấn công từ xa 1.500 km bằng tên lửa phóng từ chiến hạm ngoài biển. Tổng cộng, 209 cơ sở sản xuất dầu và gần 3.000 phương tiện chở dầu của các nhóm khủng bố bị tiêu diệt.

Không chỉ vậy, chiến dịch này giảm bớt mối đe dọa khủng bố đối với Nga khi 2.000 chiến binh thánh chiến từ Nga sang Syria đã bị “trừ khử”.

Toan tính đa chiều

Ông Puitn đưa ra quyết định bất ngờ trên trong bối cảnh hòa đàm Syria được nối lại giữa các bên tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 14/3 - bước tiếp theo của thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, qua quyết định rút quân, ông Putin muốn gửi tín hiệu cho thấy, ông sẵn sàng ủng hộ Syria không giới hạn.

Một số người cho rằng, quyết định trên nhằm gây áp lực lên Tổng thống Assad để đạt một nghị quyết ngoại giao về cuộc xung đột. Các nhà phân tích đến từ Nhóm Âu - Á, một tổ chức tư vấn rủi ro cho biết, động thái của Kremlin sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc hòa đàm.

“Tổng thống Putin đã gây áp lực buộc Tổng thống Syria phải cam kết trong các cuộc đàm phán nhằm đạt mục tiêu sắp xếp chia sẻ quyền lực trong thời gian ngắn hạn và cải cách, bầu cử Quốc hội dài hạn” các nhà phân tích cho biết. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng nhận định thêm rằng, “động thái bất ngờ của Nga cho thấy, có lẽ, ông Assad phản đối ít nhất một trong những mục tiêu trên”.

Người phát ngôn của tổ chức quy tụ các nhóm đối lập chính của Syria - ông Salem al-Meslet cho biết: “Điều quan trọng là quyết định này đã được đưa ra. Và quan trọng hơn, ông Putin chọn đứng về phía người dân Syria chứ không phải phía Tổng thống Assad”. Song, ông al-Meslet không khỏi e ngại, đây có thể là “chiêu trò” trước thời điểm cuộc họp giữa các bên với đại sứ Liên hợp quốc Staffan de Mistura vào ngày 15/3.

Nhiều quan chức Mỹ và châu Âu cũng e ngại, ông Putin đang cố sử dụng những thành tựu đã đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria làm đòn bẩy buộc Mỹ và phương Tây phải liên kết với chính quyền Tổng thống Assad, tăng cường vững chắc cho “ghế Tổng thống” của ông Assad.

Dự kiến, hôm nay (16/3), phía Chính phủ Syria và phe đối lập sẽ tiếp tục bàn thảo về cách thức thực hiện chuyển giao chính trị tại Syria.

Quyết định bất ngờ của Tổng thống Nga đã thu hút nhiều phản ứng từ các cường quốc, quốc gia liên quan và tổ chức quốc tế trên thế giới.

- Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Ismael Gaspar Martins cho biết: "Toàn bộ 15 nước thành viên đã xem xét quyết định của Nga và kết luận đây là một bước đi “tích cực”.

- Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đánh giá: “Bản thân quyết định này là dấu hiệu tích cực. Chúng ta hãy chờ xem”.

- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Canada Diana Khaddaj cho biết: “Canada sẽ theo dõi sát sao việc thực hiện tuyên bố rút các lực lượng vũ trang được Nga triển khai tới Syria chống khủng bố”.

- Nhà Trắng cho biết: “Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh các động thái giảm bớt bạo lực song nhấn mạnh rằng các hành động tấn công đang tiếp diễn của các lực lượng Chính phủ Syria tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với cả tiến trình hòa bình và ngừng bắn”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.