Tài chính

Vì sao Ngân hàng Xây Dựng vẫn chưa chịu trả 400 tỷ đồng cho ACB?

26/04/2019, 10:48

Trong 12 đại án, có tới 5 đại án gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng đều liên quan đến Ngân hàng Xây Dựng.

img
Ngân hàng Đại Tín thời chưa bán cho ông Phạm Công Danh và đổi tên sang VNCB và CB

Gần 7 năm vay mượn, CB vẫn chưa thể trả nợ cho ACB?

Mới đây tại Đại hội cổ đông thường niên 2019 của ngân hàng ACB, một số cổ đông đã lên tiếng chất vấn yêu cầu HĐQT ngân hàng này phải trả lời về khoản nợ hàng trăm tỉ đồng (400 tỷ đồng) đã cho Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB) vay nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được. CB, tiền thân là VNCB và trước đó với tên gọi là NH Đại Tín (Trustbank).

Đây cũng không phải là lần đầu cổ đông của ACB chất vấn HĐQT về khoản nợ khó đòi mà CB mãi chưa thể trả. Trước đó vào năm 2015 cổ đông của ACB cũng yêu cầu HĐQT giải trình về khoản nợ này. Tại thời điểm 2015, lãnh đạo ACB cho biết khoản nợ đã quá hạn, được phân loại vào nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn - PV). Tổng số tiền trích lập dự phòng cho khoản tiền gửi này tại thời cuối năm 2015 là 176 tỷ đồng. Cuối năm 2015 ACB cũng đã gửi công văn đến NHNN đề nghị xem xét cho ACB điều chỉnh kỳ hạn thu.

Thế nhưng đến mùa đại hội cổ đông 2019, khoản nợ hàng trăm tỷ này trở thành nkhó đòi khi suốt gần 7 năm qua ACB vẫn chưa thể thu hồi.

Qua tìm hiểu được biết, khoản nợ xấu khoảng 400 tỷ đồng tại ACB là do ACB đã cho ông Phạm Công Danh vay từ năm 2012. Tại thời điểm này, ông Danh đang mua 84,95% cổ phần của bà Hứa Thị Phấn cựu cố vấn cao cấp của Ngân hàng Đại Tín. Mua xong, ông Danh đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng (VNCB).

Cả ông Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn đều là những cái tên quan trọng liên quan đến các án lớn, án trọng điểm và đều xảy ra tại CB trong các thời kỳ. Trong 12 đại án mà Chính phủ yêu cầu cần sớm đưa ra xét xử từ 2017 thì có tới 5 đại án xảy ra tại Ngân hàng CB (thời kỳ là Đại Tín và VNCB).

Ai là người chịu trách nhiệm thiệt hại khi chậm thu hồi nợ

Với số lượng án lớn, đồng nghĩa với việc công tác thu hồi nợ trở thành một nhiệm vụ trọng tâm của CB hiện tại. Trong 2 năm gần đây, CB luôn đặt ra nhiệm vụ và kế hoạch của năm và một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng này là thu hồi nợ.

Đầu năm (1/2019) lãnh đạo CB cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng là tiến trình tái cơ cấu được tập trung triển khai tích cực, vận dụng triệt để các giải pháp phù hợp với từng món nợ để thu hồi nợ hiệu quả nhất ngay sau khi có các phán quyết của tòa.

Ngân hàng này cũng từng công khai tuyên bố đến thời điểm 31/12/2018, các bản án của tòa án có hiệu lực, CB sẽ thu hồi nợ gần 40.000 tỷ đồng.

Việc tập trung thu hồi nợ, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nguồn tiền để tái cơ cấu được tập trung, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đây không còn là câu chuyện về nhiệm vụ trọng tâm của CB mà đây là việc thực thi pháp luật. Một bản án đã có hiệu lực pháp luật, phải được thi hành nghiêm túc.

Với lượng tiền cần thu hồi nợ lên tới 40.000 tỷ đồng, nếu chậm trthu hồi nợ ngày nào càng gây thiệt hại lớn cho CB ngày đó. Theo các chuyên gia tài chính, vì số tiền thu hồi nợ qua thi hành án rất lớn, chậm một ngày, con số thiệt hại lên tới hàng chục tỉ đồng. Nếu cộng dồn lại con số thiệt hại có thể lên tới hàng chục, trăm tỉ.

Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này? CB là ngân hàng TNHH Một Thành Viên với pháp nhân độc lập, lãnh đạo nhà băng này phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm về quá trình thu hồi nợ. Nhưng việc chậm thu hồi nợ từ các bản án cũng sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh hệ thống NH Việt Nam sau nhiều đại án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.