Hồ sơ tài liệu

Vì sao “ngoại giao bóng bàn” không còn có thể cứu quan hệ Mỹ - Trung?

12/04/2021, 06:33

Trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước Mỹ - Trung gần như quay trở lại vạch xuất phát, liệu chiến lược “ngoại giao bóng bàn” có còn tác dụng?

img

Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông bắt tay Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong chuyến thăm lịch sử tới Bắc Kinh năm 1972

Tháng 4/1971, thời điểm đánh dấu sự kiện vô cùng quan trọng với ngoại giao Mỹ - Trung khi hai quốc gia thực hiện chiến lược “ngoại giao bóng bàn”, phá tảng băng lạnh giá, chính thức thiết lập quan hệ, chấm dứt xung đột. Giờ đây, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như quay trở lại vạch xuất phát, liệu chiến lược “ngoại giao bóng bàn” có còn tác dụng?

Dùng bóng bàn để kết nối

Một ngày đầu tháng 4/2021, bà Judy Hoarfrost, một trong những thành viên trong đội bóng bàn Mỹ nhớ lại thời điểm cách đây nửa thế kỷ, khi bà khoảng 15 tuổi và vừa cùng đội tuyển Mỹ tham gia Giải Vô địch Bóng bàn Thế giới được tổ chức tại Nagoya, Nhật Bản. Hai ngày trước khi chuyến thi đấu kết thúc, đội bóng bàn Trung Quốc bất ngờ gửi lời mời đội bóng bàn Mỹ đến Bắc Kinh, đấu giao hữu.

Đó là thời điểm Chiến tranh Lạnh đang ở cao trào, Mỹ không công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và không xây dựng quan hệ với Bắc Kinh. Người Mỹ không được phép tới Trung Quốc.

Nhưng, sau lời mời trên, đội bóng bàn Mỹ nhanh chóng được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp phép. Họ đi máy bay tới Hong Kong và 1 ngày sau cả đoàn lên tàu sang Trung Quốc.

Ngày 10/4 vừa qua đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày chuyến đi lịch sử này được thực hiện và được giới phân tích nhận định là yếu tố phá vỡ tảng băng lạnh giá trong quan hệ giữa hai quốc gia. Chỉ trong vòng 3 tháng, Tổng thống Mỹ Richard Nixon thông báo, Trung Quốc đã gửi lời mời ông chủ Nhà Trắng tới thăm chính thức. Đến đầu năm 1972, Bắc Kinh được gia nhập vào Tổ chức Liên hợp quốc (LHQ) và Hội đồng Bảo an LHQ.

Đến cuối thập niên 70, Mỹ cùng Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, từ đây Bắc Kinh bắt đầu mở cửa ngoại giao và phát triển rực rỡ.

Vì sao ngày nay không thể áp dụng?

img

Hai vận động viên bóng bàn Trung Quốc và Mỹ bắt tay trước khi bắt đầu trận đấu giao hữu ngày 15/4/1971

Ngày hôm nay, khi cán cân quyền lực trên Thái Bình Dương thay đổi, quan hệ Mỹ - Trung gần như quay trở lại điểm thấp nhất trong hàng chục năm. Nhưng, theo nhiều nhà phân tích, chiến lược “ngoại giao bóng bàn” năm xưa khó áp dụng vào tình thế lúc này.

Bởi, thời điểm năm 1971 có điều kiện để hai nước này xích lại gần nhau. Tổng thống Richard Nixon rất muốn kết nối với Trung Quốc, phần vì hy vọng có thể giúp chấm dứt Chiến tranh Việt Nam, phần vì Washington và Bắc Kinh có cùng đối thủ chung là Liên Xô.

Hãng tin NPR dẫn lời một số sử gia cho biết, Chủ tịch Trung Quốc lúc ấy là Mao Trạch Đông cùng Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, thực sự coi Liên Xô là mối đe dọa về an ninh. Căng thẳng giữa hai nước có lúc cao trào, thậm chí xung đột biên giới vào năm 1969. Ban lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy, nếu tiếp tục để bị cô lập và chịu thái độ ghẻ lạnh từ Mỹ, rốt cuộc Bắc Kinh càng chìm sâu vào khó khăn.

Tuy nhiên, chính sách tuyên truyền của Trung Quốc từ lâu đã vẽ hình ảnh Mỹ như một kẻ địch. “Do đó, khi Mao Trạch Đông muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, ông cần phải chuẩn bị tâm lý và chính trị cho dư luận Trung Quốc”, bà Yafeng Xia, một chuyên gia cấp cao về lịch sử tại Đại học Long Island cho biết.

Khi mời đội bóng bàn Mỹ tới Trung Quốc, ông Mao nói: “Lời mời này là thể hiện tình hữu nghị tốt đẹp”. Cách nói khéo léo khiến cho các vận động viên bóng bàn Trung Quốc vốn rất giỏi, tránh được tự ái. Khi đội bóng bàn của Mỹ đặt chân tới nơi, họ cũng cố ý chơi đúng theo lối hữu nghị, nhường cho Mỹ thắng.

Hiện tại, để kỷ niệm ngày diễn ra chiến lược “ngoại giao bóng bàn”, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã kêu gọi hai nước nhìn lại dấu ấn lịch sử đó như kim chỉ nam để giải quyết tranh chấp hiện thời. Ông nhấn mạnh: “50 năm trước, sự mâu thuẫn giữa hai nước còn tồi tệ hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng nhờ nguyện vọng chung và tốt đẹp của người dân, hai bên đã thể hiện sự tôn trọng khác biệt của nhau”.

Song, theo các chuyên gia, tất cả các yếu tố ở thời điểm này đều không thuận để thực hiện cái gọi là “ngoại giao bóng bàn” hoặc các thủ pháp ngoại giao tương ứng.

Từ lâu, chính trường Mỹ đã hình thành một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, được sự ủng hộ từ lưỡng đảng, trước thực tế Trung Quốc đang vươn lên trở thành cường quốc về quân sự, kinh tế thậm chí có tiềm năng vượt mặt Mỹ.

Từ thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, giới chức Mỹ đã vứt bỏ chính sách cam kết ràng buộc giữa hai nước được thực hiện hàng chục năm qua, gán cho nó cái mác “thất bại” và khơi mào một cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tính đến nay, chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bám theo đường lối tương tự. Về phần Trung Quốc, 50 năm qua đã tạo ra những khác biệt quá lớn. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (GDP) của Trung Quốc đã tăng 80 lần. Quân đội được hiện đại hóa thần tốc, nắm trong tay sức mạnh dường như không thể nghĩ tới trong 50 năm trước.

Theo ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm về Quan hệ Mỹ - Trung tại Viện Châu Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một người rất cứng rắn và động cơ của ông Tập hiện tại là không muốn quỵ lụy, không cần phải phối hợp hay thỏa hiệp với phương Tây. “Tôi cho rằng, tại thời điểm này, Trung Quốc đang ngày càng củng cố sức mạnh đến mức họ có thể tự tin thậm chí kiêu ngạo”, ông Orville Schell nhận định.

Thực tế, trái với tinh thần giao lưu hữu nghị năm xưa, lúc này giữa Mỹ - Trung là những cuộc khẩu chiến về khả năng Mỹ có thể tẩy chay sự kiện Thế vận hội Mùa Đông 2022 do Trung Quốc chủ trì.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.