Xã hội

Vì sao nhiều dự án tại Quảng Trị đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp?

31/07/2022, 14:04

Riêng tại TP Đông Hà tỷ lệ giải ngân mới đạt 39,23%; đa số công trình dân dụng không vướng GPMB vẫn đạt giải ngân thấp, thậm chí chưa giải ngân.

Ngày 31/7, UBND TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 đạt tỷ lệ còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại TP Đông Hà tính đến ngày 30/6 mới đạt 39,23%, trong đó tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách thành phố quản lý chỉ đạt 23,21%.

Chỉ mới “tiêu tiền được” 100,6 tỷ trong hơn 256 tỷ đồng

img

Công trình trang trí 1,5 tỷ tại cầu Đại An do Trung tâm Phát triển công nghiệp - Khuyến công và dịch vụ công ích (thuộc UBND TP Đông Hà) làm chủ đầu tư bị chê “quá xấu” và thi công không phép phải tiến hành tháo dỡ

Theo UBND TP Đông Hà, tổng kế hoạch vốn đầu tư công đã phân bổ năm 2022 là hơn 256 tỷ đồng.

Trong đó, ngoài vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, tỉnh quản lý hơn 73,6 tỷ đồng (vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 16,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 57,1 tỷ đồng). Còn có vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn do TP Đông Hà quản lý hơn 182,3 tỷ đồng (đợt 1 hơn 144,9 tỷ đồng, đợt 2 là 20,8 tỷ đồng và đợt 3 là 16,6 tỷ đồng).

Thực hiện Nghị quyết số 124 ngày 24/12/2021 của HĐND thành phố khóa VII, kỳ họp thứ tám về kế hoạch đầu tư công năm 2022, trên cơ sở quyết định phê duyệt dự án, UBND TP Đông Hà đã tiến hành phân bổ nguồn vốn đầu tư công (3 đợt) để kịp thời thực hiện các dự án.

Theo lãnh đạo UBND TP Đông Hà, năm 2022, tổng công trình khởi công mới là 34 công trình, bao gồm 28 công trình theo Nghị quyết 124 của HĐND TP thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2022 và 6 công trình được HĐND TP thống nhất bổ sung phục vụ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đông Hà.

img

Đoạn tuyến thuộc dự án đường Phường 2 đi phường Đông Lương - Đông Lễ (TP Đông Hà) vừa "thông tuyến" sau thời gian dài tắc mặt bằng

Công tác chuẩn bị đầu tư được quan tâm thực hiện, đa số các dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi/ báo cáo kinh tế kỹ thuật đảm bảo điều kiện để phân bổ vốn, còn lại 5 công trình đến nay vẫn chưa có quyết định phê duyệt.

“Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công 2022 và các chỉ thị, công văn của UBND tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm UBND TP đã ban hành các công văn chỉ đạo gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị với việc giải ngân nguồn vốn; đồng thời lãnh đạo UBND TP chỉ đạo quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn.

Tuy nhiên, do trong thời gian đầu năm, các đơn vị chủ đầu tư chủ yếu tập trung hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, GPMB, các đơn vị chủ đầu tư tập trung giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và một số nhà thầu chưa tập trung triển khai thi công dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 đạt tỷ lệ còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra”, lãnh đạo UBND TP Đông Hà cho hay.

img

... Đoạn còn lại gần đoạn đang thi công trên vẫn "bất động"

Tại TP Đông Hà, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/6 là hơn 100,6/256 tỷ đồng (đạt 39,23%).

Trong đó, ngân sách Trung ương đạt hơn 14,6/16,5 tỷ đồng (đạt 88,81%), ngân sách tỉnh quản lý hơn 43,4/57,1 tỷ đồng (đạt 76%), ngân sách thành phố quản lý hơn 42,3/182,3 tỷ đồng (đạt 23,21%).

Đủ lý do thi công chậm...

Theo UBND TP Đông Hà, bên cạnh thời tiết bất lợi, tình hình khan hiếm đất đắp, giá cả vật tư, vật liệu tăng cao... Còn do trách nhiệm của chủ đầu tư chưa cao, chưa quyết liệt sâu sát đến cùng, một số công trình tiến độ thi công quá chậm (đặc biệt là các công trình vướng mắc kéo dài qua nhiều năm).

Một số nhà thầu chưa tập trung nhân lực, vật lực để thi công theo tiến độ, nhưng các đơn vị chủ đầu tư chưa có các giải pháp, biện pháp phù hợp, kiên quyết xử lý theo quy định. Công tác GPMB một số công trình giao thông vướng mắc kéo dài, chậm tiến độ phải gia hạn nhiều lần, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, chỉnh trang đô thị và tiếp tục kéo dài...

Đặc biệt, đa số các công trình dân dụng không có vướng mắc (kể cả công tác GPMB) nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp, thậm chí chưa giải ngân vốn nhưng chủ đầu tư chưa có biện pháp kịp thời.

img

Dự án mở rộng đường Bà Triệu (TP Đông Hà) đoạn từ cầu đường sắt Bắc Nam lên phía Đập ngăn mặn sông Hiếu vẫn đang "tắc" GPMB

Một số nhà đầu tư đã ứng vốn theo tiến độ hợp đồng, nhưng việc thi công để hoàn tiền tạm ứng vẫn còn chậm như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) khu dân cư phía Đông kênh N2; Xây dựng CSHT khu tái định cư phường 3; Xây CSHT khu dân cư Đặng Dung giai đoạn 4; Xây dựng CSHT khu dân cư phía Tây đường Khóa Bảo giai đoạn 2, đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công hoàn thành các công trình và hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, UBND TP Đông Hà cho biết đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp yêu cầu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện.

Trong đó, cùng với việc nâng cao trách nhiệm đối với các chủ đầu tư, đơn vị QLDA, có các biện pháp xử lý nghiêm chủ đầu tư, đơn vị QLDA giải ngân không đảm bảo kế hoạch. Tập trung đôn đốc các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng và chậm trễ tiến độ; đề xuất không được tham gia thực hiện các dự án tại TP Đông Hà đối với các nhà thầu vi phạm...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.