Xã hội

Vì sao nhiều ghế của ĐBQH "trống" trong phiên chất vấn trực tiếp?

21/06/2017, 18:28

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lý giải câu chuyện "ghế trống" của ĐBQH trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn.

hop-bao

Buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV

Chiều 21/6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV vừa diễn ra.

Trong cuộc họp, Tổng thư ký Quốc hội đã dành thời gian trao đổi về phản ánh trên một tờ báo xung quanh việc các ĐBQH vắng mặt nhiều, “trống” cả hội trường trong buổi khai mạc phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn.

Theo lý giải của ông Phúc, sáng sớm ngày 13/6 (ngày đầu tiên diễn ra phiên chất vấn), Hà Nội có mưa rất lớn trên diện rộng, gây ngập, tắc nhiều tuyến đường đúng giờ công sở. Trong khi đó, các ĐBQH có những đoàn di chuyển bằng xe ô tô chung để tới hội trường, nhưng có những đoàn ở khá xa như khu vực Đội Cấn (Ba Đình) hay Tây Hồ..., khi đường ngập, tắc ở nhiều khu vực, một số xe đến chậm so với giờ họp (8h sáng). "Tuy nhiên, việc chậm, muộn này chỉ trong vài phút. Ngay khi Chủ tịch Quốc hội phát biểu đôi lời khai mạc phiên chất vấn thì các đoàn ĐBQH cũng tới đầy đủ" - ông Phúc nhấn mạnh.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, đây là phiên họp được tường thuật trực tiếp, thực sự không đại biểu nào muốn tới muộn, chỉ vì lý do bất khả kháng. Thậm chí, trong phiên chất vấn, đại biểu cũng đều rất muốn đến sớm để còn đăng ký phát biểu, chất vấn, vì nếu đến muộn sẽ không đến lượt.

Đề cập đến sự thay đổi tích cực, đáng ghi nhận của kỳ họp 3, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, dù kỳ họp có khối lượng công việc lớn, Quốc hội đã thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến 6 dự luật với tinh thần là kỳ họp đầu tiên thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, nhưng Quốc hội đã hoàn thành với tinh thần làm việc rất nghiêm túc.

Ông cho hay, đây cũng là lần đầu tiên các phiên thảo luận tại nghị trường chuyển từ “Quốc hội phát biểu” sang Quốc hội tranh luận” với tinh thần tạo ra một không khí hết sức dân chủ, đổi mới. “Tại các phiên thảo luận, các ĐBQH đã tích cực giơ biển tranh luận, không chỉ tranh luận giữa đại biểu với thành viên Chính phủ mà còn tranh luận giữa đại biểu với đại biểu, với đích đến là làm rõ vấn đề để cử tri hiểu và các đại biểu cũng hiểu lẫn nhau. Đây là điều tích cực, rất cần phát huy” – ông Phúc nhấn mạnh.

Ngoài ra theo ông, kỳ họp này có điểm mới năm ở sự điều hành rất linh hoạt của chủ toạ, nhất là việc chủ toạ quyết định kéo dài thêm thời gian thảo luận căn cứ vào thời lượng chương trình. “Ví dụ tại phiên thảo luận cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ toạ đã quyết định kéo dài đến 18h30, tức kéo dài chương trình thảo luận thêm 1,5 giờ,  có thêm 15 đại biểu phát biểu. Chưa bao giờ có phiên họp nào có tới 93 đại biểu đăng ký phát biểu tại một phiên họp. Việc mở thời gian tạo điều kiện cho đại biểu phát biểu nhiều hơn” – ông Phúc nói.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Quốc hội cho hay kỳ họp này Quốc hội cũng quyết định kéo dài phiên chất vấn thêm nửa ngày, dành thời gian nhiều hơn cho cả người hỏi lẫn người trả lời để làm rõ vấn đề. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.