Vận tải

Vì sao nhiều phương tiện giống ô tô nhưng không được gọi là ô tô?

17/06/2019, 12:49

Theo Cục Đăng kiểm VN, các loại xe không đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của ô tô không được gọi là ô tô.

img
Xe chở người bốn bánh sử dụng động cơ điện hoạt động tại Hà Nội

Đặc điểm kỹ thuật để nhận diện

Theo Cục Đăng kiểm VN, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được xếp loại xe ô tô phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về ô tô, cũng như phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật thế giới về ô tô.

Tại Việt Nam, hiện có một số kiểu loại phương tiện có hình dáng bên ngoài và kết cấu tuy giống ô tô, được xếp vào nhóm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhưng không đủ tiêu chuẩn xe ô tô. Loại phương tiện trên được gọi là "xe bốn bánh có gắn động cơ", được chia thành nhóm xe chở người (sử dụng động cơ điện, xăng) và xe chở hàng (sử dụng động cơ xăng).

Xe chở người có một số đặc điểm nhận biết như: có hai trục, ít nhất bốn bánh xe, chạy bằng động cơ, có kết cấu để chở người, vận tốc thiết kế tối đa 30 km/h, số chỗ ngồi tối đa 15 chỗ (kể cả chỗ người lái). Xe có kích thước không vượt quá giới hạn: chiều dài 5m, chiều rộng 2m, chiều cao 2,5 m. Thực tế hay gặp nhất là xe chở khách tại các khu du lịch, sân bay hoặc tuyến phố nhất định.

Trong khi đó, xe chở hàng bốn bánh gắn động cơ có đặc điểm: có hai trục, bốn bánh xe, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một xát- xi (tương tự xe ô tô tải có tải trọng dưới 3.500 kg). Phương tiện sử dụng động cơ xăng, công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 15 kW, vận tốc thiết kế tối đa 60 km/h, khối lượng bản thân không lớn hơn 550kg. Xe có kích thước không vượt quá giới hạn: chiều dài 3,5m, chiều rộng 1,5m, chiều cao 2 m.

img
Xe chở hàng bốn bánh sử dụng động cơ xăng vào kiểm định tại một trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM

Xe phải được kiểm định, người điều khiển phải có bằng lái

Lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo quy định hiện hành, xe chở người, chở hàng bốn bánh có gắn động cơ khi tham gia giao thông phải có đăng ký, đăng kiểm định kỳ.

Đối với xe chở người, giấy chứng nhận đăng kiểm trong lần kiểm định đầu tiên để xe lưu hành có hiệu lực 18 tháng đối với trường hợp xe mới, chưa qua sử dụng đến 2 năm, kể từ năm sản xuất; hiệu lực 12 tháng đối với các trường hợp còn lại (kể cả xe không xác định được năm sản xuất). Các lần kiểm tra tiếp theo có chu kỳ 12 tháng/lần.

Đối với xe chở hàng, giấy chứng nhận đăng kiểm lần đầu có thời hạn 12 tháng đối với xe mới, chưa qua sử dụng đến 2 năm kể từ ngày sản xuất; thời hạn 6 tháng đối với xe mới, chưa qua sử dụng trên 2 năm kể ngày sản xuất. Sau lần đăng kiểm đầu tiên, chu kỳ kiểm định tiếp theo là 6 tháng/lần.

Theo quy định, người điều khiển xe chở người, chở hàng bốn bánh có gắn động cơ phải có GPLX từ hạng B2 trở lên và phải tuân thủ theo quy định tại Điều 58 Luật GTĐB năm 2008. Riêng với xe chở người bốn bánh chỉ được hoạt động trong phạm vi nhất định, được chính quyền địa phương nơi có phương tiện hoạt động cho phép.

img

Vụ tai nạn làm 3 người chết ở Hòa Bình: Xe tải không có dữ liệu đăng kiểm

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.