Thế giới

Vì sao những gương mặt kỳ cựu trở lại Nội các Nhật?

03/08/2017, 09:25

Hôm nay (3/8), theo hãng truyền hình NHK của Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thực hiện cuộc cải tổ Nội các...

27

Ông Abe cần cải tổ Nội các để lấy lại niềm tin nơi người dân

Hôm nay (3/8), theo hãng truyền hình NHK của Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thực hiện cuộc cải tổ Nội các trên quy mô rộng sau hàng loạt bê bối từ thành viên trong Chính phủ đến bản thân, làm sụt giảm nghiêm trọng sự ủng hộ của người dân với nhà lãnh đạo Nhật Bản.

Cải tổ nhiều vị trí trong nội các

Truyền hình NHK cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ bổ nhiệm Ngoại trưởng Fumio Kishida vào một vị trí quan trọng, cấp cao trong Đảng, đồng thời bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera quay trở lại vị trí này, hiện đang bỏ trống.

Cũng theo NHK, Thủ tướng Nhật sẽ bổ nhiệm ông Toshimitsu Motegi, từng giữ vị trí Bộ trưởng Thương mại vào vị trí Bộ trưởng Kinh tế. Ngoài ra, hai vị trí Bộ trưởng Tài chính Taro Aso và Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga vẫn giữ nguyên. Toàn bộ động thái cải tổ Nội các được thực hiện vào ngày hôm nay (3/8).

Cuộc cải tổ được thực hiện sau khi Nội các Nhật vướng một loạt bê bối: Thủ tướng Nhật bị cáo buộc theo chủ nghĩa thân hữu (ưu tiên cho người thân quen) làm sụt giảm nghiêm trọng uy tín của ông Abe. Đáng chú ý, bà Tomomi Inada, một đồng minh thân cận của Thủ tướng Shinzo Abe phải từ chức ghế Bộ trưởng Quốc phòng vì cáo buộc che giấu văn bản gây tranh cãi về việc triển khai gìn giữ hòa bình ở nước ngoài. Còn Thủ tướng Abe cùng phu nhân Akie Abe vướng bê bối dùng ảnh hưởng giúp bạn là ông Yasunori Kagoike khi ông này là Chủ tịch Tổ chức Giáo dục Moritomo Gakuen để mua đất công giá rẻ, xây trường học.

Đầu tuần này, theo hãng tin Reuters, công tố viên TP Osaka ban lệnh bắt giữ ông Yasunori Kagoike và vợ Junko vì nghi ngờ nhận trợ cấp trái phép để xây dựng một trường tiểu học.

Theo Reuters, ông Kagoike đã mua mảnh đất của Nhà nước với giá chỉ bằng 14% so với giá thẩm định - dữ liệu từ Bộ Tài chính cho biết. Dù ông Abe khẳng định, cả ông và phu nhân đều không liên quan tới thỏa thuận đất hay giúp trường chính thức được công nhận, song tỉ lệ ủng hộ ông Abe vẫn lao dốc xuống dưới 30%, mức thấp nhất kể từ khi ông quay trở lại ghế Thủ tướng vào tháng 12/2012.

Sự sụt giảm này đe dọa tới mục tiêu cải tổ Hiến pháp hoà bình và lời hứa vực dậy nền kinh tế, tăng cường quốc phòng của ông Shinzo Abe. 

Chọn những gương mặt thân quen

Qua các vị trí dự kiến sẽ được bổ nhiệm vào Nội các, nhiều chuyên gia như ông Steven Reed, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Chuo, Tokyo nhận định, ông Abe chọn chiến lược ít rủi ro, bổ nhiệm những gương mặt thân quen về vị trí cũ thay vì mạo hiểm chọn những gương mặt mới để hạn chế tranh cãi dư luận. “Ở một khía cạnh nào đó, những động thái bổ nhiệm này dù không thú vị nhưng ổn định. Nếu chọn một ai đó đã có những thành tích tốt trong quá khứ, ít nhất Thủ tướng giữ được sự an toàn, tránh những vấn đề liên quan khác có thể gây ảnh hưởng. Nhưng mặt tiêu cực đó là cuộc cải tổ này không đem lại sự đột phá”. 

Bình luận về vấn đề này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Mục đích cải tổ Nội các là nhằm tăng cường “Abenomics”- chiến lược “3 mũi tên” với trọng tâm chính gồm: Thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng do ông Abe đề ra".

Thách thức với ông Abe

Sau khi hoàn tất cải tổ bổ nhiệm nhân sự, Nội các mới của ông Abe sẽ đối mặt với nhiều thách thức trên thế giới. Đó là việc Triều Tiên thử 2 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chỉ trong vài tuần, bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế và Nhật Bản phải định hướng lại chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vì sự chia rẽ trong đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông Abe về việc giải quyết bong bóng nợ của Nhật và tìm ra con đường tốt nhất cho chính sách tiền tệ, cuộc đấu tranh trong ban lãnh đạo sẽ khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. 

Kinh tế Nhật đang hướng tới quý thứ VI liên tiếp tăng trưởng, tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong lịch sử kể từ năm 1990, lạm phát thấp ở mức 0,4%, cách xa so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương là 2%. Lạm phát thấp đặt ra nguy cơ kinh tế Nhật lại rơi vào một vòng xoáy giảm phát và tiếp tục sự tăng trưởng trì trệ…

Không chỉ vậy, theo Bloomberg, có lẽ Nhật chưa cần phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử cho tới cuối năm 2018 nhưng nhiều nhà phân tích đồn đoán, ông Abe có thể sẽ kêu gọi bầu cử trong năm nay để tìm kiếm quyền ủy nhiệm mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.