Kinh tế

Vì sao Nokia chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam?

21/08/2014, 18:07

Microsoft sẽ đóng cửa toàn bộ các nhà máy tại Komarom (Hungary) và một phần hoạt động của các nhà máy tại Bắc Kinh và Đông Quảng (Trung Quốc).

Chủ mới Microsoft quyết định nâng tầm nhà máy Nokia tại Việt Nam thành đơn vị chủ lực trong sản xuất thiết bị điện thoại di động.

Công ty Nokia Việt Nam vừa gửi văn bản đến lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, nơi đơn vị đang đặt nhà máy sản xuất điện thoại di động về định hướng phát triển sản xuất tại Việt Nam, sau khi được Tập đoàn Microsoft mua lại hồi tháng 4/2014.

Trong chiến lược đưa Nokia Việt Nam trở thành nhà máy đóng vai trò chủ lực trong sản xuất thiết bị điện thoại di động, từ tháng 5/2014, đơn vị này đã tiến hành chuyển giao lượng lớn các dây chuyền sản xuất từ các nhà máy tại Trung Quốc, Hungary và Mexico tới Việt Nam.

"Microsoft sẽ đóng cửa toàn bộ các nhà máy tại Komarom (Hungary) và một phần hoạt động của các nhà máy tại Bắc Kinh và Đông Quảng (Trung Quốc). Nhà máy tại Mexico sẽ được chuyển thành trung tâm sửa chữa", Nokia cho biết trong văn bản gửi tỉnh Bắc Ninh.

Nhà máy của Nokia tại Việt Nam sẽ trở thành đơn vị chủ lực trong sản xuất thiết bị điện thoại di động. Ảnh: Anh Quân
Nhà máy của Nokia tại Việt Nam sẽ trở thành đơn vị chủ lực trong sản xuất thiết bị điện thoại di động. Ảnh: Anh Quân

Trước đó, trong thư gửi các nhân viên Nokia, Stephen Elop - Cựu CEO Nokia và hiện là Phó Chủ tịch Microsoft cho biết tập đoàn có kế hoạch giảm những dây chuyền ở Bắc Kinh và San Diego và tập trung sản xuất điện thoại chủ yếu ở Việt Nam. "Mô hình sản xuất của tập đoàn sẽ gắn kết với chiến lược mới và tận dụng cơ hội hội nhập", vị này viết trong bức email hồi tháng 7.

Giai đoạn đầu tiên của công đoạn chuyển giao dự kiến sẽ hoàn thành cuối tháng 10 năm nay và sẽ tiếp tục dời các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc cho đến hết tháng 2/2015. Số lượng dây chuyền sản xuất của nhà máy Bắc Ninh dự định tăng từ 6 vào cuối năm 2013 lên 39 vào cuối năm nay. Sản lượng hàng tháng sẽ tăng hơn 3 lần, độ phức tạp của sản phẩm cũng gia tăng vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015.

Theo đánh giá của Nokia Việt Nam, thay đổi này là cơ hội cho nhà máy trong lĩnh vực sản xuất thiết bị di động. Nhà máy tại Bắc Ninh sẽ bắt đầu sản xuất dòng điện thoại sử dụng hệ điều hành Windows, với các sản phẩm phẩm Lumia 630 và Lumia 530 vào cuối tháng 8 năm nay. Các sản phẩm khác của Lumia cũng được xuất xưởng vào cuối năm nay. Dự kiến đến cuối tháng 10, gần như toàn bộ khâu sản xuất thiết bị điện thoại di động sẽ được tập trung tại Bắc Ninh.

Nokia Việt Nam dự kiến sẽ thay đổi đáng kể quy mô đầu tư cũng như sản lượng, giá trị xuất khẩu. Tổng vốn đầu tư dự kiến năm 2014 là 220 triệu USD, tăng so với mức 200 triệu USD đã tính toán trong báo cáo khả thi. Sản lượng đạt 76,5 triệu sản phẩm, giá trị xuất khẩu gần 1,9 tỷ USD.

"Đây là cơ hội lớn cho Microsoft cũng như Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển giao hầu hết dây chuyền sản xuất điện thoại di động thông minh về Việt Nam, tuyển thêm lao động", hãng này cho hay. Nokia Việt Nam đã tuyển dụng 5.500 công nhân vận hành và 200 nhân viên văn phòng. Với định hướng mới, công ty dự kiến số lao động sẽ tăng 50%, lượng kỹ sư cũng tăng gấp 2 lần.

Nhà máy của ông lớn sản xuất điện thoại này được Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 11/2011 và bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 6/2013. Năm 2013, nhà máy đã xuất xưởng 10,8 triệu sản phẩm điện thoại, giá trị xuất khẩu hơn 193 triệu USD. Trong đó, các dòng được Nokia sản xuất tại Việt Nam là Nokia 105, Nokia 107 và Nokia 108.

Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam hình thành khi giá nhân công và môi trường kinh tế vĩ mô ở Trung Quốc không còn thuận lợi. Các thương hiệu nổi tiếng như Nike Adidas, Reebok, Puma... ba năm qua đã giảm dần các đơn hàng sản xuất tại Trung Quốc và tăng cường hoạt động tại Việt Nam. Những hãng công nghệ nổi tiếng như Samsung, Intel cũng đổ hàng tỷ USD vào cơ sở sản xuất của Việt Nam, dù đã có những nhà máy quy mô ở Trung Quốc.

Theo VnExpress

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.