Doanh nghiệp

Vì sao nữ doanh nhân đầu tiên sở hữu Rolls Royce Phantom bị bắt?

27/01/2019, 07:29

Bà Dương Thị Bạch Diệp bị bắt vì hành vi gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước.

img
Bà Diệp tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an - báo Thanh niên

Báo Thanh niên đưa tin, chiều 25/1, Bộ Công an ra thông báo khởi tố, bắt tạm giam bà Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo thông báo của Bộ Công an, hành vi lừa đảo của bà Dương Thị Bạch Diệp có liên quan đến việc hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa TP.HCM với Công ty Diệp Bạch Dương, gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của nhà nước.

Cũng vì sự việc này mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can khác là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo sở, ngành và UBND TP.HCM để điều tra về hành vi vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong số này có ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM; Trần Nam Trang, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM; Nguyễn Thành Rum, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM; Vy Nhật Tảo, nguyên Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM.

Nổi tiếng trong giới bất động sản TP.HCM từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng cái tên Dương Thị Bạch Diệp chỉ được dư luận biết đến rộng rãi khi nữ doanh nhân này chi gần 1,4 triệu USD để mua chiếc xe siêu sang Rolls Royce Phantom biển số 77L-7777 vào năm 2008. Thời điểm đó, đây mới là chiếc Phantom thứ 6 được nhập về Việt Nam và có giá trị cao nhất.

Theo Zing.vn, nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Là một nữ doanh nhân đi lên từ hai bàn tay trắng, bà Diệp thời bao cấp đã có nhiều năm tiếp cận nghề buôn bán kinh doanh trong khối doanh nghiệp Nhà nước.

Đến đầu những năm 80, bà xin nghỉ chế độ chính sách. Lúc đó, tài sản của gia đình bà chỉ có vài vật dụng cũ cùng căn hộ chung cư ở quận 1, TP HCM. Năm 1984, bà bén duyên với ngành kinh doanh bất động sản, bắt đầu bằng việc sửa sang và bán lại căn hộ của chính mình. Thấy có lãi bà tiếp tục săn lùng nhà cũ rồi sửa sang lại và bán.

Sau khi đã tích lũy được số vốn đủ lớn, bà không chỉ mua bán chung cư cũ mà bắt đầu lấn sang những sản phẩm lớn hơn như trung tâm thương mại, văn phòng làm việc…

Hiện, dữ liệu cho thấy bà Diệp là người đại diện theo pháp luật của 4 công ty, trong đó 2 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, chỉ còn lại 2 đơn vị là: Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và Công ty TNHH Nam Nam Phương.

Báo Kiến thức cho biết thêm, vào tháng 7/2014, Kiểm toán Nhà nước công bố dư nợ của Công ty Bất động sản Diệp Bạch Dương đến hết tháng 12/2012 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Agribank chi nhánh TP.HCM là 3.700 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 2.968 tỷ đồng, tiền lãi 732 tỷ đồng.

Sau kết luận của Kiểm toán nhà nước, bà Dương Thị Bạch Diệp cho biết: “Với thông tin công ty tôi đang nợ Ngân hàng Agribank 3.700 tỷ đồng, so với tài sản của chúng tôi có trong và ngoài nước thì không thành vấn đề. Chỉ cần tôi bán một số dự án lớn là đủ để giải quyết”. Thế nhưng, các dự án do Công ty Diệp Bạch Dương làm chủ đầu tư sau đó vẫn đang “dậm chân tại chỗ” do khâu xin giấy phép còn nhiều phức tạp.

Năm 2016, một dự án khác của Diệp là dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique được rao bán với giá khoảng 900 tỷ đồng vào tháng 3/2016. Năm 2017, tên chủ đầu tư mới của dự án được công bố là Công ty TNHH Bất động sản và Thương mại Hồng Phúc Quang (Công ty Hồng Phúc Quang).

Theo danh sách nợ thuế mà Cục Thuế TPHCM công bố, đứng đầu trong các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nợ thuế chính là Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương của nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp với số tiền nợ thuế là 33,9 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.