Chất lượng sống

Vì sao nước mắt rơi khi GS. Nguyễn Anh Trí về hưu?

06/10/2017, 09:05

Đó là bởi những thành quả mang thương hiệu Nguyễn Anh Trí được ông nỗ lực gây dựng bằng tâm huyết của mình.

17

Cộng sự xúc động chia tay GS. Nguyễn Anh Trí khi ông chính thức nghỉ chế độ - Ảnh: VTV

Buổi chia tay cương vị Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư của GS. Nguyễn Anh Trí sáng 2/10 giản dị nhưng nồng ấm với biết bao tình cảm của những cộng sự, nhân viên, bệnh nhân và người nhà bỗng trở thành một hiện tượng của xã hội. Tất cả là bởi những thành quả mang thương hiệu Nguyễn Anh Trí được ông nỗ lực gây dựng bằng tâm huyết của mình.

Cha đẻ phong trào hiến máu cứu người

“Sáng nay, ngày 12/9/2017 (còn 2 ngày nữa là đến sinh nhật lần thứ 60), tôi đã làm xong một việc bình thường như đã làm 2-3 lần/năm trong mấy năm qua, đó là, hiến máu. Tuy nhiên, đây là lần cuối cùng tôi làm việc này vì theo quy định hiện hành, tuổi hiến máu ở cả hai giới là từ 18 đến 60 tuổi. Đã 21 lần hiến máu, tôi hy vọng đã cứu được những mạng người, là những bệnh nhân yêu quý đang cần máu”. GS. Nguyễn Anh Trí đã mộc mạc chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của mình như vậy. Và với ông, nếu quy định có được sửa đổi và tăng tuổi được hiến máu, ông cũng sẽ sẵn sàng tiếp tục tham gia.

“Là một bác sĩ chuyên khoa Huyết học - Truyền máu, tôi được học, được đào tạo về máu, về sự cần thiết của máu,… bản thân tôi hàng ngày được tiếp xúc với các bệnh nhân. Hơn ai hết, tôi là người hiểu sâu sắc nhất về sự cần thiết của máu để cứu chữa cho người bệnh”, GS. Nguyễn Anh Trí đã từng tâm sự như vậy trong những giai đoạn ngân hàng máu phục vụ bệnh nhân bị thiếu trầm trọng. Khởi điểm ban đầu, hoạt động hiến máu được GS Nguyễn Anh Trí động viên trong nội bộ cán bộ, y bác sĩ của Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, rồi lan dần ra toàn ngành Y tế. Dần dà, “Lễ hội Xuân Hồng” và “Hành trình Đỏ” ra đời từ sự phát động của GS. Nguyễn Anh Trí. Trải qua chục năm thực hiện, phong trào hiến máu ngày một lớn mạnh, thu hút hàng nghìn người tham gia hiến máu và có ảnh hưởng rộng lớn trong cả nước, góp phần chấm dứt tình trạng thiếu máu trong dịp hè và sau Tết Nguyên đán, đảm bảo công tác điều trị cho hàng vạn bệnh nhân. Trên tất cả, “Lễ hội Xuân Hồng” và “Hành trình Đỏ” đã trở thành địa chỉ để hàng vạn người thể hiện trách nhiệm sống vì mọi người, vì cộng đồng.

Chia sẻ với Báo Giao thông, bệnh nhân Phạm Thị Thoan (Phú Thọ) cho biết, từ khi sinh ra đã mang trong mình bệnh tan máu bẩm sinh. Cứ đều đặn mỗi tháng chị Thoan buộc phải truyền máu ít nhất 2 lần và đến giờ chị không nhớ nổi mình đã được truyền bao nhiêu đơn vị máu. “Trước đây, có những dịp Tết, mình phải chờ đợi hàng tuần, cơ thể mỗi lúc càng mệt mỏi, yếu ớt vì thiếu máu để truyền. Cũng đã có lúc mỗi người bệnh lại phải “chia nhau” từng bịch máu. Đối với người bệnh chúng tôi, đủ máu để truyền là điều hạnh phúc nhất và chính những “Lễ hội Xuân hồng” đã mang lại sự sống cho những người bệnh suốt cuộc đời phải gắn với truyền máu như tôi”, chị Thoan chia sẻ.

Trong suốt 14 năm ở cương vị Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, GS. Nguyễn Anh Trí đã chung tay cùng cộng đồng giải quyết được cơ bản được tình trạng thiếu máu, mang lại cuộc sống cho hàng vạn bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học.

“Đồng nghiệp và bệnh nhân luôn là những người thân của tôi”

GS. Nguyễn Anh Trí từng nói: “Đây chính là mái nhà, là tổ ấm của tôi. Và tất cả đồng nghiệp và bệnh nhân nơi đây đều là người thân của tôi”. Ở Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư này, hình ảnh vị Viện trưởng Nguyễn Anh Trí khi còn đương chức ân cần đến từng giường bệnh hỏi han bệnh nhân, hay bắt tay, trò chuyện thân mật với từng cán bộ, nhân viên không phải hiếm gặp.

Trong quá trình làm việc, cống hiến, ông đã được trao tặng những danh hiệu cao quý nhất: Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba, Vinh quang Việt Nam, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Công dân ưu tú Thủ đô, Thầy thuốc nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, Chứng nhận cống hiến của Liên đoàn Hemophilia thế giới và nhiều bằng khen của các bộ, ban, ngành, đoàn thể... Không chỉ là một bác sĩ, một nhà khoa học, ông còn là Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đồng thời là một nhà thơ, một nhạc sĩ.

GS. Nguyễn Anh Trí sinh năm 1957, quê Lệ Thủy, Quảng Bình. Năm 1976, ông đỗ trường Đại học Y Hà Nội; năm 1982, ông học tiếp bác sĩ nội trú; Từ năm 2003 đến nay, ông làm Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư.

GS. Nguyễn Anh Trí quan niệm “giúp người bệnh là giúp viện phát triển”, đó cũng là kim chỉ nam dẫn đường trong mọi hoạt động của ông và các đồng nghiệp. Ông cũng chính là người tiên phong quyết tâm thực hiện chủ trương “Nói không với phong bì” tại ngôi nhà Huyết học này. Chia sẻ về điều này, GS. Nguyễn Anh Trí cho biết: “Dù khởi điểm thực hiện chủ trương gặp vô vàn khó khăn, bởi quan niệm “hàm ơn và gửi quà cảm ơn” của người Việt mình bao năm qua. Nhưng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư đã gặt hái được thành quả, được công nhận là một trong những đơn vị được đánh giá tốt nhất về mặt Y đức trong cả nước. Và hơn cả, các bệnh nhân mắc bệnh lý về máu, nhất là những ca bệnh nặng, bệnh ác tính đều đã thực sự coi đây là một mái nhà, yên tâm gửi gắm sinh mạng của mình”.

Ánh mắt lấp lánh khi nói về mái nhà Huyết học, GS. Nguyễn Anh Trí tự hào cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng được một phông văn hóa rất đặc trưng của Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, từ lời ăn tiếng nói, trang phục… đến quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, ứng xử với người bệnh. Tất cả những điều này đã được cộng đồng và bệnh nhân thừa nhận…”.

Điều đó cũng lý giải vì sao cuộc chia tay ông rời nhiệm sở về hưu lại thấm đẫm nước mắt, sự lưu luyến của biết bao đồng nghiệp và bệnh nhân dưới mái nhà Huyết học này.

Nhắc đến GS. Nguyễn Anh Trí, chị Nguyễn Mai Anh (Phú Thọ, có con điều trị tại Khoa Nhi) chia sẻ: “Mới gặp bác ở ngoài đời một lần khi bác ngang qua tầng 6 của Viện, nơi con mình đang điều trị. Khi mình chào, bác đáp lại “Chào con!” cùng nụ cười ấm áp. Mình đi rất nhiều bệnh viện, nhưng chưa có nơi nào bệnh nhi lại được quan tâm và chăm sóc chu đáo như nơi đây. Gia đình mình mong bác luôn khỏe mạnh và sẽ luôn dõi theo từng bước đi của bác”. Còn BS. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, người gắn bó công tác 19 năm cùng GS. Nguyễn Anh Trí, tâm sự: “Ngoài những tri thức chuyên ngành thu nhận được từ GS Trí, tôi còn nhớ mãi câu nói của ông: “Là thầy thuốc, bên cạnh việc cứu người thì tình cảm, tấm lòng với người bệnh là vô cùng quan trọng. Tình cảm, tấm lòng đó phải xuất phát từ chính cái tâm mình”.

Viết nhạc để thăng hoa trong công việc

Không phải ai cũng rõ, bên cạnh “gia tài” 250 công trình nghiên cứu, cùng các danh hiệu cao quý: Thầy thuốc Nhân dân, Bác sĩ cao cấp, GS. TS. Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Công dân ưu tú Thủ đô..., GS. Nguyễn Anh Trí còn chất chứa riêng cho mình một “kho tàng thơ ca”. Và với ông, thơ ca chính là “bờ vai” để ông nương tựa tìm nguồn năng lượng tinh thần vượt qua những áp lực nặng nề trong công việc. Các lời hát, vần thơ của ông cũng mộc mạc, dung dị nhưng cháy bỏng nhiệt huyết như chính tính cách người con miền Trung của ông vậy. GS. Trí cho hay, sau khi nghỉ hưu, sáng tác nhạc cũng là một dự liệu mà ông hướng đến. Mới đây, ông đã thực hiện đêm nhạc Anh Trí như một lời tri ân với bạn bè, đồng nghiệp, với những người luôn dõi bước theo ông trong các hoạt động chuyên môn, khoa học, quản lý và sáng tác.

Mặc dù rời khỏi cương vị Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư nhưng ông lại tiếp tục “ngập” trong rất nhiều dự định. Mà theo ông chia sẻ, đó là tròn vai với tư cách là một đại biểu Quốc hội; là hỗ trợ cho con trai hiện đang điều hành một bệnh viện có 850 cán bộ nhân viên; là thực hiện ý tưởng đang dần hoàn thiện là xây dựng một trung tâm và là công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam. Bên cạnh đó, còn nhiều chương trình nghiên cứu khoa học với viện, với Hội Rối loạn đông máu, Hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam… 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.