Thời sự

Vì sao ông Hoàng Văn Nghiên chưa trả biệt thự công vụ?

03/12/2014, 07:23

Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện là nơi sinh sống của gia đình con trai ông Hoàng Văn Nghiên, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Kỳ 1: Giữ lại cho gia đình con trai ở

Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hiện là nơi sinh sống của gia đình con trai ông Hoàng Văn Nghiên, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Bản thân ông Nghiên đang sống ở nơi khác.  

Hàng ngày, những người trong gia đình con trai ông Hoàng Văn Nghiên vẫn sinh sống tại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa có diện tích hơn 400 m2Ảnh: Hữu Tuấn
Hàng ngày, những người trong gia đình con trai ông Hoàng Văn Nghiên vẫn sinh sống tại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa có diện tích hơn 400 m2Ảnh: Hữu Tuấn

Biệt thự 12 phố Nguyễn Chế Nghĩa, thuộc địa bàn tổ dân phố số 18, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm. Tổ trưởng dân phố, bà Nguyễn Thị Đích cho biết, căn biệt thự này hiện là nơi sinh sống của gia đình ông Hoàng Hữu Nam. Ông Nam là con trai của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên (ông Nghiên làm Chủ tịch Hà Nội từ năm 1994 - 2004).

Việc thu hồi nằm trên giấy suốt 8 năm trời

Theo tìm hiểu của PV, ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa có diện tích hơn 400 m2, là 1 trong 30 biệt thự thuộc diện phải thu hồi đầu những năm 90 theo chủ trương của thành phố, để cho người nước ngoài thuê, tăng nguồn thu. Thực hiện chủ trương đó, thành phố đã phải bồi thường cho hơn chục hộ dân di dời, mỗi hộ 50-60 m2 đất để giải phóng mặt bằng.  

Bà Đích cho biết, bà đã làm Tổ trưởng Tổ dân phố số 18 được gần 3 năm nay, trong suốt thời gian đó, bà chỉ thấy duy nhất hộ gia đình ông Nam sinh sống tại đây, ngoài ra không còn ai khác.

Ông Nam sống với vợ và hai con nhỏ. “Thật sự thì chúng tôi chỉ quan tâm các hộ dân sinh sống trên địa bàn và không biết thông tin về việc thành phố có chủ trương thu hồi căn biệt thự này”, bà Đích nói. 

Sau khi thu hồi, biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa được Sở Nhà đất sửa sang lại, cho một người Nhật Bản thuê với giá 5 nghìn USD/tháng. Khi hợp đồng hết hạn, ngôi biệt thự được cho một cơ quan của thành phố mượn tạm. Đầu năm 2002, ông Hoàng Văn Nghiên trả lại căn hộ 406 B, nhà K11, Khu tập thể Bách Khoa (cũng là nhà thuê) chuyển về biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa thuê ở, với giá thuê khi đó khoảng 500 nghìn đồng/tháng.

Khi đã rời chức Chủ tịch UBND TP, ông Nghiên có đơn xin hóa giá căn biệt thự theo Nghị định 61/CP và đã được một số cơ quan chức năng của thành phố đồng tình. Tuy nhiên, sau đó, việc hóa giá không thành, do báo chí thông tin, khẳng định căn biệt thự này không thuộc diện được hóa giá. 

Đến năm 2006, UBND TP đã có Thông báo 225 với nội dung không bán biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa theo Nghị định 61, đồng thời giao Sở Tài nguyên & Môi trường bố trí nơi ở mới thay thế cho ông Nghiên. Tuy nhiên, điều lạ lùng là suốt trong 8 năm qua, việc thu hồi vẫn chỉ nằm trên giấy. 

Phải xử lý kiên quyết

Tại sao trong suốt khoảng thời gian dài như vậy mà Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội lại không thể tìm được căn nhà nào thích hợp cho ông Nghiên, dẫn đến việc ông Nghiên không trả nhà? Nếu cứ kéo dài việc này, giả sử như Sở Tài nguyên & Môi trường tìm được nhà nhưng ông Nghiên cứ cho rằng không ưng ý, không thích hợp thì hướng xử lý như thế nào?

Trả lời câu hỏi trên của PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết: “Từ năm 2008, Sở Tài nguyên & Môi trường đã bàn giao tất cả nhiệm vụ này cho Sở Xây dựng. Còn cụ thể sự việc trong khoảng thời gian từ năm 2006 - 2008 thì tôi không nắm rõ được, vì khi đó tôi chưa về phụ trách”. 

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, với những vấn đề liên quan đến nhà công vụ thì đều đã được công khai. “Nhà số mấy, ở đâu, ai làm chủ đều được công khai hết. Vì vậy, tôi tin rằng Bộ Xây dựng cũng như Cục Quản lý nhà sẽ xử lý kiên quyết vấn đề này”, Bộ trưởng Nên nói.

Về trường hợp cụ thể của ông Hoàng Văn Nghiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay: “Trường hợp cụ thể thì tôi không nắm được. Còn đối với trường hợp chung, nếu UBND thành phố ra quyết định mấy năm rồi mà vẫn chưa thu hồi, thì chắc chắn phải làm theo quy định chung. Còn trường hợp đặc biệt thì các cấp quản lý sẽ bàn cụ thể với cơ quan quản lý. Theo quy định chung thì sẽ giao lại cho Bộ Xây dựng giải quyết”.

(Còn tiếp)

Văn Huế - Hoài Thu  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.