Hàng hải

Vì sao “ông lớn” hàng hải lỗ trăm tỷ sau cổ phần hóa?

11/03/2021, 14:00

Năm đầu chính thức hoạt động với mô hình công ty cổ phần, tổng lợi nhuận sau thuế của VIMC âm hơn 180 tỷ, công ty mẹ chịu lỗ gần 324 tỷ đồng.

img

Kể từ khi hoạt động với mô hình mới, khối cảng biển VIMC có sự bứt phá mạnh mẽ, trong khi lĩnh vực vận tải biển vẫn lỗ sâu (Ảnh minh họa)

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) gặp nhiều trắc trở trong năm đầu chính thức hoạt động với mô hình công ty cổ phần. Tổng lợi nhuận sau thuế âm hơn 180 tỷ đồng, công ty mẹ chịu lỗ gần 324 tỷ đồng.

Tài chính biến động

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Tuyên giáo - Truyền thông VIMC cho biết, năm 2020, dù phải chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị này vẫn có nhiều tín hiệu khả quan.

Khối cảng biển vẫn là điểm sáng khi đem lại lợi nhuận gần 1.300 tỷ đồng. Khối dịch vụ hàng hải đạt hơn 1.660 tỷ đồng, vượt 8,4% kế hoạch được giao về doanh thu năm 2020.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính VIMC, lũy kế cả năm 2020, doanh nghiệp này chỉ đạt gần 10.000 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 9,7% so với năm 2019. Tổng lợi nhuận sau thuế âm hơn 180 tỷ đồng, công ty mẹ chịu lỗ gần 324 tỷ đồng (năm 2019 lợi nhuận sau thuế của VIMC đạt tới 419 tỷ đồng và lãi công ty mẹ là 82 tỷ đồng).

Lý giải về điều này, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc VIMC cho biết, năm 2020 cũng là năm công ty mẹ - Tổng công ty chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.

Theo quy định, công ty mẹ phải thực hiện các nghiệp vụ về trích lập dự phòng và hạch toán các chi phí xử lý dứt điểm các tồn tại của doanh nghiệp nhà nước nên kết quả kinh doanh của Công ty mẹ lỗ 261 tỷ đồng.

Cùng đó, biến động về tài chính, hoạt động vận tải biển của VIMC cũng đắm chìm trong khó khăn với mức lỗ ghi nhận trong năm 2020 là hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Trung, nguyên nhân lỗ sâu của khối vận tải biển do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm, giá cước cũng giảm mạnh (trung bình từ 25 - 30%); Thị trường hàng rời, tổng hợp đều đóng băng; Chỉ số giá cước tàu hàng khô có thời điểm tụt xuống chỉ còn 393 điểm (mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây).

Đại diện Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam lại có cách nhìn khác khi cho rằng, khối vận tải biển của VIMC chưa thể thoát lỗ còn do năng lực cạnh tranh của đội tàu quá yếu ớt. Đội tàu này dù tuổi đời không cao so với tuổi tàu trung bình của thế giới nhưng hầu hết đã cũ, năng lực khai thác kém.

Theo khảo sát, 9 năm trở lại đây, các “ông lớn” vận tải là đơn vị thành viên của VIMC như Vosco không đầu tư, bổ sung thêm con tàu nào. Đó là lý do đội tàu biển của VIMC dù nhiều nhưng không thể thâm nhập vào thị trường vận tải xuất nhập khẩu bằng đường biển, tranh thủ thời cơ giá cước vận chuyển container tuyến quốc tế tăng gấp 2b- 3 lần như hiện nay để thoát lỗ.

Đặt mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ

Ông Lê Quang Trung cũng thừa nhận, VIMC là doanh nghiệp sở hữu đội tàu lớn nhất nước, song các tàu đều được đầu tư vào giai đoạn 2006 - 2009 với suất đầu tư rất cao.

Đến nay, các tàu này không còn phù hợp về kỹ thuật, khó cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ. Những năm tới, VIMC sẽ tập trung bán tàu cũ, hoạt động không hiệu quả để cắt lỗ, chuyển hướng phát triển năng lực đội tàu bằng cách thuê/thuê mua tàu để khai thác; chỉ tiến hành mua khi yếu tố thị trường thuận lợi và khi ký kết được các hợp đồng với các chủ hàng.

VIMC cũng định hướng thoái vốn tối đa tại các công ty vận tải biển để tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng mới cảng biển lớn như bến số 3, 4 Lạch Huyện (Hải Phòng); Nâng cấp, mở rộng quy mô các cảng biển như: Quy Nhơn, Đà Nẵng; phát triển các trung tâm, dịch vụ logistics tại Đà Nẵng, TP HCM để kết nối dịch vụ với các cảng biển.

“Năm 2021 VIMC và các doanh nghiệp thành viên sẽ nỗ lực đạt mục tiêu sản lượng vận tải biển gần 19 triệu tấn. Sản lượng thông qua cảng đạt gần 114 triệu tấn; Doanh thu hợp nhất ước đạt hơn 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 944 tỷ đồng”, ông Trung nói.

Ông Nhữ Đình Thiện, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải cho rằng, VIMC có cơ sở đặt lợi nhuận “khủng” sau cổ phần hóa trong năm 2021 khi khối cảng biển của doanh nghiệp này đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, điển hình là cảng Đà Nẵng (lợi nhuận năm 2020 tăng 15%), Cảng Quy Nhơn (lợi nhuận tăng 21%) và cảng Hải Phòng (lợi nhuận năm 2020 tăng 5%)...

“Tuy nhiên, chủ trương thanh lý đội tàu cũ của VIMC sẽ gặp nhiều khó khăn khi hầu hết các tàu đều được đầu tư cách đây hơn chục năm với khoản vay ngân hàng không nhỏ. Hiện, khoản nợ chưa được thanh toán hết, việc tiếp tục vay ngân hàng để tái đầu tư đội tàu là không dễ”, ông Thiện nhận định.

Thị trường cổ phiếu VIMC kém sôi động

Sau phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào tháng 9/2018, hơn 5 triệu cổ phần trúng giá của VIMC đã được niêm yết trên thị trường UPCoM, giá tham chiếu 10.000 đồng với mã MVN. Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Vương, một nhà đầu tư chứng khoán tại TP HCM cho biết, với tình hình tài chính thiếu ổn định, tiềm năng phát triển chưa rõ ràng, cổ phiếu của VIMC gần như không có nhà đầu tư nào quan tâm.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện VIMC thừa nhận, cổ phiếu của đơn vị này đang có giá tham chiếu là 12.500 đồng/cổ phiếu nhưng thời gian qua, khối lượng giao dịch gần như không có.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.