Hạ tầng

Vì sao phải dừng thả bao tải cát xuống sông chống sạt lở QL91?

24/08/2019, 06:06

Ngành chức năng đang tiến hành khảo sát địa hình, địa chất của khu vực xảy ra sạt lở ở QL 91 để có phương án xử lý thích hợp.

img
Hiện trường vụ sạt lở xảy ra vào ngày 1/8

Ngày 23/8, liên quan đến tình hình sạt lở xảy ra trên tuyến QL 91, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, ông Nguyễn Văn Du, Trưởng ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh An Giang cho biết hiện đang tạm dừng việc thi công gia cố bao cát, giao đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát lại địa hình, địa chất của khu vực này để có phương hướng xử lý thích hợp.

Tạm dừng việc chống sạt lở bằng cát

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, ngày 27/7, QL91 đoạn qua xã Bình Mỹ xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m. Đến 00h38 ngày 1/8, vị trí này bắt đầu xảy ra sạt lở, 85m đường QL91 ăn sâu vào 1/2 mặt đường bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu.

Sở GTVT và Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh đã triển khai ngay việc lấp bao tải cát, tạo mái dốc để bảo vệ bờ, với kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Quá trình khắc phục đến hết ngày 17/8 đạt tổng khối lượng khoảng 53.707m3/54.245m3. Đến 5h ngày 20/8, sạt lở tiếp tục xảy ra, mặt đường QL91 chỉ còn lại 1m.

Sau khi xảy ra sự cố nứt mặt đường, 1/2 mặt đường bị trượt xuống sông, UBND tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp, giao các sở ngành trong đó có Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh xử lý, ngăn chặn tình hình sạt lở, không để xảy ra sạt lở nghiêm trọng thêm ảnh hưởng đến khu dân cư, cố gắng giữ lấy phần đường không cho sạt lở thêm…

"Tuy nhiên, sau khi đắp bao tải cát vào nền đường thì số bao cát này lại bị “trượt” ra hố xoáy bên ngoài. Bao tải cát là “trượt” chứ không trôi. Sau khi bị “trượt”, UBND tỉnh đã cho tạm dừng để đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát lại địa hình toàn bộ khúc sông và khoan 2 hố khoan địa chất, 1 hố tại trung tâm sạt lở, 1 hố về phía thượng lưu để nghiên cứu lại địa hình lạch sâu và hố xoáy, để có giải pháp xử lý cho thích hợp. Hiện nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát địa hình, xử lý số liệu từ máy đo chuyên dùng. Đồng thời đang phân tích địa chất lớp đất khoan. Dự kiến đầu tuần sẽ có số liệu báo cáo UBND tỉnh cũng như các sở ngành có liên quan”, ông Du nói và thông tin thêm, liên quan đến vấn đề 24 tỷ khắc phục sạt lở là số tiền UBND tỉnh tạm ứng trước từ nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh. Số tiền 25 tỷ là tiền Trung ương hỗ trợ cho tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có.

img
Ngành chức năng đã triển khai ngay việc lấp bao tải cát, tạo mái dốc để bảo vệ đường bờ, với kinh phí khoảng 25 tỷ.

Phương án nào là thích hợp?

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, nguyên nhân sạt lở chính của ĐBSCL là thiếu cát và thiếu phù sa.

Đối với vụ sạt lở QL91, ngành chức năng đã lựa chọn phương án đem cát lấp hố sâu và gia cố bờ sông với kinh phí 25 tỷ đồng, nhưng 20 ngày sau đến khi hoàn thành 90% tiến độ thì toàn bộ số cát này đã bị trôi sông.

img
Ngày 20/8 sạt lở tiếp tục xảy ra

Lý giải về việc này, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết: “Điểm sạt lở QL91 ở An Giang là khu vực sông bị hẹp, cong, tạo ra bên vịnh (bên lõm) và bên doi (bên lồi).

Khi nước ở thượng nguồn chảy xuống, theo lực quán tính có khuynh hướng đi thẳng nhưng tới đây bị hẹp và buộc chuyển hướng nên tạo ra lực ly tâm làm cho tim sông không đi giữa sông mà đi sát vào bờ phía vịnh. Mực nước phía bên vịnh cũng dâng lên cao hơn ở phía vịnh so với phía doi. Vận tốc chảy phía vịnh lớn hơn phía doi. Do mực nước bên vịnh cao hơn, bị trọng lực kéo xuống thì ngoài dòng chảy tới còn có dòng chảy xoắn. Như vậy phía vịnh là phía luôn luôn chịu áp lực xói lở, phía doi có thể bồi lắng.

Trước đây thì quá trình sạt lở vẫn sẽ diễn ra ở phía vịnh, nhưng chậm hơn. Nhưng ngày nay, sông đã sâu hơn, dòng nước thiếu bùn cát thì hình hành “nước đói”. Dòng chảy xoắn này đào xuống tạo “vực thẳm” bên dưới và ăn vào bờ sông. Sạt lở thường xảy ra vào đầu mùa lũ. Hai loại dòng chảy này ở phía vịnh bào mòn, ăn đứt chân bờ sông. Mực nước thấp nên khối đất ở trên rất nặng không có gì chống đỡ.

Về phương án ứng phó, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, nơi nào nguy cơ sạt lở cao, trước khi sạt lở xảy ra thì nên xem là tình huống khẩn cấp, cần phải phản ứng nhanh để bảo vệ tài sản, tính mạng cho dân. Nhưng khi đã sạt lở rồi thì không còn khẩn cấp nữa, việc khắc phục ở giai đoạn này không nên hấp tấp chỉ đưa ra một phương án rồi trở thành sai lầm. Số tiền 25 tỷ đem cát quăng xuống sông lẽ ra có thể làm được rất nhiều việc.

“Ở đây có thể nghĩ tới một là đem bao cát lấp như đang làm, nhưng phải hiểu rõ cơ chế dòng sông, tính đến rủi ro thất bại của phương án. Nếu thấy rằng không thể bảo vệ thì tính tới phương án rút lui, chấp nhận bỏ khu vực đó tái định cư dân và làm đường tránh. Hoặc là lựa chọn phương án chỉnh trị nắn dòng đưa tim sông ra giữa hoặc sang bờ kia, chấp nhận mua đất, bồi thường và cho sạt lở đất nông nghiệp bờ kia ít giá trị hơn bờ này”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.