Xã hội

Vì sao Quốc hội lại quyết định cấm tuyệt đối uống rượu bia khi lái xe?

14/06/2019, 17:12

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc lý giải việc Quốc hội bất ngờ thống nhất quy định cấm tuyệt đối hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

img
Quang cảnh buổi họp báo

Chiều 14/6, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo giới thiệu kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc. Buổi họp báo do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì.

Một trong những nội dung được báo giới quan tâm đặt câu hỏi là việc Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó bổ sung quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn (tức là đã uống rượu bia thì không được lái xe). Trước đó, nội dung này không nhận được đủ số phiếu cần thiết để đưa vào Luật.

Trước câu hỏi về quá trình chuyển biến nhận thức của các ĐBQH như thế nào về việc thông qua quy định cấm “đã uống rượu bia thì không được lái xe”, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Lúc đầu Quốc hội xin ý kiến ĐBQH bằng hình thức biểu quyết điện tử về 2 phương án quy định cấm lái xe khi đã sử dụng rượu bia trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, phương án 1, Quốc hội muốn thể hiện quan điểm rất mạnh mẽ “đã uống rượu bia là không lái xe”.

Tuy nhiên ban đầu chắc là do các ĐBQH chưa hiểu rõ nội dung của quy định này nên tỷ lệ biểu quyết chưa được cao. Thực tiễn thời gian qua số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến sử dụng rượu bia nhiều và phức tạp như vậy nên chúng ta không thể thờ ơ được. Sau đó, quá trình họp đoàn, họp tổ có trao đổi và giải thích rõ hơn vấn đề này rằng quy định như vậy là muốn tăng nặng hơn hình thức xử lý với vi phạm này.

Vì thế, sau khi các ĐB nghe ra, thấy đã hiểu rõ hơn. Từ cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đưa quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe” vào khoản 6, Điều 5 quy định về các điều cấm trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Và hôm nay khi biểu quyết này thì đạt được tỷ lệ đồng thuận cao, trên 70%. Sau đó Luật cũng được thông qua với 84% ĐBQH tán thành".

Luật Giao thông đường bộ hiện hành đã quy định lái xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường thì tuyệt đối không được uống rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở không được có nồng độ cồn).

Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy chỉ được uống ở mức pháp luật cho phép - nồng độ cồn trong máu không vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Như vậy, một trong những điểm mới của Luật này là cấm uống rượu, bia với người điều khiển xe máy (còn với tài xế ôtô thì Luật hiện hành đã cấm).

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết thêm, lúc đầu khi xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Chính phủ trình đúng phương án cấm người đã uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ. Sau đó, Ủy ban có ý kiến đề nghị phải quy định mạnh hơn theo hướng "đã uống rượu bia thì không được tham gia giao thông".

Với câu hỏi “Sau khi Luật đã đưa vào quy định cấm thì chế tài xử phạt với những người đã uống rượu bia vẫn tham gia giao thông như thế nào?”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, trong Nghị quyết của kỳ họp đã nêu rõ: “Giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó, cần tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông”.

“Điều đó thể hiện quyết tâm rất cao của Quốc hội và Chính phủ là sẽ nâng mức chế tài xử phạt đối với hành vi lái xe sử dụng rượu bia”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.