Hạ tầng

Quỹ đất dành cho giao thông Hà Nội "giậm chân tại chỗ"

19/05/2020, 14:18

Tỷ lệ quỹ đất giao thông so với diện tích xây dựng đô thị ở Hà Nội tăng rất chậm, gần như "giậm chân tại chỗ", khiến ùn tắc diễn ra triền miên.

img
Quỹ đất dành cho giao thông tăng chậm, tình trạng ùn tắc, quá tải phương tiện vẫn diễn biến phức tạp trên các tuyến đường Hà Nội trong nhiều năm qua

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong 5 năm vừa qua (2015 - 2020), chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông/diện tích xây dựng đô thị tại Thủ đô tăng chỉ khoảng 0,3%.

Cụ thể, năm 2015, quỹ đất dành cho giao thông là 8,65%, năm 2016 là 8,83%, năm 2017 là 9,0%, năm 2018 là là 9,38%, đến năm 2019 là 9,75% và và dự kiến năm 2020 là 10,05%. Việc quỹ đất dành cho đô thị thấp khiến tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô khá phức tạp.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương xử lý được 59 điểm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, lại phát sinh thêm 48 điểm ùn tắc mới do triển khai thi công các công trình trọng điểm nên số điểm thường xuyên ùn tắc trên địa bàn thành phố hiện là 34 điểm.

Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, nguyên nhân quỹ đất giao thông tại Hà Nội còn thấp là do sự kết hợp giữa giao thông và quy hoạch xây dựng chưa chặt chẽ.

“Hà Nội có đồ án Quy hoạch chung xây dựng từ tháng 4/2011, nhưng phải đến tháng 3/2016 mới phê duyệt Quy hoạch GTVT. Sự thiếu nhất quán này đã khiến hạ giao thông phải đi sau một bước',TS. Đức nói.

Cũng theo TS Đức, khi phát triển đô thị, các khu đô thị thường do tư nhân đầu tư, trong khi đó, giao thông lại do Nhà nước đảm nhận. Việc huy động vốn ngân sách dành cho hạ tầng nhiều khi còn chậm dẫn đến sự phát triển lệch pha, nhà cửa đua nhau mọc, mang tới lượng phương tiện cá nhân lớn, diện tích đường sá đi lại không kịp đáp ứng dẫn đến ùn tắc triền miên. Trong đó, đường Lê Văn Lương là ví dụ điển hình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.