Quản lý

Vì sao quy định thu phí toàn bộ cao tốc?

18/06/2020, 05:52

Việc thu phí cao tốc suốt vòng đời dự án là do suất đầu tư dự án rất lớn, nhà đầu tư gần như không thể thu hồi vốn, hoàn vốn.

img
Một đoạn cao tốc La Sơn - Túy Loan. Ảnh: Duy Lợi

Tại dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất quy định tách riêng nguồn thu phí của tất cả các tuyến cao tốc, để tạo nguồn lực phát triển đồng bộ hệ thống giao thông. Vậy vì sao cần phải có quy định này?

Đầu tư cao tốc dễ lỗ

Theo tôi, quy định tách riêng nguồn thu phí tất cả các tuyến cao tốc là chủ trương rất cần thiết để phát triển giao thông trong tương lai. Để hiểu rõ vấn đề này cần phải thấy rằng, cao tốc là công trình được đầu tư rất lớn, công tác quản lý, bảo trì và tổ chức khai thác đòi hỏi chặt chẽ về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chi phí cao.

Xét trên góc độ của nhà đầu tư, khả năng có lãi của loại dự án này là rất khó. Nếu không có sự tham gia hoặc hỗ trợ từ phía Nhà nước, việc triển khai dự án gần như không khả thi.

Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài không dám đầu tư vào những dự án kiểu này.

Ở một góc độ khác, người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông trên đường cao tốc sẽ được bảo đảm lưu thông với tốc độ cao và an toàn hơn so với đường bộ thông thường.

Khi Nhà nước xây dựng đường cao tốc, sẽ tổ chức thu phí. Ý nghĩa của việc tổ chức thu phí trước tiên là để điều tiết giao thông.

Thêm nữa là để có nguồn lực nâng cao chất lượng dịch vụ lưu thông trên tuyến đường thu phí đó và tiếp tục phát triển hệ thống đường bộ nói chung, trong đó có đường cao tốc.

Nếu không thu phí, không thể điều tiết được giao thông, vừa không thể nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó cũng gây lãng phí dự án.

Chính vì vậy, việc thu phí cao tốc suốt vòng đời dự án là do suất đầu tư dự án rất lớn, nhà đầu tư gần như không thể thu hồi vốn, hoàn vốn. Nếu Nhà nước tính toán đến phương án hồi vốn như các doanh nghiệp đang làm sẽ không có hiệu quả.

Ví dụ như cao tốc TP HCM - Trung Lương, đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, khi bán cho BIDV nhưng họ không dám mua vì số thu phí hàng năm không bằng 50% so với lãi tiền gửi của hơn 9.000 tỷ thời điểm năm 2009 - 2010, đến nay mới chỉ ngang bằng lãi tiền gửi.

Điều này cho thấy, nhiều khi chúng ta nhìn vào bề ngoài và tưởng rằng cao tốc là nơi đầu tư sinh lãi dễ dàng, nhưng thật ra là cả vấn đề. Thậm chí xét về mặt kinh doanh và hiệu quả kinh tế, đầu tư cao tốc dễ lỗ hơn là lãi. Hiệu quả lớn nhất mà cao tốc mang lại là hiệu quả KT-XH của vùng và của cả nước.

Không có chuyện phí chồng phí

Việc thu phí đường cao tốc phải đảm bảo công bằng cho toàn bộ hệ thống cao tốc nói chung. Có nghĩa là, dù tuyến đường đó được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư hay hình thức BOT đều phải thu phí để hoàn vốn.

Sau khi tuyến đường cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT hoàn thành việc thu phí hoàn vốn cho dự án, tuyến cao tốc đó được chuyển giao về cho Nhà nước quản lý. Khi đó vẫn sẽ tiếp tục thu phí, nguồn phí thu đó là để phục vụ cho việc quản lý, bảo trì và tổ chức khai thác, phát huy hiệu quả dự án.

Còn nếu thu phí mà dư ra sẽ mang số dư đó tiếp tục đi đầu tư các tuyến đường mới. Đó là lý do tại sao gọi là thu phí cao tốc cả đời. Bản chất của nó là phục vụ việc bảo trì đường và liên tục tái đầu tư. Vấn đề cốt lõi ở đây là người dân sẽ có quyền lựa chọn đi vào đường cao tốc hay không đi.

Mục đích của việc thu phí này là cùng với nguồn ngân sách nhà nước, chúng ta có thêm nguồn lực để phát triển nhiều đường hơn, chất lượng đường tốt hơn cho đất nước, trong đó có đường cao tốc.

Chúng ta đang thực hiện thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện đã đăng ký lưu hành. Nhiều ý kiến lo ngại nếu sau này tiếp tục thu phí sử dụng đường bộ đối với đường cao tốc, liệu có phát sinh tình trạng phí chồng phí.

Thực tế, không có chuyện đó, vì hệ thống đường cao tốc ở nước ta được hình thành sau trong khi đã có tuyến đường bộ hiện hữu cùng hướng tuyến. Ở đây chỉ có thêm sự lựa chọn cho người điều khiển phương tiện đi trên tuyến cao tốc hay đi trên tuyến đường hiện hữu.

Sau này khi hệ thống đường bộ cao tốc phát triển, thậm chí, tuyến đường hiện hữu song hành có thể chỉ là đường dân sinh mà thôi.

Luật GTĐB sửa đổi trong tương lai kỳ vọng sẽ được như thế. Đây là câu chuyện của hàng chục năm sau. Hiện tại, khi chúng ta nêu ra những quy định đó có thể còn nhiều thứ chưa thật rõ nét, song quy hoạch giao thông và soạn thảo Luật GTĐB cần có tầm nhìn chiến lược.

Chính vì vậy, tại dự thảo sửa đổi Luật GTĐB, Bộ GTVT đề xuất quy định tách riêng nguồn thu phí của tất cả các tuyến cao tốc, để tạo thêm nguồn lực phát triển đồng bộ hệ thống giao thông là hoàn toàn phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.