Xã hội

Vì sao rừng ngập mặn ven đường bao biển Quảng Ninh "hồi sinh" thần kỳ?

01/04/2023, 06:00

Sau thời kỳ lá tàn, thân héo, bỗng nhiên những chồi xanh trong vạt rừng ngập mặn ven tuyến đường bao biển đẹp như mơ ở Quảng Ninh lại vươn lên.

"Bắt bệnh" vạt rừng ngập mặn chết rụi bất thường

Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn I với tổng mức đầu tư 2.290 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 1/1/2022.

Tuyến đường dài hơn 18,6km, quy mô 6 làn xe, được đánh giá là tuyến đường du lịch ven biển hiện đại, độc đáo ở Việt Nam bởi có sự kết hợp của núi - biển với những cảnh quan đặc sắc. Nhất là trên tuyến đường có hầm xuyên núi dài 235m gồm 2 ống được đánh giá là "kỳ quan mới nơi đất Mỏ".

img

Tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả xuyên qua những dãy núi đá vôi ven bờ vịnh Hạ Long

Nhưng khi giai đoạn I của dự án vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng thì người dân, du khách đi qua tuyến đường không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi màu bất thường của những vạt rừng ven tuyến đường đẹp như tranh vẽ này.

Ở giai đoạn II, UBND tỉnh Quảng Ninh đã điều chỉnh quy mô đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả từ 4 lên 6 làn xe và giao cho UBND Hạ Long cùng UBND TP Cẩm Phả làm chủ đầu tư.

Hiện nhiều hạng mục của giai đoạn II tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng được nhu cầu về giao thông cũng như ngắm cảnh của người dân, du khách.

Hai vạt rừng ngập mặn ven đường bao biển thuộc địa bàn phường Hà Phong, TP Hạ Long ngả màu xám xịt. Những cây đước vòi cao trung bình chừng 2m bị khô héo, thân đen, lá rụng gần hết.

Mặt nước tại những thảm rừng có dấu hiệu chết đều có màu đen kịt. Tại vạt rừng đã chết giáp biển, cây rừng ngập mặn còn bị chặt hạ.

Cách đó một lạch nước thuộc địa phận phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, một cánh rừng khác rộng hơn vài lần cũng có rất nhiều cây rừng đã bắt đầu chuyển màu và đang chết dần.

Theo nhiều người dân sinh sống ở địa phương thì cánh rừng ngập mặn này trước khi thi công tuyến đường rất xanh tốt, dưới tán rừng có nhiều loại hải sản, chim chóc… Nhưng khi dự án đi vào hoạt động cũng là lúc nhiều vạt rừng chết dần, chim chóc, hải sản cũng không còn.

img

Toàn cảnh khu rừng ngập mặn ven tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả bị xám xịt, dấu hiệu chết rụi bất thường

Căn nguyên của sự việc cánh rừng ngập mặn ven tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả có dấu hiệu chết rụi bất thường, theo kết luận của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc (Cục Bảo vệ thực vật) là chứng bệnh đốm lá do Phyllosticta sp. gây hại.

img

Nguyên nhân rừng ngập mặn chết đồng loạt được tìm ra là do hệ thống thoát nước bị lấp khiến thủy triều vào, ra không hợp lý

Theo một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm TP Cẩm Phả thì qua nhiều lần khảo sát, đánh giá, cơ quan chức năng đã tìm ra được nguyên nhân gốc gây bệnh đốm lá cho các cây trong rừng ngập mặn.

Đó là, các loại cây trong rừng ngập mặn khu vực này chủ yếu quang hợp bằng rễ. Loại cây này sau một thời gian ngập nước phải trơ rễ để quang hợp thì mới sống và sinh trưởng được.

Tuy nhiên, do quá trình thực hiện dự án đường bao biển, đơn vị thi công đã làm lấp mất hệ thống thoát nước khiến thủy triều không vào, ra hợp lý. Hậu quả là các vạt rừng thường xuyên bị ngập nước, nước tù đọng dẫn đến sinh nấm bệnh.

img

Màu xanh đã dần trở lại trên thảm rừng ngập mặn tại địa bàn phường Hà Phong, TP Hạ Long

Khẩn trương khắc phục

Ngay sau khi tìm được căn nguyên cơ bản khiến các vạt rừng ngập mặn nguy cơ chết rụi, cơ quan chức năng đã yêu cầu đơn vị thi công khơi thông các dòng chảy, nạo vét bùn, đất ảnh hưởng đến cánh rừng.

Thực tế thì việc làm này của cơ quan chức năng chỉ hy vọng là khôi phục lại môi trường để sau đó có biện pháp trồng cây mới.

img

Những mầm xanh đang lên tua tủa dưới gốc những cây rừng ven đường bao biển

"Thế nhưng thật bất ngờ, khi chưa phải tiến hành trồng mới thì ở vạt rừng, những mầm xanh từ các thân cây tưởng đã chết lại lặng lẽ đâm chồi, hồi sinh", vị lãnh đạo Hạt Kiểm lâm TP Cẩm Phả hồ hởi khoe.

Qua quan sát của PV Báo Giao thông, trên những vạt rừng tưởng đã chết rụi cách đây gần 1 năm, những mầm xanh đang vươn lên mạnh mẽ.

Dưới vạt gốc cây héo khô là những cây con đang trồi lên khỏi mặt nước. Cả thảm rừng vốn xám xịt giờ đang dần chuyển sắc xanh.

img

Những tán cây đang dần hồi sinh trong khu rừng ngập mặn ven tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả

Trước thông tin vạt rừng ngập mặn ven tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đang hồi sinh, ông Nguyễn Bá Mạnh, Phó tổng Công ty CP Đầu tư phát triển tài nguyên (đơn vị được giao nhiệm vụ trồng, quản lý, bảo vệ trên 22.000ha rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh) phấn khởi cho biết: Trước đây, khi phát hiện cánh rừng ngập mặn có dấu hiệu bị chết, đơn vị đã cử cán bộ về nghiên cứu và nhận định nguyên nhân là do bị ngập nước lâu ngày.

img

Cánh rừng ngập mặt ven tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả tạo ra không gian sinh thái thoáng đãng, mát mắt

"Mừng là cơ quan chức năng đã kịp thời triển khai biện pháp khơi thông dòng chảy, đảm bảo dưỡng khí cho cây sinh trưởng, hồi sinh", ông Mạnh chia sẻ.

"Rừng ngập mặn có giá trị đặc biệt bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Dưới tán rừng có nhiều loại hải sản sinh trưởng, là sinh kế ổn định cho người dân.

Do vậy, hiện nay, để trồng được một ha rừng loại này, kinh phí có thể lên tới trên 1,3 tỷ đồng. Việc hồi sinh cánh rừng như hiện nay sẽ tiết kiệm được nguồn vốn hàng chục tỷ đồng", ông Mạnh nói.

img

Hệ thống thoát nước được khơi thông khiến cây rừng có điều kiện hồi sinh và sinh trưởng tốt

Theo ông Mạnh, việc cánh rừng ngập mặn ở tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đang "hồi sinh" sau thời kỳ tưởng chết rụi là tín hiệu rất mừng.

Tuy nhiên, để cánh rừng này sinh trưởng tốt, các cơ quan chức năng cần phải có thêm nhiều biện pháp hiệu quả hơn. Bởi thực tế, qua quan sát hiện nay, tại một số điểm, đất, đá trong quá trình thi công dự án vẫn đang vùi lấp lên mặt nước, cây rừng, hệ thống thoát nước cũng chưa được khơi thông đồng bộ.

Do vậy, chủ đầu tư cần phải tính toán, có biện pháp thanh thải toàn bộ bùn, đất trong khu rừng, mặt nước và đảm bảo cho thủy triều vào, ra hợp lý thì cánh rừng này mới nhanh chóng hồi phục được hoàn toàn.

img

Hệ thống thoát nước cũng chưa được đồng bộ khiến một vạt rừng chậm được hồi sinh

"Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng cần theo dõi, nắm bắt sự tác động tiêu cực của môi trường đến thảm rừng để có giải pháp xử lý phù hợp khi có biểu hiện bất thường", một cán bộ phường Hà Phong, TP Hạ Long cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.