Quản lý

Vì sao sàn giao dịch vận tải chết yểu?

06/10/2020, 06:16

Sau một thời gian, nhiều sàn giao dịch vận tải hàng hóa hoạt động không hiệu quả, thậm chí có sàn phải đóng cửa.

img
Việc thiếu những doanh nghiệp có uy tín và thương hiệu tham gia, chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với sàn giao dịch vận tải (Ảnh minh họa)

Với mục tiêu giảm chi phí vận tải, các sàn giao dịch vận tải hàng hóa ra đời nhằm kết nối giữa chủ hàng và chủ xe. Tuy nhiên sau một thời gian, nhiều sàn hoạt động không hiệu quả, thậm chí có sàn phải đóng cửa.

Rủi ro không ai chịu

Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày tăng cao, nhiều sàn giao dịch vận tải được lập ra để kết nối nhu cầu vận chuyển giữa chủ hàng và chủ xe nhằm giảm lượng xe chạy rỗng một chiều, giúp giảm chi phí vận tải.

Ý tưởng này tưởng chừng sẽ hấp dẫn cả chủ hàng lẫn chủ phương tiện, nhưng đến nay các sàn giao dịch vận tải lại không thành công, thậm chí phải dừng hoạt động.

Là một trong những sàn giao dịch đầu tiên được cấp phép hoạt động từ cuối năm 2015, sau ba năm hoạt động, sàn giao dịch vận tải Vinatrucking chưa nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp.

Ông Tạ Công Thuận, Tổng giám đốc sàn vận tải Vinatrucking cho biết, do số lượng khách hàng giao dịch qua sàn không nhiều, kinh doanh không mang hiệu quả nên đến năm 2017 doanh nghiệp đã ngưng sàn giao dịch vận tải hàng hóa này.

Tương tự, một sàn giao dịch vận chuyển hàng hóa khác được cấp phép hoạt động từ năm 2016 là sàn giao dịch sanvanchuyen.vn. Số liệu thống kê được đưa trên trang web vào thời điểm ngày 28/9/2020, có trên 800 công ty vận tải đăng ký, số giao dịch là trên 200 tuy nhiên số tiền giao dịch qua sàn chỉ vỏn vẹn là 500 triệu đồng.

Là doanh nghiệp đã từng tham gia sàn, ông Trần Quốc Hoàn, Giám đốc Công Ty TNHH Vận tải Hoàn Cầu cho biết, sau một thời gian tham gia mới thấy hạn chế của sàn giao dịch vận tải là thiếu những doanh nghiệp có uy tín và thương hiệu.

Những thông tin doanh nghiệp đưa lên sàn không kiểm soát được. Hơn nữa, vận tải hàng hóa có giá trị rất lớn, nếu xảy ra mất mát và nếu không có người chịu trách nhiệm, không có chế tài xử lý thì doanh nghiệp không an tâm. “Khi mất hàng, doanh nghiệp thiệt hại thì biết kêu ai?”, ông Hoàn đặt vấn đề.

Ông Bùi Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng đánh giá, sàn giao dịch vận tải của Việt Nam đã hoạt động nhiều năm nhưng không hiệu quả, thậm chí không có giao dịch, tình trạng chở container rỗng còn phổ biến.

“Tính pháp lý của sàn chưa cao, giữa chủ xe và chủ hàng chưa có ràng buộc pháp lý dẫn đến nhiều rủi ro khi hàng hóa bị mất, trách nhiệm bồi thường sẽ thế nào? Quan tâm nhất đối với các doanh nghiệp vận tải là hàng hai chiều, nếu tìm được hàng trên sàn có thể kết hợp nhưng hầu như chưa thực hiện được, doanh nghiệp vận tải có hàng đi nhưng không kết hợp được hàng về và ngược lại. Bên cạnh đó, sàn giao dịch vận tải chủ yếu do một số công ty tư nhân thiết lập, chưa có giải pháp đảm bảo an toàn hàng hóa cho chủ hàng”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, đa phần các công ty làm sàn giao dịch vận tải là những công ty nhỏ, tiềm lực tài chính rất hạn chế, trong khi cước vận tải thấp nhưng giá trị hàng tiền tỷ. Chính vì thế, phần lớn các sàn giao dịch vận tải không thực hiện việc cam kết bảo lãnh và chỉ đóng vai trò như người “môi giới” kết nối giữa chủ hàng và chủ xe để hai bên gặp nhau. Điều này cho thấy vì sao sàn giao dịch vận tải hàng hóa lập ra nhiều mà không hiệu quả.

Cần sự vào cuộc của nhà nước

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, sàn giao dịch vận tải là sàn giao dịch thương mại điện tử đã được xã hội hóa và là nơi dành cho các đơn vị vận tải và các chủ hàng đăng thông tin về khả năng cung cấp dịch vụ vận tải, hàng hóa cần chuyên chở và giảm thiểu chiều chạy rỗng của xe, cũng như giảm chi phí vận tải.

Tuy nhiên qua 5 năm hoạt động, các sàn giao dịch vận tải gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy được hết hiệu quả như mong đợi.

Để việc giao dịch qua sàn hiệu quả và các chủ hàng thực sự tin tưởng vào sàn giao dịch, ông Lê Văn Tiến đề xuất, các sàn giao dịch phải có hợp đồng bảo lãnh để gắn trách nhiệm của chủ sàn giao dịch nếu xảy ra hư hỏng, mất mát hàng hóa, khi đó chủ hàng và chủ xe mới tin tưởng.

“Nhà nước chưa xây dựng được quy chế có tính pháp lý để sàn hoạt động, ràng buộc trách nhiệm của các bên. Việc này cần được cụ thể hóa trong Luật GTĐB”, ông Tiến đề xuất.

Theo ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, các doanh nghiệp khi đăng ký trên sàn phải là những doanh nghiệp vận tải có uy tín, giá cả công khai, cạnh tranh. Trong trường hợp doanh nghiệp vận tải có sai phạm, khách hàng có quyền phản ánh và phải có chế tài, quy định để xử lý nghiêm sai phạm đó.

Đề cập đến vấn đề giảm chi phí vận tải, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, hiện nay các chi phí có liên quan đến vận tải đường bộ đều được xây dựng theo cơ chế thị trường và do thị trường quyết định.

Vì vậy với mục tiêu giảm gánh nặng chi phí vận tải trong nước cho người dân, các đơn vị kinh doanh vận tải cần nghiên cứu để giảm chi phí nhiên liệu, giảm tỉ lệ xe chạy rỗng bằng việc tăng cường kết nối chủ hàng, khai thác nguồn hàng hai chiều.

“Tổng cục sẽ nghiên cứu, tiếp tục đề xuất các giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ nhằm mục tiêu tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp vận tải, đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin quản lý vận tải trong đó có ứng dụng sàn giao dịch vận tải để góp phần giảm chi phí vận tải”, bà Hiền cho biết.

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay tỷ lệ xe chạy xe rỗng ở Việt Nam ở mức 60 - 70%. Thông thường, doanh nghiệp sẽ tính một chuyến hàng bao gồm cả chi phí cho chiều về chạy rỗng để không bị lỗ. Nếu sàn giao dịch vận tải hàng hóa có hiệu quả, xe có hàng cả hai chiều, giá cước vận tải sẽ giảm từ 30 - 40%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.