Vận tải

Vì sao Sở GTVT TP.HCM kiến nghị tạm hoãn dự án xe buýt nhanh BRT?

23/11/2021, 17:31

Sở GTVT TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP tạm hoãn thực hiện tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 dọc đường Võ Văn Kiệt.

Đánh giá các yếu tố để tuyến BRT số 1 khi đưa vào khai thác được hiệu quả, Sở GTVT cho biết cần hoàn thành các dự án như metro số 1, nút giao An Phú, mở rộng quốc lộ 1. Đặc biệt, khi dân số khu đô thị mới Thủ Thiêm được lấp đầy... tuyến BRT số 1 mới khả thi. Tuy nhiên, các yếu tố này đến nay chưa được đồng bộ.

img

Việc chưa hình thành được các hệ thống xe buýt kết nối khiến khó khả thi khi xây dựng BRT ở TP.HCM

Theo sở GTVT, gói thầu tái cấu trúc mạng lưới xe buýt, nghiên cứu quy hoạch lại toàn bộ các tuyến xe và bổ sung các tuyến buýt gom cho BRT số 1 hiện mới xong công tác lựa chọn nhà thầu, dự kiến cuối năm 2022 mới hoàn thành. Điều này dẫn đến việc hiện chưa có cơ sở đánh giá, xác định cụ thể các tuyến buýt gom chở khách từ những đầu mối giao thông lớn và khu dân cư đến buýt BRT...

Cũng theo sở GTVT, từ năm 2020 đến nay vận tải hành khách công cộng không đạt kỳ vọng do ảnh hưởng Covid-19; các giải pháp phát triển hạ tầng, giao thông công cộng song song với kiểm soát xe cá nhân chưa triển khai... sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của dự án buýt nhanh khi đưa vào khai thác.

Nhắc đến tuyến buýt BRT ở Hà Nội, sở GTVT TP.HCM dẫn chứng quá trình khai thác chưa thành công đã được chủ đầu tư dự án cùng tư vấn nghiên cứu chỉ ra, trong đó có những yếu tố liên quan việc kết nối các bến xe lớn, chưa có buýt gom, ý thức người dân chưa cao...

Theo dự thảo, tuyến BRT số 1 ở TP HCM dài 26 km, từ vòng xoay An Lạc quận Bình Tân đến cầu Rạch Chiếc, TP Thủ Đức. Nếu được thực hiện, hành lang tuyến xe buýt sẽ theo đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, đi qua các quận huyện, gồm: Bình Chánh, Bình Tân, 8, 6, 1, TP Thủ Đức.

Dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh số 1 của TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, với mức đầu tư gần 3.600 tỉ đồng (156 triệu USD), nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới. Dự án được điều chỉnh giảm xuống còn hơn 3.300 tỉ đồng (143,6 triệu USD).

Quá trình thực hiện cần xây dựng các hạ tầng kỹ thuật như trạm dừng, cầu đi bộ, ga đầu cuối, bãi hậu cần, hệ thống quản lý hiện đại... Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2022, tương lai kết nối metro Số 1, 2, 3A và 5.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.