Xã hội

Vì sao số ô tô công ở Thừa Thiên-Huế thừa nhiều so với các tỉnh, thành?

10/06/2020, 19:07

Đối với tỉnh Thừa Thiên-Huế là ô tô thừa so với Nghị định 04/2019/NĐ-CP, trong khi các tỉnh, thành khác thừa so với Quyết định 32/2015/QĐ-TTg.

img
Dự kiến đến cuối năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ xử lý xong số xe dôi dư so với định mức - Ảnh minh họa

Ngày 10/6, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, dự kiến đến cuối năm 2020 tỉnh sẽ xử lý xong số xe dôi dư so với định mức, đồng thời lý giải vì sao số liệu xe ô tô công của tỉnh này dư dôi rất nhiều so với các tỉnh, thành khác…

Cụ thể, liên quan đến thông tin vừa qua Kiểm toán Nhà nước công bố một số địa phương sử dụng xe công vượt tiêu chuẩn, định mức, trong đó tỉnh Thừa Thiên - Huế vượt 125 xe, Tây Ninh vượt 66 xe, Quảng Bình vượt 27 xe, Thanh Hóa vượt 12 xe, Quảng Ngãi vượt 5 xe, Vĩnh Phúc vượt 3 xe, Hòa Bình 2 xe...

Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, số liệu vừa qua Kiểm toán Nhà nước công bố, thì đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế là xe ô tô thừa so với Nghị định 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ; trong khi các tỉnh, thành khác thừa so với Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg. Cũng theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua nắm bắt thông tin thì các tỉnh, thành trên chưa báo cáo xe ô tô so với Nghị định 04/2019/NĐ-CP; nên số liệu xe ô tô vượt định mức của tỉnh Thừa Thiên - Huế cao hơn so với các tỉnh, thành khác.

Sẽ xử lý xong số xe dôi dư so với Nghị định 04 trong năm 2020

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, căn cứ Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ngày 25/4/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản số 2264/UBND-TC báo cáo Bộ Tài chính về xe ô tô hiện đang quản lý, sử dụng tại các cơ quan, đơn vị và đã được Bộ Tài chính thẩm định tại văn bản số 9124/BTC-QLCS ngày 4/7/2016 thông báo kết quả thẩm định về quản lý, sử dụng xe ô tô của tỉnh.

Theo đó, tổng số xe ô tô hiện có để phục vụ các chức danh, phục vụ công tác chung thấp hơn so với định mức tại Quyết định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ là 31 xe.

Đến năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/1/2019 về việc quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô (thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg) thì cấp Sở chỉ được trang bị 1 ô tô phục vụ công tác chung. Riêng các đơn vị trực thuộc Sở không được trang bị (theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg thì cấp Sở được trang bị 2 xe, đơn vị trực thuộc sở có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên được 1 xe); Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện chỉ được trang bị tối đa 2 xe (theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg được trang bị tối đa 4 xe)…

Như vậy, định mức sử dụng ô tô theo Nghị định số 04/2019/NĐ-CP giảm rất nhiều so với Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg. Do đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang quản lý số xe ô tô thấp hơn so với định mức tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg nay lại thừa so với định mức tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP.

Thực hiện Nghị định số 04/2019/NĐ-CP, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát xe ô tô đang quản lý, sử dụng và giao Sở Tài chính tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý. Thời gian qua, trên cơ sở báo cáo của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, UBND tỉnh đã phê duyệt thanh lý các ô tô đã đủ điều kiện thanh lý, do vậy số xe ô tô vượt định mức so với Nghị định số 04/2019/NĐ-CP đã giảm xuống đáng kể.

Đáng chú ý, theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hầu hết xe ô tô hiện đang quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh có thời gian sử dụng dài, xe đã quá cũ. UBND tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo và giao Sở Tài chính khẩn trương rà soát để điều chuyển, thanh lý, bán đấu giá để đảm bảo định mức quản lý, sử dụng ô tô theo đúng Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, để tránh thất thu ngân sách Nhà nước, việc thanh lý hay tổ chức bán đấu giá xe ô tô cần có lộ trình, không nên tiến hành ồ ạt. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỉnh sẽ xử lý xong số xe dôi dư so với định mức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.