Công nghệ

Vì sao Stephen Hawking không được giải Nobel?

15/03/2018, 10:51

Stephen Hawking được coi là một trong những trí tuệ vĩ đại nhất của thế kỷ 20 nhưng ông chưa từng được giải Nobel

55cPhysicist_Stephen_Hawking_in_Zero_Gravity_NASA

Năm 2007, ở tuổi 65, nhà vật lý học Stephen Hawking trải nghiệm môi trường không trọng lực trên khoang tàu do Zero Gravity Corp sở hữu.

Khó kiểm chứng bằng thực nghiệm

Xét về mặt khoa học, tên tuổi ông gắn chặt hơn cả với vật lý về lỗ đen, vốn được coi là những kỳ dị toán học thuần túy trong thuyết tương đối tổng quát của Albert Einstein ở thời điểm Hawking bắt tay vào nghiên cứu lĩnh vực này. 

Đầu những năm 1970, ông bắt đầu nghiên cứu những điều vật lý lượng tử có thể tiết lộ về chân trời sự kiện, tức ranh giới vô hình được coi là bao bọc xung quanh các lỗ đen mà ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra được. Ông đã làm đảo lộn thế giới vật lý khi ông tính toán rằng chân trời sự kiện lỗ đen phát ra bức xạ một cách chậm rãi (sau đó được gọi là Bức xạ Hawking). Các lỗ đen không thật sự là đen.

Việc phát xạ, ông suy luận, cuối cùng sẽ khiến cho các lỗ đen thu nhỏ lại và biến mất. Gây kinh ngạc hơn đối với các nhà khoa học là việc bức xạ Hawking xóa mất các thông tin từ Vũ trụ, mâu thuẫn với một vài nguyên lý cơ bản của thuyết lượng tử, như Hawking đã chỉ ra vào năm 1976.Có lẽ do phần lớn công trình của ông có bản chất suy đoán và khó kiểm chứng bằng thực nghiệm nên Hawking chưa bao giờ được trao giải Nobel.

Năm 2016, một số người cho rằng cuối cùng có lẽ ông sẽ được trao giải khi Jeff Steinhauer, nhà vật lý ở Technion hay Viện Công nghệ Israel ở Haifa tuyên bố, ông đã tìm ra được bằng chứng thuyết phục về bức xạ Hawking – không phải ở một lỗ đen thật nhưng ở trong môi trường tương tự được tạo ra ở phòng lab bởi các nguyên tử cực lạnh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn cho rằng những kết quả này không thuyết phục và nhiều người nói rằng không chắc điều tương tự xảy ra ở lỗ đen thật.Một kiểm chứng trực tiếp hơn về những phát hiện của Hawking có lẽ chính là từ nghiên cứu các lỗ đen trong vũ trụ thông qua các sóng hấp dẫn được ghi nhận bởi Đài quan sát Sóng hấp dẫn bằng tia Laser giao thoa (LIGO).

Hawking và các nhà khoa học khác đã liên hệ diện tích bề mặt đường chân trời sự kiện của lỗ đen với entropy (một đơn vị đo lường sự hỗn loạn) của nó.Khi trả lời phỏng vấn Nature năm 2016 về sự kiện lần đầu LIGO phát hiện sóng hấp dẫn từ sự kiện hai lỗ đen sáp nhập với nhau, Hawking nói ông hy vọng các thăm dò trong tương lai sẽ đủ nhạy để khẳng định được tiên đoán mà ông đưa ra từ năm 1970: bề mặt của lỗ đen sau sáp nhập sẽ lớn hơn tổng bề mặt của các lỗ đen ban đầu. “Tôi mong họ sẽ kiểm chứng định lý của tôi,” ông nói.

Nhà phổ biến khoa học xuất sắc

Nói về Hawking, nhà vật lý lý thuyết Raphael Bousso, một cựu sinh viên của ông ở Cambridge, chia sẻ với Nature rằng, thầy của ông là một nhà vật lý chói sáng và cũng vô cùng xuất sắc trong việc phổ biến khoa học đến công chúng.

“Đây là hai kỹ năng khác biệt. Stephen xuất sắc cả ở hai kỹ năng này.”Hawking trở thành một trong những tên tuổi nổi bật nhất của nền khoa học đương đại một phần nhờ các cuốn sách của ông, đặc biệt là cuốn “Lược sử thời gian” đã gặt hái những thành công như một tác phẩm “bom tấn”. 

Ông cũng vui thích được xuất hiện trên các chương trình truyền hình như Star Trek: The Next Generation, The Simpsons, và The Big Bang Theory.Bousso, hiện làm việc ở Đại học California, Berkeley, nhớ lại, ở bên Hawking lúc nào ông cũng cảm thấy thư giãn. “Stephen là một người vui vẻ và nhẹ nhõm, không câu nệ những giao tiếp trịnh trọng hay phức tạp.”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.