Hạ tầng

Vì sao suất đầu tư hầm Đèo Cả thấp hơn nhiều hầm Hải Vân?

28/07/2014, 09:58

Không những triển khai rầm rộ, tiến độ chạy băng băng, chủ đầu tư hầm đường bộ qua Đèo Cả còn áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật, tiết giảm tới gần 8.000 tỷ đồng cho Nhà nước.

Đèo Cổ Mã thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã được khoan sâu hơn 100m
Đèo Cổ Mã thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã được khoan sâu hơn 100m


Nhộn nhịp trên đại công trường


Giữa cái nắng gay gắt trên mảnh đất “khúc ruột” miền Trung những ngày hè đỏ lửa, hàng trăm cán bộ, công nhân trên công trường thi công hầm đường bộ qua Đèo Cả vẫn miệt mài với công việc của mình. Để đi được vào công trường, chúng tôi phải vòng qua nhiều con đường đèo, đường công vụ gồ ghề, bụi bặm. Nhưng có đi thế mới hiểu được sự gian truân, vất vả của hàng trăm kỹ sư, công nhân đang ngày đêm “phá núi, mở đường”, quyết tâm đảm bảo tiến độ dự án.


Tại khu vực phía Bắc hầm Đèo Cả, hàng trăm thiết bị, xe máy đang  hối hả thi công đắp nền, làm đường công vụ. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân dốc sức chuẩn bị những công đoạn cuối, nhưng vô cùng quan trọng để tiến hành mở cửa hầm trong vài ngày tới. Đây là hạng mục quan trọng nhất của cả dự án. Hầm chính có chiều dài 4.125m. 
 

"Trước sự kỳ vọng của người dân và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, chủ đầu tư và nhà thầu sẽ thực hiện thi công ba ca liên tục để dự án hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 9/2017. Sự vào cuộc quyết liệt của địa phương hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa trong công tác GPMB, tái định cư và việc giải ngân kịp thời của Vietinbank là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của dự án hiện nay”.

 

Ông Hồ Minh Hoàng 

Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả

Ông Hồ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, hiện các đơn vị vừa thi công đường công vụ vừa chuẩn bị các điều kiện để mở cửa hầm. Khi đường công vụ được hoàn thành, thiết bị sẽ được vận chuyển vào nhiều hơn, công tác thi công hầm cũng sẽ được tăng tốc.

Trong khi đó, trên hành trình dọc QL1 từ Nam ra Bắc, khi gần hết địa phận tỉnh Khánh Hòa, hầu như ai cũng hướng ánh mắt về phía bên trái để quan sát khu vực thi công hầm Cổ Mã chỉ cách đó vài trăm mét. Hàng trăm công nhân với các thiết bị máy móc hiện đại đang ngày đêm “đục, khoét” vào ngọn núi lớn. Hai cửa hầm rộng thênh thang đã được mở như hai con mắt của ngọn núi. Hầm Cổ Mã có chiều dài hơn 500m, hiện đang được thi công từ cả hai phía vào sâu hơn 100m. 


Theo ông Hồ Minh Hoàng, tháng 10/2014 sẽ thông hầm này. Vì vậy, mỗi người dân đi qua đây ai cũng đếm ngược để mong đến cái ngày trọng đại ấy.

Giảm hàng nghìn tỷ đồng vẫn rút được tiến độ 


Trong chuyến kiểm tra tiến độ Dự án mở rộng QL1 vừa qua tại các tỉnh phía Nam và miền Trung, khi đến kiểm tra dự án hầm đèo Phú Gia - Phước Tượng, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã rất bức xúc khi chủ đầu tư thực hiện dự án ì ạch hơn một năm qua. Tại công trường này, Bộ trưởng đã lấy Dự án hầm Đèo Cả như một điểm sáng để làm dẫn chứng. “Nhà đầu tư thực sự có tiềm lực tài chính thì dự án triển khai rầm rộ, tiến độ đảm bảo. Còn hầm Phú Gia - Phước Tượng thì ngược lại, cứ ì ạch mãi, triển khai thế này bao giờ mới hoàn thành được”, Bộ trưởng nói.


Vì sao lại có sự trái ngược này? Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, để có một nguồn tài chính lành mạnh thực hiện Dự án hầm Đèo Cả, nhiều chuyên gia đánh giá đây là cả một sự quyết liệt và sáng tạo của chủ đầu tư. Trước đó, theo phương án ban đầu, Dự án hầm Đèo Cả được xây dựng bằng nguồn vốn vay nước ngoài. Nếu tính theo đơn giá thi công hầm đèo Hải Vân, tổng mức đầu tư hầm Đèo Cả có thể lên tới gần 20.000 tỷ đồng. 


Sau khi phân tích các điều kiện thi công, chủ đầu tư đã có những tính toán lại, lúc này tổng mức đầu tư giảm xuống chỉ còn 15.603 tỷ đồng. Cụ thể, chủ đầu tư đã điều chỉnh lại hướng tuyến theo hướng tăng thêm 1km chiều dài của đường nhưng giảm 2km chiều dài hầm. Sự điều chỉnh này giúp dự án tiết giảm được 4.397 tỷ đồng.


Nguồn vốn thực hiện dự án đã được chủ đầu tư chuyển từ vay của nước ngoài thành vốn BOT trong nước. Bởi nếu vay vốn nước ngoài sẽ mất rất nhiều thời gian và sẽ ảnh hưởng đến tiến độ. Chủ đầu tư cũng không thực hiện hình thức hợp đồng EPC (hợp đồng thầu trọn gói) đối với gói thầu xây dựng hầm Đèo Cả mà chuyển sang hình thức hợp đồng thi công xây lắp và lựa chọn nhà thầu trong nước có năng lực để đẩy nhanh tiến độ.


Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư tiếp tục có một loạt điều chỉnh khác. Chẳng hạn như mặt cắt ngang hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã được thay thế kết cấu bê tông cốt thép dày 50cm thành kết cấu bê tông không cốt thép dày 30cm; Thay bê tông phun cốt sợi và dầm latice thành kết cấu bê tông phun lưới thép hàn thông thường và dầm H. Đường công vụ ở phía Bắc thay vì phải làm mới thì tận dụng đường kiểm lâm để giảm chiều dài hơn 1km…


Sau những điều chỉnh trên, tổng mức đầu tư tạm tính chỉ còn khoảng 12.000 tỷ đồng, giảm thêm gần 3.603 tỷ đồng nữa. Như vậy, so với ban đầu, Dự án hầm Đèo Cả đã tiết giảm được gần 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư, một điều đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh vốn liếng khó khăn hiện nay. “Điều quan trọng là những thay đổi này không hề làm giảm chất lượng công trình mà rút ngắn được thời gian thi công”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết.

Phan Tư

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.