Chính trị

Vì sao cần phải tăng số lượng doanh nhân ứng cử đại biểu Quốc hội?

02/04/2021, 06:42

Để lựa chọn được những doanh nhân thực sự xứng đáng tham gia Quốc hội không hề đơn giản...

img

Ông Nguyễn Túc

Những người đứng đầu doanh nghiệp bao giờ cũng hiểu và nắm rõ nhất các chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh. Việc tham gia Quốc hội sẽ là cơ hội để họ đóng góp tiếng nói, nhằm hoàn thiện các chính sách phù hợp, kịp thời để giúp khối doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, để lựa chọn được những người thực sự xứng đáng cũng không hề đơn giản. Báo Giao thông trao đổi với ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Doanh nhân khối tư nhân “ngại” vào Quốc hội

Ngay từ khi kết thúc hiệp thương lần 1, Trung ương MTTQ Việt Nam đã kiến nghị tăng tỷ lệ ĐBQH ngoài Đảng, tỷ lệ doanh nhân tham gia Quốc hội. Mục đích của việc này là gì, thưa ông?

Hiện tại, chúng ta đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Muốn đạt được mục tiêu đó, phải tạo điều kiện cho lực lượng doanh nhân có tiếng nói nhiều hơn tại các diễn đàn chính trị, bởi họ là những người am hiểu sâu về kinh tế và những vấn đề liên quan tới hội nhập kinh tế quốc tế... Việc cơ cấu đại biểu là doanh nhân sẽ làm phong phú thêm cho các hoạt động liên quan đến lĩnh vực kinh tế của Quốc hội.

ĐBQH là doanh nhân có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Do vậy, việc lựa chọn các doanh nhân xứng đáng trở thành ĐBQH có ý nghĩa quan trọng để một mặt, bảo đảm tiếng nói và vai trò của doanh nhân đối với hoạt động của Quốc hội. Mặt khác, tạo điều kiện, khuyến khích lực lượng này tham gia đóng góp đối với đất nước.

Quốc hội là cơ quan lập pháp, việc những người đứng đầu doanh nghiệp trực tiếp tham gia diễn đàn Quốc hội sẽ là cơ hội để họ đóng góp tiếng nói, giúp hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, các chính sách pháp luật được ban hành sẽ phù hợp và kịp thời hơn, giúp khối doanh nghiệp phát triển.

Thực tế qua các kỳ bầu cử, ông thấy các doanh nhân có “mặn mà” với việc tham gia Quốc hội?

Với các vị giám đốc, chủ tịch những tập đoàn tư nhân lớn thì ở các nhiệm kỳ trước, khi chúng tôi vận động tham gia ứng cử ĐBQH, họ đều từ chối. Bởi họ ý thức rằng, đã nhận trách nhiệm tham gia Quốc hội thì phải toàn tâm, toàn ý cho các hoạt động nghị trường. Như vậy thì họ sẽ không còn nhiều thời gian để lo công việc ở doanh nghiệp. Ngược lại, một số những giám đốc, chủ tịch tổng công ty của Nhà nước thì lại rất hăng hái tham gia.

Chính vì vậy, vận động doanh nhân khối tư nhân tham gia Quốc hội trong thời gian vừa qua rất khó khăn.

Vậy kỳ này, chúng ta đã và đang làm gì để khuyến khích những doanh nhân khối tư nhân, nhất là những ông chủ tập đoàn lớn tham gia vào Quốc hội?

Lần này, tinh thần là khuyến khích, vận động, tìm kiếm những doanh nhân, người ngoài Đảng. Cùng đó thông qua đề cử của các hiệp hội doanh nghiệp để tăng tỷ lệ doanh nhân tham gia Quốc hội.

Một lần nữa tôi nhấn mạnh là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bởi công tác này giúp cho họ hiểu được tầm quan trọng của những người có tài, có đức hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tham gia vào Quốc hội. Việc họ tham gia không chỉ giúp ích cho hoạt động của Quốc hội, mà phần nào cũng giúp chính họ trong lĩnh vực kinh doanh.

Ông có thể đánh giá về đóng góp của những doanh nhân tham gia Quốc hội những khóa trước?

Với tư cách là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, các ĐBQH, trong đó có những doanh nhân đã đóng góp ý kiến của mình cho Quốc hội, thực hiện tốt các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Có nhiều ĐBQH là doanh nhân thường xuyên phát biểu nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như đại biểu Vũ Như So, Phạm Quang Dũng, Vũ Tiến Lộc… Các ý kiến này đôi khi làm “dậy sóng” nghị trường, nhiều ý kiến rất có trọng lượng và đã được cơ quan hữu quan tiếp thu ngay, thể hiện trong các luật, nghị quyết… của Quốc hội.

Nhưng ở những kỳ trước, có một số doanh nhân là ĐBQH đã gây dư luận không tốt, thậm chí bị bãi nhiệm, ảnh hưởng đến hình ảnh của Quốc hội và hình ảnh chung của doanh nhân trên diễn đàn Quốc hội. Làm sao để những việc như vậy không xảy ra nữa?

Đúng là ở nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua có một số doanh nhân chưa thực hiện đúng kỷ cương, kỷ luật, gần đây nhất là trường hợp của ông Phạm Phú Quốc có tới 2 quốc tịch, xa hơn là ở kỳ trước chúng ta cũng đã bãi nhiệm trường hợp của bà Châu Thị Thu Nga và bà này đã bị xử lý hình sự. Chúng ta phát hiện và thực hiện bãi nhiệm tư cách ĐBQH những người này.

Nhưng xin khẳng định những trường hợp đó chỉ là trường hợp cá biệt. Nhìn chung, đại đa số đội ngũ doanh nhân đã tích cực tham gia hoạt động nghị trường.

Để không xảy ra sai phạm, chúng ta cần lưu ý về việc thẩm tra tư cách những người ứng cử trong khối doanh nhân, nhất là vấn đề quốc tịch và những hoạt động kinh doanh của họ.

Loại trừ những người vì động cơ cá nhân

img

Ngày 18/3/2021, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tiến hành tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Dù sao thì vẫn không ít người suy nghĩ rằng, doanh nhân tham gia Quốc hội nhằm tạo dựng các mối quan hệ để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay mục đích cá nhân. Hay nói cách khác, họ vào với mục đích “không trong sáng”. Quan điểm của ông thế nào?

Chúng ta không loại trừ trường hợp những doanh nhân muốn tham gia vào Quốc hội để dùng mối quan hệ làm những việc không trong sáng, nhằm phục vụ cho việc cá nhân của mình trong hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Để loại trừ được những trường hợp này, phải gắn trách nhiệm các cơ quan tham mưu của Đảng, Nhà nước và Mặt trận trong việc thẩm tra tư cách đại biểu trong khối doanh nhân.

Thực tế cho thấy, những trường hợp là doanh nhân mắc sai phạm vừa qua xảy ra khi đã tham gia vào hoạt động Quốc hội. Điều đó có nghĩa để ngăn chặn được những sai phạm thì chúng ta cần phải thực hiện công việc thanh, kiểm tra thường xuyên, nhất là vấn đề quốc tịch.

Để làm việc đó thì ngoài vai trò giám sát của người dân, các cơ quan chức năng cần phải có sự giám sát và theo dõi thường xuyên. Bởi vấn đề “biến động” về quốc tịch không phải là ngôi nhà, chiếc xe để mà có thể dễ dàng nhìn thấy được.

Điều kiện để doanh nhân tham gia Quốc hội có khác những ứng cử viên khác không, thưa ông? Ví dụ chuyện kê khai tài sản, với doanh nhân thì có dễ dàng hơn cán bộ, công chức?

Từ trước đến nay thì kê khai tài sản của mọi ĐBQH đều như nhau, nhưng qua kinh nghiệm thực tiễn thì cần phải kê khai một cách chi tiết hơn. Không chỉ những doanh nhân mà những vị ứng cử ĐBQH làm ở lĩnh vực có liên quan đến tiền tệ thì cần phải đặc biệt chú ý trong khi kê khai tài sản.

Vừa qua trong hội nghị lấy ý kiến cử tri thì cử tri cũng quan tâm đến nội dung kê khai tài sản của các ứng cử ĐBQH. Việc kê khai này cũng cần phải có sự giám sát của các cơ quan Nhà nước cùng với quần chúng nhân dân. Bởi ở góc độ nào đó chính nhân dân, cử tri là “tai mắt” phát hiện ra những sai phạm.

Doanh nhân thường có điều kiện kinh tế, dễ dàng thực hiện các công việc từ thiện, xã hội để “lấy lòng” cử tri. Ông có cho rằng đây là lợi thế rất lớn của doanh nhân so với những người ứng cử ĐBQH khác?

Đúng là doanh nhân thì thường họ có điều kiện làm từ thiện. Tuy nhiên những việc làm này thì cần phải thường xuyên, chứ không phải khi tham gia ứng cử ĐBQH thì mới đẩy mạnh việc làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi của mình. Đây cũng là một trong những biểu hiện cần phải xem xét khi thẩm tra tư cách.

Tôi nghĩ nếu ứng cử viên nào có biểu hiện như vậy thì cử tri và nhân dân đều nắm rõ hết. Và chính họ sẽ “gạt” những người có biểu hiện “đánh bóng tên tuổi” của ứng viên.

Chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, ở mỗi kỳ bầu cử đều xuất hiện tình trạng “vận động không trong sáng”, tuy không phải là phổ biến.

Tôi đã chứng kiến có ứng viên trước bầu cử đã đẩy mạnh vấn đề làm từ thiện, cũng có trường hợp mời các vị lão thành cách mạnh đã từng công tác với bố mình để “lôi kéo”. Tất cả điều này nhằm đánh bóng tên tuổi của mình, hay là “vận động không trong sáng”.

Vậy ở kỳ bầu cử này, những hành vi “vận động không trong sáng” sẽ được nhận diện thế nào và biện pháp ngăn chặn là gì?

Nếu chúng ta làm đúng các bước và chặt chẽ ở các khâu thì tin chắc rằng hiện tượng này sẽ được hạn chế ở mức tối đa. Chỉ có vậy chúng ta mới có được kỳ bầu cử thành công cả về số lượng và chất lượng đại biểu.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.