Xã hội

Vì sao tàu cao tốc chạy tuyến Cô Tô bất ngờ tăng giá vé dịp nghỉ lễ 30/4?

23/04/2019, 17:54

Các doanh nghiệp tàu cao tốc chạy Cái Rồng - Cô Tô đồng loạt tăng giá vé lên 250 nghìn đồng/người.

img
Giá vé chạy tuyến cảng Cái Rồng - Cô Tô được thu với mức 250 nghìn đồng/lượt/người

Chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhiều du khách, bà con huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) và chính quyền huyện này có ý kiến về việc 7 công ty vận tải hành khách bằng tàu cao tốc chạy tuyến Vân Đồn - Cô Tô và ngược lại quyết định tăng giá vé tàu. Giá vé hiện đang thu là 250 nghìn đồng/lượt/người. Trước đó, chỉ có giá 200 nghìn đồng/lượt đối với người dân huyện đảo còn với du khách là 230 nghìn đồng.

Việc áp dụng giá vé 250 nghìn đồng đã được các công ty vận tải thông báo bằng cách dán các bảng thông báo ở bến tàu nhưng đa số người dân đều phản đối việc tăng giá vé vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trên đảo.

Thậm chí, chia sẻ với báo chí, ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cũng than thở: “Chúng tôi cũng chưa biết là việc tăng giá vé có đúng các thủ tục pháp lý hay không. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức 1 cuộc họp có đại diện của các hãng tàu vận tải để tìm hướng giải quyết vướng mắc, đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như quyền lợi của doanh nghiệp”.

Ông Vũ cũng cho biết: “Trước đây các hãng tàu vẫn có hỗ trợ giá vé khi chúng tôi (cán bộ huyện) xuất trình giấy tờ. Nhưng từ hôm 20/4 đến nay, việc đi lại thì tôi cũng như người dân thôi”.

Thông tin về việc các doanh nghiệp vận tải tuyến Cái Rồng - Cô Tô áp dụng giá vé 250 nghìn đồng/lượt/người, ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, theo quy định bổ sung của UBND tỉnh, đối tượng vận tải khách bằng tàu cao tốc phải kê khai giá để con lý còn theo Luật giá thì đối tượng này không bắt buộc phải kê khai. Năm 2018, các doanh nghiệp đã kê khai giá vé là 250 nghìn đồng/lượt/khách với đầy đủ thủ tục dựa trên chi phí hợp lý. Tuy nhiên, để người dân và khách du lịch "làm quen" giá vé nên các doanh nghiệp chỉ thu 150 nghìn đồng/lượt/người với đối tượng là người dân địa phương và 230 nghìn đồng/lượt/người với đối tượng du khách. Như vậy, bản thân các doanh nghiệp đã chịu thiệt và phải đóng thuế cao hơn so với thực tế thu.

"Năm nay, các doanh nghiệp có ý kiến do biến động về giá xăng dầu, chi phí nâng cao chất lượng tàu, khấu hao thiết bị, nhân công, thuế...nên áp dụng đúng giá vé 250 nghìn đồng/lượt/người. Đây là quyền của doanh nghiệp vì họ đã kê khai chi phí hợp lý trước đó. Về việc tri ân, giảm giá cho từng đối tượng cũng do doanh nghiệp tự quyết", ông Minh thông tin.

Ông Minh cũng cho biết: "Nếu như là loại bình ổn giá như xăng dầu, điện...thì phải do Nhà nước duyệt tăng hay giảm theo từng thời kỳ. Nhưng đây là loại không bình ổn giá nên doanh nghiệp thu theo những chi phí kê khai hợp lý do tỉnh giám sát".

Một chủ tàu tuyến Cái Rồng - Cô Tô cũng cho biết, giá vé 250 nghìn đồng/lượt/người đã có từ năm 2018 nhưng vì tạo điều kiện cho người dân và du khách nên các doanh nghiệp chỉ thu mức giá thấp hơn. Nhưng do năm nay, giá xăng dầu tăng, chi phí đầu tư máy móc, thiết bị tàu cao, đặc biệt là phí cảng bến tăng từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng/lượt/tàu nên bắt buộc doanh nghiệp phải thu theo giá đúng với chi phí bỏ ra

"Nếu huyện Cô Tô muốn hỗ trợ cho bà con huyện đảo thì hãy có phương pháp áp dụng đặc thù, sao cứ phải bắt doanh nghiệp chịu lỗ?", chủ doanh nghiệp có tàu cao tốc chạy tuyến Cái Rồng - Cô Tô nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.