Thông tin doanh nghiệp

Vì sao TEDI trả cổ tức cao?

02/05/2016, 06:34

TEDI được Bộ GTVT đánh giá hoàn thành tốt công tác thoái vốn Nhà nước theo tiến độ Bộ GTVT yêu cầu.

Cầu vượt nút giao Cây Gỗ, TP HCM do TEDI thiết  kế

Cầu vượt nút giao Cây Gõ (Q.6 TP HCM) do TEDI tư vấn thiết kế

Năng động trong thị trường tư vấn, quản trị, điều hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả, Tổng công ty (TCT) Tư vấn thiết kế GTVT - CTCP (TEDI) đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch trong năm thứ 2 hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Thêm nhiều hợp đồng lớn, hiệu quả SXKD đạt cao

Năm 2015, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ GTVT, TEDI tiếp tục tập trung hoàn thành công tác cổ phần hóa, bàn giao DN và thoái hết vốn Nhà nước tại TCT, đồng thời với đẩy mạnh SXKD, ổn định và phát triển DN.Với sự quyết tâm, đổi mới quyết liệt trong công tác quản trị DN của HĐQT và công tác điều hành của Ban Tổng giám đốc; sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ và sự nỗ lực của toàn thể người lao động, TCT đã hoàn thành nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác, vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) giao.

Theo báo cáo đã được kiểm toán, tổng doanh thu hợp nhất của TEDI đạt 887,7 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch và bằng 116% thực hiện năm 2014. Trong đó, công ty mẹ thực hiện 461,178 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch và bằng 133% thực hiện năm 2014.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 68,841 tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch và bằng 125% thực hiện năm 2014; Trong đó, công ty mẹ thực hiện 37,502 tỷ đồng, vượt 50% kế hoạch và bằng 139% thực hiện năm 2014. Dự kiến, mức chi trả cổ tức năm 2015 cho cổ đông là 20%, vượt 67% so với mức chi trả cổ tức tối thiểu 12% theo chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao.

TCT hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thể hiện ở tỉ suất lợi nhuận thực hiện trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 29%; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROA) đạt 23,6%; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROE) đạt 6,6%. TCT bảo toàn và phát triển vốn của DN. Vốn chủ sở hữu tăng 8%, chủ yếu do tăng lợi nhuận sau thuế năm 2015.

Theo ông Phạm Hữu Sơn, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc TEDI, sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường tư vấn làm quá trình tiếp cận dự án của đơn vị ngày càng khó khăn. TCT phải nỗ lực tìm ra hướng đi từ các nhà đầu tư, nhằm khai thác nguồn công việc từ các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, PPP…

Trong năm 2015, toàn TCT tham gia dự thầu 281 gói thầu; Ký kết và thực hiện tổng giá trị hợp đồng trên 1.014 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ ký được 144 hợp đồng và phụ lục hợp đồng với giá trị tăng 25,5% so với kế hoạch, đạt 477 tỷ đồng.Các hợp đồng ký kết bao gồm một số dự án BOT có giá trị lớn như: Cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL18; Dự án mở rộng QL1, đoạn tránh TP Phủ Lý; 8 hợp đồng Tư vấn giám sát gồm 4 dự án ODA và 4 dự án vốn trong nước, trong đó dự án rất lớn là tuyến nối Hạ Long với cầu Bạch Đằng. Tổng số lượt kỹ sư của TEDI tham gia thực hiện các dự án là 274 kỹ sư tham gia tại 25 dự án có vốn trong nước và nước ngoài.

Báo cáo của Hội đồng quản trị trước ĐHĐCĐ cho thấy, lợi nhuận tăng trưởng mạnh là nhờ thực hành tiết kiệm triệt để, tăng năng suất lao động. TCT không có chủ trương tăng vốn điều lệ nên phần lớn lợi nhuận sau thuế là để chi trả cổ tức sau khi đã trích lập các quỹ như đã trình đại hội.

Đầu tư chiều sâu

Tổng số CBCNV-LĐ của Công ty mẹ TEDI hiện là hơn 340 người, được cơ cấu theo trình độ chuyên môn hợp lý, đã giúp đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ công tác sản xuất kinh doanh của đơn vị. Trong năm có 209 lượt kỹ sư được cử đi học các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; 22 cán bộ đi học tập, tham quan, công tác nước ngoài.

Riêng năm 2015, TEDI đã hoàn thành nghiệm thu 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp TCT và 1 đề tài cấp Bộ: Tổng kết công nghệ thiết kế, thi công cầu Bến Tre; Tổng kết công nghệ thiết kế, thi công cầu vượt thép; Nghiên cứu Hệ thống giao thông thông minh (ITS). Hai đề tài cấp TCT khác đang được triển khai là Nghiên cứu hằn lún vệt bánh xe và Tổ chức xây dựng, bóc tách khối lượng lập dự toán.

Các hoạt động của TCT đảm bảo tiếp tục ổn định và phát triển, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 do Đại hội đồng cổ đông giao, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Tìm kiếm thị trường tiềm năng mới, tiếp tục mở rộng thị trường tư vấn trong và ngoài nước; Phát triển lĩnh vực mới, trong đó tập trung vào các ngành như: Đường sắt, công trình ngầm đô thị, quy hoạch đô thị, cảng - đường thủy

TCT cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo với các đơn vị trong và ngoài nước về công nghệ mới trong lĩnh vực cầu hầm, đường cao tốc; Phân tích dự báo nhu cầu vận tải cho các dự án BOT như dự án: Cầu Bạch Đằng, cầu Đại Ngãi, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Ninh Bình - Thanh Hóa - Hà Tĩnh… ứng dụng công nghệ vật liệu mới vào xây dựng công trình như ứng dụng bentonie polymer hóa trong thi công cọc khoan nhồi, sử dụng nhựa đường cao su hóa chống hằn lún vệt bánh xe, phương pháp ổn định toàn khối trong xử lý nền đất yếu…

Trang thiết bị, phần mềm phục vụ công tác khảo sát thiết kế năm qua tiếp tục đầu tư thêm 10 bộ phần mềm dự toán giá xây dựng mới, được các đơn vị sử dụng đánh giá tốt; Đầu tư phần mềm Tekla Structures (Cast In Place) phiên bản 21; phần mềm VDC Suite 2015; phần mềm Midas Family; cải tiến phần mềm văn phòng Portal Office ứng dụng trong quản lý, điều hành và SXKD. Mỗi phần mềm đã đào tạo cho hàng chục kỹ sư của các trung tâm thiết kế.

TCT và các công ty con đã tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm của TCT, duy trì và phát triển thương hiệu TEDI trên thị trường tư vấn hạ tầng GTVT.

Hoàn thành thoái 100% vốn Nhà nước vào quý II/2016

TEDI là đơn vị được Bộ GTVT đánh giá hoàn thành tốt công tác thoái vốn Nhà nước theo tiến độ Bộ GTVT yêu cầu. Trước đó, tháng 3/2015, TCT hoàn thành thoái vốn Nhà nước đợt 1 bằng 20% vốn điều lệ theo phương thức bán thỏa thuận cho người lao động là cổ đông hiện hữu. Tháng 11/2015, TCT đã thực hiện thủ tục đăng ký công ty đại chúng. Tháng 7/2015, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, TCT đã xây dựng phương án thoái hết vốn Nhà nước bằng 29% vốn điều lệ.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 10375/VPCP-ĐMDN ngày 10/12/2015 và công văn số 1755/VPCP-ĐMDN ngày 17/03/2016 thống nhất phương án thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại TCT.

Theo đó, 30% vốn Nhà nước tại TEDI được bán thỏa thuận trực tiếp cho 2 nhà đầu tư chiến lược theo giá không thấp hơn giá khởi điểm của Chứng thư định giá với cam kết không chuyển nhượng trong 5 năm; 70% vốn Nhà nước tại TEDI được bán thỏa thuận cho người lao động theo giá bán thành công cho hai Nhà đầu tư chiến lược với cam kết làm việc lâu dài tại TEDI ít nhất là 3 năm. Bộ GTVT đã có công văn số 3015/BGTVT-QLDN ngày 22/3/2016 chỉ đạo TEDI phải hoàn thành phương án thoái nốt phần vốn Nhà nước còn lại trong DN theo phương án nêu trên trong quý II/2016.

Theo ông Phạm Hữu Sơn, nhiệm vụ năm 2016 của TEDI là tiếp tục thực hiện công tác tái cơ cấu DN, trong đó tập trung vào công tác tổ chức - cán bộ, quản trị DN, phát triển khoa học công nghệ theo hướng tinh gọn, hiệu quả cao và đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của TCT trong tình hình mới; Củng cố và phát triển nhóm công ty. Tăng cường công tác đào tạo và tuyên truyền để kịp thời thay đổi nhận thức của người quản lý DN cũng như người lao động đối với quan hệ sở hữu trong mô hình công ty cổ phần không còn vốn Nhà nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.