Y tế

Vì sao thai phụ cần được ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19?

18/08/2021, 08:27

Theo các chuyên gia, việc tiêm vaccine sẽ giúp thai phụ giảm nguy cơ phải nhập viện và hồi sức khi mắc Covid-19.

Thời gian qua tại TP.HCM, số trường hợp thai phụ mắc Covid-19 gia tăng với diễn biến nặng và suy hô hấp nhanh.

Người mong ngóng, kẻ băn khoăn

Vừa biết tin phụ nữ mang thai từ tuần thứ 13 được phép tiêm vaccine phòng Covid-19, chị Trần An (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Mình đang bầu tuần thứ 25, từ đầu tháng 5, mình nghiêm chỉnh chấp hành ở nhà. Đến nay 4 tháng rồi nhưng quanh nơi mình ở có nhiều F0 nên thật sự lo lắng và mong muốn sớm được tiêm vaccine phòng Covid-19 cho yên tâm. Mình đã đăng ký 3 nơi mà vẫn chưa biết bao giờ được tiêm”.

img

Tiêm vaccine Covid-19 cho thai phụ không ảnh hưởng tới thai nhi

Có cơ hội được tiếp cận vaccine theo chế độ của cơ quan nhưng chị Nguyễn Mai Thanh (Hà Đông, Hà Nội) không khỏi băn khoăn với nhiều câu hỏi “liệu việc tiêm có ảnh hưởng gì đến sự phát triển thai nhi hay không? Nếu sau tiêm gặp phản ứng phụ sốt, đau mỏi thì phải làm thế nào?...

“Chắc mình phải tham khảo thật kỹ bác sĩ sản khoa trước khi quyết định việc có nên tiêm vaccine Covid-19 hay không, cho dù ông xã cũng động viên vì tình hình dịch Covid-19 hiện diễn biến khó lường”, chị Thanh cho biết.

Đó cũng là nỗi niềm lo lắng của nhiều thai phụ trước quyết định có hay tạm trì hoãn tiêm vaccine ở thời điểm này.

Liên quan đến vấn đề này, BS. Trương Hữu Khanh, chuyên khoa Truyền nhiễm (TP HCM) khẳng định: “Các hiệp hội sản phụ khoa lớn như Hoa Kỳ, Canada, WHO đều khuyến cáo phụ nữ có thai nên tiêm phòng vaccine Covid-19 để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé. Mới đây, Bộ Y tế cũng đã đưa phụ nữ có thai từ 13 tuần vào đối tượng cần được tiêm vaccine phòng Covid-19 (nhóm cần thận trọng khi tiêm). Và hiện nay, tại TP HCM, đã triển khai việc này”.

BS. Khanh cho biết thêm: “Việc tiêm vaccine không ảnh hưởng gì tới thai nhi. Đa số nếu được tiêm thường ổn định. Với các tác dụng phụ sau tiêm thì thai phụ vẫn có thể dùng thuốc uống thông thường, an toàn. Trong khi nếu chậm trễ tiêm, không may mắc Covid-19, các thai phụ có nguy cơ trở nặng rất cao, có khả năng sinh non dưới 37 tuần tuổi…”.

Cùng quan điểm, BS. Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: “Người bình thường mắc Covid-19 đã vất vả và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nếu chẳng may thai phụ mắc Covid-19 sẽ còn khó khăn hơn vì lúc này nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người mẹ, thai nhi. Do đó, cách tốt nhất là phụ nữ mang thai cần được tiêm vaccine phòng bệnh, hạn chế tiếp xúc, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa được khuyến cáo ở mức độ cao”.

Thai phụ nhiễm Covid-19 dễ trở nặng

Chia sẻ về nguy cơ khiến phụ nữ mang thai lỡ nhiễm Covid-19 trở nặng cao, PGS. TS. Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho rằng, trong quá trình mang thai, phụ nữ thường có tình trạng suy giảm miễn dịch nhất.

Đây chính là yếu tố nguy cơ. Bởi khi có thai, do phải nuôi 1 đứa trẻ trong bụng nên tử cung của thai phụ sẽ to hơn, đẩy cơ hoành lên cao, đẩy dung tích phổi giảm xuống cản trở hô hấp, vì thế nhu cầu oxy của phụ nữ mang thai cao hơn người bình thường.

Tiếp đến, bản thân phụ nữ trong quá trình mang thai sẽ có tình trạng giữ nước trong cơ thể, có hiện tượng phù, phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên dễ dàng. Vì thế, khi mắc Covid-19 nguy cơ diễn tiến nặng nhanh.

BS. Nhi cũng cho biết thêm: “Trong suốt thai kỳ, phụ nữ mang thai thường đi kèm với một số bệnh lý sản khoa như tiểu đường thai kỳ, thừa cân, thiếu máu... chưa kể đến các bệnh lý nền khác nếu có như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch... Nếu chẳng may mắc thêm Covid-19 sẽ khiến thai phụ chịu cùng lúc nhiều gánh nặng, do đó rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp thai phụ suy hô hấp nặng phải thở máy, chạy ECMO, dùng kháng sinh liều cao... đối diện với nguy cơ cao phải chấm dứt thai kỳ”.

Liên quan đến tiêm vaccine phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, lợi ích của việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn.

Để giúp phụ nữ mang thai đưa ra đánh giá này, cần cung cấp thông tin cho họ về nguy cơ mắc Covid-19 trong thời kỳ mang thai cũng như lợi ích của việc tiêm chủng trong bối cảnh dịch tễ của địa phương và những hạn chế hiện tại về số liệu an toàn ở phụ nữ mang thai.

Theo WHO, đối với những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (ví dụ nhân viên y tế) hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh nặng (ví dụ người đang mắc bệnh nền), có thể được tiêm vaccine phòng Covid-19 và phải được bác sĩ tư vấn, theo dõi chặt chẽ.

Không tiêm vaccine Sputnik-V cho thai phụ

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3802 về Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng Covid-19, trong đó có bổ sung, điều chỉnh một số nhóm đối tượng trong khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Theo quyết định mới, phụ nữ đang cho con bú, mang thai từ 13 tuần trở lên vẫn có thể tiêm các loại vaccine Covid-19 đang được cấp phép, tuy nhiên, chống chỉ định với vaccine Sputnik-V.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.