Quản lý

Vì sao thành lập Công ty cổ phần Hàng không VASCO?

02/03/2016, 06:38

Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Vũ Anh Minh trao đổi với Báo Giao thông xung quanh việc thành lập VASCO...

13
VASCO đang khai thác các đường bay có ý nghĩa chính trị - xã hội

Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ GTVT) Vũ Anh Minh trao đổi với Báo Giao thông xung quanh việc thành lập Công ty cổ phần (CTCP) Hàng không VASCO trên cơ sở sắp xếp lại Chi nhánh TCT Hàng không VN - Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO). 

Mục tiêu cuối cùng là đẩy mạnh xã hội hoá

Việc Vietnam Airlines (VNA) định hướng thành lập một công ty mới theo mô hình CTCP trên cơ sở sắp xếp lại Chi nhánh TCT Hàng không VN - Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) thay cho kế hoạch chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV trước đó có đúng quy định không, thưa ông?

Trước hết, mục tiêu của chúng ta là xã hội hoá, huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho các dự án đầu tư, phát triển. Với Vasco, mục tiêu cuối cùng là thành lập một CTCP. Để làm được điều này có hai hình thức. Thứ nhất là chuyển thành mô hình Công ty TNHH MTV, sau đó chuyển thành CTCP. Hình thức thứ hai là sử dụng chính nguồn lực của Chi nhánh này để góp vốn thành lập CTCP. Về mặt kết quả cuối cùng sẽ như nhau nhưng về tiến độ thời gian, thực hiện theo phương án 2 sẽ nhanh hơn phương án 1.

Nếu chúng ta chuyển đổi thành CTCP, đánh giá lại tài sản và giữ nguyên phần vốn của VNA hiện nay (vì không còn là vốn Nhà nước nữa), phát hành thêm cổ phiếu và có các cổ đông khác mua thì cũng không khác gì phương án VNA vừa đề xuất.  

Có ý kiến cho rằng, VNA cần công khai kế hoạch CPH VASCO, đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo chọn nhà đầu tư phù hợp nhất. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Ở đây là VNA đề xuất thành lập mới một CTCP chứ không phải CPH. Còn việc công khai, minh bạch, tôi có thể khẳng định rằng không có gì bí mật cả. Các văn bản của Bộ không có gì là mật. Khi doanh nghiệp, cụ thể là VNA lựa chọn được một nhà đầu tư phù hợp thì đề xuất cùng với nhà đầu tư đó để thành lập công ty.

Thực tế, về chuyên ngành, VASCO đã có kinh nghiệm về vận tải hàng không. Cái họ cần là một nhà đầu tư có nguồn lực về tài chính để có thể thúc đẩy phát triển chứ không phải là cứ phải chọn một nhà đầu tư chuyên về hàng không. Họ thiếu gì sẽ bổ sung cái đó. Ở đây, họ đã có kinh nghiệm quản lý, vận hành, khai thác và họ cần nguồn lực tài chính thì họ chọn nhà đầu tư tài chính. Tính khả thi như thế nào, các cổ đông sẽ phải tự cân nhắc trước khi quyết định đầu tư. 

Tài sản nhà nước sẽ được định giá bởi một tổ chức độc lập

Theo ông làm thế nào để đảm bảo định giá đúng tài sản nhà nước tại VASCO?

Việc định giá sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật. Chúng ta sẽ có các tổ chức tư vấn định giá độc lập, được pháp luật cho phép. Tổ chức đó chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc định giá. Chúng ta sẽ sử dụng kết quả định giá đó làm giá cơ sở để đưa ra đàm phán với nhà đầu tư. Tất cả quy trình này sẽ được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Trong trường hợp đề xuất của VNA được phê duyệt, ông đánh giá thế nào về mô hình hãng nằm trong hãng như VASCO và VNA?

Ở đây không phải là mô hình hãng nằm trong hãng mà thực chất cũng tương tự như VNA đang có vốn góp tại Jetstar Pacific hay Cambodia Angkor Air. Họ hoàn toàn có thể góp vốn cùng doanh nghiệp để có thể cùng khai thác hãng hàng không hoặc cùng kinh doanh dịch vụ phi hàng không… Đây là sự góp vốn về thành lập doanh nghiệp. Ở trường hợp VASCO, tôi cho rằng sẽ có thuận lợi, hiệu quả giống như vừa rồi VNA đã cơ bản hoàn tất việc tái cơ cấu thành công Jetstar. 

Mục tiêu lợi nhuận của Vasco là hợp lý

Việc VNA đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế của VASCO cho giai đoạn đầu 2016 -2018 chỉ có 1,94 tỷ đồng, theo ông có quá khiêm tốn với một hãng hàng không quy mô vốn 300 tỷ đồng hay không?

Chúng ta phải lưu ý rằng VASCO hiện tại chỉ là một đơn vị hạch toán phụ thuộc, sắp xếp lại để thành lập một CTCP. Thời gian đầu, chắc chắn sẽ có những khó khăn nhất định. Họ đặt mục tiêu lợi nhuận chỉ có 1,94 tỷ đồng theo chúng ta có thể hơi khiêm tốn. Tuy nhiên, như tôi đã nói trên, giai đoạn đầu, họ phải tập trung đầu tư, hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức. Chắc chắn chi phí đầu tư giai đoạn đầu sẽ cao, áp lực ban đầu sẽ rất lớn. Hơn nữa, Vasco đang khai thác các đường bay có ý nghĩa chính trị, xã hội nên cũng khó khăn hơn. 

Xin hỏi ông một câu hỏi cuối, Bộ GTVT đã đưa ra quyết định cuối cùng về đề xuất của VNA chưa?

Đến thời điểm này, Bộ GTVT đã có văn bản đồng ý về chủ trương của VNA về việc tham gia góp vốn thành lập CTCP Hàng không VASCO theo đề xuất của Người đại diện phần vốn Nhà nước tại VNA.

Người đại diện phần vốn Nhà nước tại VNA sau đó sẽ có trách nhiệm tham gia biểu quyết thành lập CTCP Hàng không VASCO, phối hợp với HĐQT VNA và các nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện việc góp vốn, thành lập CTCP Hàng không VASCO theo đúng trình tự, quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch. 

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.