Vận tải

Vì sao thị trường đóng tàu biển khó thoát đáy?

08/06/2017, 07:21

Dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng thị trường đóng mới tàu biển vẫn đang chạm đáy.

5

Thị trường đóng mới tàu biển chưa thể tăng trưởng trong ngắn hạn

Dù có nhiều tín hiệu tích cực khi các hợp đồng đóng mới tàu biển tại hầu hết các nhà máy trong nước đã lấp đầy đến hết năm 2018, tuy nhiên thị trường đóng mới tàu biển vẫn đang chạm đáy và chưa thể tăng trưởng trong ngắn hạn.

Xưởng đóng tàu của Công ty Đóng tàu Nam Triệu (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đang tích cực hoàn thiện con tàu trọng tải lớn lên đến 56.200 DWT cho một chủ tàu trong nước. Con tàu này đang ở trên đà thực hiện ghép block (lắp ráp con tàu từ các tổng đoạn khối), dự kiến bàn giao vào tháng 8/2018. Ông Phùng Văn Khôi, Phó tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Nam Triệu cho biết, cách đây khoảng 1 tháng, công ty đã bàn giao 1 tàu chở hàng rời 56.200 DWT cho chủ tàu. Hai con tàu lớn này được ký hợp đồng đóng mới từ năm 2015 cùng với 20 tàu và sà lan khác. “Với các hợp đồng này, cộng thêm hợp đồng sửa chữa tàu biển nên công ty bảo đảm đủ việc làm cho gần 800 CBCNV đến hết năm 2018”, ông Khôi nói và cho biết thêm, số lượng hợp đồng đóng mới từ năm 2015 đến nay đã khởi sắc hơn so với giai đoạn trước đó, nhưng thực sự vẫn còn rất khó khăn khi thị trường đóng mới tàu biển rơi vào thời kỳ chạm đáy kéo dài từ năm 2008.

Lý giải nguyên nhân này, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực vận tải biển cũng như đóng tàu, do thị trường vận tải biển thế giới cũng như trong nước rơi vào tình trạng khủng hoảng, sản lượng vận tải thấp cộng thêm giá cước thấp, thu không đủ bù chi phí nên các hãng vận tải biển không đóng thêm tàu mới. Hơn nữa, từ năm 2000, nhiều hãng tàu đã đóng mới tàu biển tải trọng lớn nên vẫn đảm nhận được nhu cầu vận tải biển.

Tổng giám đốc Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm Phạm Mạnh Hà cũng cho biết, đóng mới tàu biển phụ thuộc nhiều vào thị trường vận tải biển. Thời điểm năm 2013 nhiều người nghĩ đấy là lúc chạm đáy và sẽ có tín hiệu khởi sắc, nhưng thực tế chưa có nhiều chuyển biến. Công ty cũng phải tích cực tìm kiếm việc làm, công nhân chỉ làm việc đến ngày thứ sáu. “Thị trường đóng mới tàu biển chạm đáy cũng do nguồn việc làm từ Tập đoàn Đóng tàu DAMEN của Hà Lan không có. Từ quý II/2016, các sản phẩm của DAMEN đóng tại Sông Cấm cũng giảm sút nhanh chóng”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, để vượt qua khó khăn, công ty đang phải tích cực tìm kiếm thêm việc làm ở thị trường trong nước, phối hợp với các công ty đóng tàu khác để nhận một phần việc làm. Tháng 3 vừa qua, công ty đã ký hợp đồng đóng mới 2 tàu khách 5 sao cỡ lớn, mỗi tàu có 19 phòng VIP, mỗi phòng khoảng 60m2 phục vụ lưu trú trên vịnh Lan Hạ. Song song với đó, tiếp tục tìm kiếm đơn hàng đóng tàu cho ngành Hải quan, ngành giao thông... Ông Trần Quốc Chiến, Phó tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Phà Rừng thông tin, ngoài thực hiện các tàu cho đối tác Hàn Quốc, Tập đoàn DAMEN, công ty tiếp tục quay lại thị trường tàu dầu, tàu cá, tàu kiểm ngư, sửa chữa tàu nước ngoài. Tuy nhiên, ông Chiến cũng nhận định, dù thị trường có dấu hiệu phục hồi nhưng không thể như trước, do lợi nhuận thấp, chủ yếu lấy công làm lãi.

Theo đại diện Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), nhìn chung thị trường đóng tàu đang duy trì ở mức độ đi ngang trong thời gian này, dù một số con tàu đang được đàm phán và các nhà máy đóng tàu đang hy vọng một số hợp đồng sẽ được ký kết. Một số lĩnh vực hoạt động dựa trên lợi nhuận từ thị trường thuê tàu đang phát triển tốt hơn và các nhà máy đang hy vọng giá cả sẽ tốt hơn dựa trên các yêu cầu kỹ thuật cao hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.