Ngoại trưởng các nước ASEAN và Ngoại trưởngTrung Quốc họp bàn tại tỉnh Vân Nam |
Tối 14/6, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra thông cáo sau Hội nghị đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc, tổ chức tại tỉnh Vân Nam, thể hiện sự đồng lòng của các ngoại trưởng ASEAN. Thông cáo sử dụng lời lẽ cứng rắn về vấn đề biển Đông; Tuy nhiên, thông cáo bị rút lại chỉ vài giờ sau đó, theo Wall Street Journal ngày 15/6.
Thông cáo viết: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây cũng như đang xảy ra, vốn gây xói mòn lòng tin, tăng căng thẳng và có nguy cơ cản trở hòa bình, an ninh và ổn định biển Đông. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế trong mọi hoạt động, kể cả hoạt động xây đảo, vốn có thể tăng căng thẳng ở biển Đông. Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do đi lại trên biển cũng như trên không ở biển Đông, theo các nguyên tắc luật pháp đã được quốc tế thừa nhận, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.
Bản thông cáo không nhắc tới Trung Quốc, song lời lẽ cứng rắn có thể đang ám chỉ các hoạt động bồi đắp trái phép của nước này trên biển Đông. Thông cáo đã được truyền thông Malaysia công bố và bị thu hồi vài giờ sau. Sau đó, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết, ASEAN rút lại văn bản này để thay đổi một số điểm. Không có giải thích nào được đưa ra, nhưng cho đến đến chiều tối qua, vẫn chưa có văn bản nào được đưa ra kể từ sau khi tuyên bố chung bị rút lại. Nguồn tin cũng dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của ASEAN tại hội nghị cho hay, khối này quyết định không ban hành tuyên bố chung, các quốc gia thành viên sẽ đưa ra tuyên bố riêng trong trường hợp cần thiết.
Tiến sĩ Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore cho rằng, việc rút lại thông cáo cho thấy sự thiếu thống nhất giữa các thành viên ASEAN về vấn đề căng thẳng biển Đông. Tuy nhiên, theo Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia: Các thành viên ASEAN đang trong quá trình soạn thảo một tuyên bố chung về biển Đông. Trước đó, tất cả các thành viên đều nhất trí nên giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển.
Do đó, ASEAN chắc chắn sẽ đưa ra một tuyên bố chung sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết (dự kiến trong tháng này) vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền biển Đông; Trong đó, nhiều khả năng biểu hiện sự đồng thuận chung của cả khối, thể hiện thái độ mạnh mẽ đối với Trung Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận