Giao thông

Vì sao thu giá không dừng chậm tiến độ?

09/05/2018, 06:22

Dự án thu giá tự động không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hiện đã chậm tiến độ...

1

Trạm thu giá BOT Sóc Trăng trên QL1 đoạn qua huyện Châu Thành - Ảnh: Việt Tâm

6 trạm chưa thông làn

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện dự án vẫn còn 6 trạm thu giá chưa thể thông làn chạy thương mại do nhà đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ, nhà thầu thiết bị “cò cưa” đổ lỗi cho nhau. Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, dự án có 25 trạm áp dụng thu giá không dừng, hiện 18 trạm đã thông làn vận hành thương mại hai làn trung tâm. Còn 6 trạm nhà đầu tư BOT đã lắp thiết bị của Công ty Cadpro và Công ty Thiên Ân là các trạm: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bình Thuận, Bắc Bình Định, Nam Bình Định và Cai Lậy (đang tạm dừng thu giá) trước khi có dự án, chưa vận hành thương mại.

“Các trạm này đang chạy thử nghiệm nhưng chưa đạt vì báo cáo đối soát doanh thu giữa hai hệ thống thu giá một dừng (MTC) và thu giá không dừng (ETC) chưa chuẩn để vận hành thương mại. Trạm Bạc Liêu đã chạy thử từ ngày 14/4, trong quá trình chạy thử phát sinh một số lỗi như: Không nhận diện được biển số, báo cáo doanh thu chưa khớp. Nguyên nhân là do thiết bị của Công ty Cadpro lắp đã lạc hậu, vì vậy cần phải nâng cấp, hoàn thiện thiết bị”, ông Toàn nói.

"Nguyên nhân dự án chậm tiến độ, một phần do đến nay nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án chưa huy động đủ vốn chủ sở hữu. Đến hết năm 2017 giá trị góp vốn  bằng tiền qua chuyển khoản là gần 130 tỷ đồng, đạt khoảng 57%. Trong đó, Công ty CP Tasco là 28 tỷ đồng, Công ty TNHH thu phí tự động VETC trên 100 tỷ đồng. “Qua kiểm tra báo cáo tài chính của VETC cho thấy, Công ty CP Tasco đã thoái vốn. Sau khi thoái vốn Công ty CP Tasco còn lại 50 triệu đồng. Ngoài số vốn góp bằng tiền qua chuyển khoản nhà đầu tư báo cáo đã góp 127 tỷ đồng bằng tài sản khác. Tuy nhiên, Ban đã kiểm tra và không chấp thuận vì đây là chi phí phát sinh trước và sau khi ký hợp đồng BOO nhưng VETC không làm thủ tục góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014”.

Ông Bùi Văn Rạng
Phó giám đốc Ban QLDA 2

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí không dừng VETC cho biết, thiết bị tại 6 trạm do Cappro lắp trước khi có chuẩn 2255 của Bộ GTVT. Thiết bị tại các trạm này chưa đồng bộ với hệ thống của VETC, trong quá trình triển khai VETC và các đơn vị phải hiệu chỉnh lại. Nhà đầu tư BOT luôn yêu cầu phải thu đúng, thu đủ và phải “khớp” số tiền giữa thu MTC và ETC. Hiện, nhà thầu Cadpro đang trong quá trình căn chỉnh, phấn đấu đến ngày 15/5 phải vận hành thương mại 6 trạm.

Ông Bùi Phú Huy, đại diện Công ty Cadpro cho rằng, công ty đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống thiết bị. Tuy nhiên, chỉ có thiết bị camera công ty lắp tại các trạm đã dùng “hơi lâu” và sẽ hoàn thiện theo yêu cầu.

Trong khi đó, ông Hoàng Gia Đại, Giám đốc BOT Quảng Trị, Tập đoàn Trường Thịnh cho biết, đã nhiều lần mời VETC triển khai lắp đặt theo đúng lộ trình, giá dịch vụ điều chỉnh cần xem xét để lại sau, tiến độ triển khai lắp đặt bình thường, các trạm Trường Thịnh chưa được nghiệm thu nên tính hoàn thiện hệ thống chưa chuẩn xác, còn nhiều lỗi bất cập trong hệ thống. “MTC của nhà đầu tư chụp biển số bằng hình ảnh, hệ thống ETC bằng mã vạch nên hậu kiểm giữa hai hệ thống chưa đối soát được doanh thu. Một số trường hợp xe chạy qua barie không mở mà vẫn phải dùng thủ công nên chúng tôi không tin tưởng hệ thống kiểm soát này”, ông Đại nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, tiến độ dự án đã chậm so với yêu cầu ngày 30/4 phải thông tất cả các trạm thuộc dự án. Nguyên nhân do có những nhà đầu tư BOT chưa hợp tác chặt chẽ với VETC và cơ quan quản lý nhà nước. Tiến độ dự án hiện đang rất chậm, mấy tháng nay chỉ dừng lại ở con số 18 trạm vận hành thương mại mà không phát triển thêm được trạm nào.

2

Trạm thu giá BOT Nam Bình Định trên QL1 đoạn qua TX An Nhơn, Bình Định - Ảnh: Minh Hoàng

Vẫn vướng chia tỷ lệ lợi nhuận

Cũng theo ông Tô Nam Toàn, theo lộ trình Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 31/12, nhà đầu tư BOT phải bàn giao toàn bộ trạm thu giá cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá không dừng là Công ty VETC. Tuy nhiên, đến nay chưa có phụ lục hợp đồng nào về bàn giao tất cả các làn của trạm thu giá giữa nhà đầu tư BOT và VETC được ký kết. “VETC cần ưu tiên triển khai giai đoạn 2 mở rộng làn đối với các trạm, nhất là các trạm của TASCO như trạm Quảng Bình lắp đủ 6 làn để làm mẫu”, ông Toàn nói.

Lý giải về vấn đề này, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, hiện có 7 trạm VETC ký phụ lục hợp đồng đã bao gồm nội dung tăng làn, vấn đề chỉ là chốt thời gian triển khai. Đối với các trạm khác, theo hợp đồng BOO, VETC sẽ được hưởng 8% lợi nhuận trên tổng số thu phí. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên VETC chỉ được hưởng 50% chi phí quản lý thu giá, với mức này thu không đủ bù đắp hoạt động của VETC.

Theo Quyết định số 07/2017 của Thủ tướng, nhà đầu tư các dự án BOT trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên chậm nhất đến ngày 31/12 phải bàn giao toàn bộ các trạm thu giá cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thực hiện việc thu giá theo hình thức điện tử tự động không dừng. Đối với các trạm khác, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu giá cho nhà cung cấp dịch vụ thu giá để thu giá không dừng.

“VETC đề xuất nâng tỷ lệ này lên 70% nhưng phải dựa trên cơ sở quyết toán chi phí quản lý thu hàng năm của dự án BOT. Đây là vướng mắc chính trong quá trình đàm phán ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư BOT. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư BOT cố tình cản trở lộ trình này bằng việc tuyên truyền ngược rằng chỉ vài năm nữa không triển khai”, ông Hà nói.

Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc CIENCO4 cho biết, cơ bản thống nhất với đề xuất của VETC, nhưng cần phải chờ các nhà đầu tư BOT khác để cùng thống nhất chốt mức “ăn chia” cuối cùng. “Việc này có thể đàm phán sau, quan trọng nhà đầu tư VETC phải triển khai được thiết bị để lắp tất cả các làn”, ông Nghĩa nói.

Về ký phụ lục hợp đồng mở rộng làn theo lộ trình, ông Huyện cho biết, tổng cục đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải đẩy nhanh việc đàm phán ký phụ lục hợp đồng mở rộng làn VETC, đàm phán một lần không xong phải nhiều lần. Nếu vướng điều khoản “ăn chia” phải đưa ra phương án mở, đàm phán theo từng thời điểm để không thiệt cho hai bên.

“Đã quá thời hạn mà chưa ký được phụ lục hợp đồng nào, danh chính ngôn thuận phải ký mới được triển khai lắp thiết bị tại trạm. Tổng cục Đường bộ VN đang đẩy mạnh tuyên truyền dán thẻ những điều kiện cần thông làn tất cả các trạm không có thì tuyên truyền dán thẻ làm sao?”, ông Huyện nêu vấn đề.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.