Giao thông

Vì sao thu phí cả hai trạm cầu Bến Thủy 1 và 2?

16/12/2015, 07:06

Trước thông tin dư luận gần đây cho rằng, phương thức và mức thu phí tại hai trạm BOT Bến Thủy 1, 2...

3
Trạm thu phí BOT Bến Thủy

Trước thông tin dư luận gần đây cho rằng, phương thức và mức thu phí tại hai trạm BOT Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 của nhà đầu tư Tổng công ty XDCTGT4 (Cienco4) không hợp lý, PV Báo Giao thông đã vào cuộc để làm rõ sự việc.

Cần thiết phải có trạm Bến Thủy 1

Theo tìm hiểu của PV, năm 2003, với mục tiêu giảm ùn tắcTNGT cho TP Vinh (Nghệ An), đồng thời mở ra hành lang phát triển các khu công nghiệp phía Tây thành phố, Bộ GTVT đã cho phép Cienco4 đầu tư dự án đường tránh Vinh theo hình thức BOT với chiều dài 25,8 km từ Bắc thị trấn Quán Hành (Km 448+800) đến cầu Bến Thủy cũ (Km 467+056, QL1), tổng mức đầu tư 378 tỷ đồng.

Đến tháng 12/2005, khi công trình hoàn thành và đưa vào khai thác, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận để nhà đầu tư sử dụng trạm thu phí Bến Thủy cũ (nay là trạm Bến Thủy 1) để thu phí hoàn vốn thay vì xây trạm thu phí mới trên tuyến tránh Vinh. Mức thu phí của trạm Bến Thủy 1 được quy định theo Quyết định số 46, ngày 14/7/2005 của Bộ Tài chính.

"Để khuyến khích cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ phương tiện qua trạm thu phí, Bộ Tài chính đã ban hành quy định về vé tháng, vé quý đối với các phương tiện qua hai trạm thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2, trong đó, mức phí vé quý đã được chiết giảm 10% cho các chủ phương tiện”.

Ông Ngô Trọng Nghĩa
Phó TGĐ Cienco4

Tiếp đó, tháng 9/2012, khi dự án xây dựng cầu Bến Thủy 2 hoàn thành và kết nối vào tuyến tránh Vinh, Bộ Tài chính và Bộ GTVT thống nhất cho phép nhà đầu tư xây dựng trạm thu phí phụ trên đường đầu cầu Bến Thủy 2 (thu phí từ ngày 15/11/2012) để cùng trạm Bến Thủy 1 hoàn vốn cho dự án đầu tư công trình tuyến tránh Vinh. Mức thu phí vẫn được áp dụng theo quy định tại Quyết định 46 của Bộ Tài chính.

Theo ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó TGĐ Cienco4, thực hiện chủ trương của Quốc hội và Chính phủ về việc nâng cấp, mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, đồng thời để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, ngày 5/9/2012, Bộ GTVT ban hành Quyết định 2118 về việc phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh theo hình thức BOT với chiều dài 35,1 km, tổng mức đầu tư 2.434 tỷ đồng.

“Việc triển khai xây dựng dự án đã khắc phục triệt để ách tắc và các vụ TNGT thảm khốc trên QL1 đoạn qua Hà Tĩnh”, ông Nghĩa nói và cho biết, ngày 19/1/2014, sau khi dự án đưa vào khai thác, nguồn thu của hai trạm thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 được sử dụng để hoàn vốn cho cả hai dự án BOT tránh Vinh và Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh.

Đặc biệt, để tạo một hệ thống giao thông liên hoàn từ Bắc Hà Tĩnh đến Nam Nghệ An, Cienco4 đã được Bộ GTVT cho phép đầu tư thêm ba hạng mục khác với kinh phí trên 600 tỷ đồng bổ sung vào dự án BOT tuyến tránh Vinh và Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh gồm: Cầu vượt QL46 với đường sắt Bắc - Nam (435 tỷ đồng) để giải quyết ách tắc khu vực phía Tây TP Vinh và đảm bảo ATGT cho đường sắt Bắc - Nam; Tiểu dự án cầu vượt QL8B với QL1 (156 tỷ đồng), dự án đầu tư sửa chữa cầu Bến Thủy cũ (17,6 tỷ đồng).

Thông tin thêm, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, để đảm bảo phương án tài chính của dự án, vị trí đặt hai trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 để hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh Vinh và Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh đã được Bộ Tài chính, Bộ GTVT và chính quyền địa phương hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thống nhất. “Sử dụng trạm Bến Thủy cũ để thu phí hoàn vốn thì mới đảm bảo phương án tài chính của dự án và phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến tránh Vinh”, đại diện Ban PPP nói.

Lộ trình tăng phí theo quy định pháp luật

Liên quan đến mức phí và lộ trình tăng phí của hai trạm BOT này, ông Phạm Huy Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, trên cơ sở phương án tài chính của dự án, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 51 ngày 24/4/2014 để thay thế Quyết định 46/2005. Theo đó, Bộ Tài chính cho phép Cienco4 điều chỉnh mức thu phí qua trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2, với mức thu được áp dụng bằng hai lần mức thu tối thiểu khung (quy định tối đa cho phép 3,5 lần - PV).

Cụ thể, Thông tư 51 quy định, kể từ ngày thông tư có hiệu lực (8/6/2014) đến hết ngày 31/12/2015, mức thu phí đối với các phương tiện qua trạm cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 gồm: Loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 30 nghìn đồng/lượt; Xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 40 nghìn đồng/lượt...

Thông tư 51 cũng nêu rõ: từ ngày 1/1/2016, các loại phương tiện qua cầu Bến Thủy sẽ áp dụng mức thu phí mới. Trong đó, loại xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt công cộng là 45 nghìn đồng/lượt; Xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 60 nghìn đồng/lượt... “Việc trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 và cầu Bến Thủy 2 áp dụng mức phí mới kể từ ngày 1/1/2016 là đúng lộ trình và phù hợp với các quy định của pháp luật để đảm bảo phương án tài chính của dự án”, đại diện Vụ Tài chính cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.