Quản lý

Vì sao TP HCM chưa thể cấm triệt để xe 3, 4 bánh?

28/07/2020, 06:29

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất cấm xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh vào trung tâm.

img
Nhiều người mưu sinh bằng nghề chở thuê nhiều năm nay trên xe 3 bánh

Đề xuất cấm thực hiện theo từng giai đoạn và một số tuyến vành đai sẽ cấm theo khung giờ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quan trọng là giải pháp thực thi, bởi thực tế lệnh cấm xe 3, 4 bánh tự chế có từ 10 năm trước, nhưng loại xe này vẫn đang chạy đầy đường.

Mỗi lần thấy CSGT là chạy trốn vào ngõ hẻm

Cầu Lò Gốm trên đường Võ Văn Kiệt (Q.6) cứ mỗi chiều lại xuất hiện nhan nhản hình ảnh những chiếc xe 3, 4 bánh tự chế chở hàng nối đuôi nhau dừng bên đường, chờ khách thuê chở hàng.

Trưa 22/7 trên đường Phan Đăng Lưu từ Phú Nhuận ra đến Bình Thạnh, dòng người đang lưu thông đông đúc, một chiếc xe ba gác chở cuộn tôn dài hơn 2m nghênh ngang giữa đường, cản trở dòng phương tiện đi phía sau. Gần đây, khi CSGT chốt chặn tại các ngã ba, ngã tư để xử lý những xe 3, 4 bánh chở hàng cồng kềnh, những người chở hàng lại tìm đủ mọi cách trốn tránh.

Anh Nguyễn Văn Hải, người bán hàng rong trên chiếc xe 3 bánh cho biết, cứ mỗi lần thấy CSGT là phải chạy trốn vào các hẻm, bởi nếu bị bắt có khi xe bị tịch thu. “Biết là vi phạm lệnh cấm nhưng không có xe ba gác này thì mưu sinh kiểu gì”, anh Hải tâm sự.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên nhiều tuyến vùng ven và cả trong nội đô của TP HCM vẫn đang xuất hiện rất nhiều xe 3, 4 bánh hoạt động, như tại các tuyến đường Dương Đình Hội, Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt (Q.9); đường Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức); đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp), QL1, Xa lộ Hà Nội… Các xe này phân làm hai loại: loại có gắn động cơ như xe gắn máy, được cơ quan chức năng cấp biển số và loại xe tự chế có gắn động cơ xe máy, hoặc để đạp, đẩy tay (chủ yếu được những người bán hàng rong sử dụng).

Trước đó, triển khai Nghị quyết 32/2007 của Chính phủ, năm 2009 và 2013, TP HCM có 2 quyết định cấm các loại xe trên vào khu vực trung tâm và một số tuyến đường, đồng thời có chính sách hỗ trợ chủ xe thuộc diện bị cấm, để họ có điều kiện thay thế phương tiện hoặc chuyển đổi công việc. Cũng có những trường hợp chuyển đổi thành công, nhưng có nhiều người quay về “nghề cũ” vì không hợp công việc mới. Từ đó đến nay, TP HCM thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe 3, 4 bánh tự chế, chi 160 tỷ đồng hỗ trợ những người thuộc diện bị ảnh hưởng. Dù vậy, theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện thành phố vẫn còn khoảng 30.000 xe 3-4 bánh tự chế hoạt động.

Ông Phạm Văn Thái (Q.9) cho biết, trước đây đã nhận được hỗ trợ để chuyển từ xe ba gác tự chế lên xe 3 bánh có gắn động cơ, được cấp phép. “Có những lúc họ thuê chở những hàng nặng, dài cũng phải cố mà chở. Thấy CSGT ở đâu thì tìm đường tránh chứ không chở thì không có thu nhập nuôi mấy nhân khẩu trong nhà”, ông Thái nói và cho biết, cũng mong kiếm được nghề gì phù hợp, nhưng đã trên 50 tuổi rồi nên cũng khó.

Lên phương án tổ chức giao thông cho xe 3, 4 bánh theo từng giai đoạn

img
Xe ba bánh bị tịch thu và tạm giữ tại bãi giữ xe Công an quận 9

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Vận tải, Sở GTVT TP HCM cho biết, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ được sử dụng thay thế cho xe 3 bánh thường có thiết kế nhỏ gọn, dễ lưu thông trong những đường nhỏ. Tuy nhiên, loại xe này thường xuyên chở hàng cồng kềnh và chở quá tải trọng cho phép (do sức chở tối đa không quá 500kg).

Thực tế, loại xe 4 bánh có gắn động cơ (còn gọi là xe “50TĐ”) được hoạt động thí điểm, được đăng kiểm. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, chủ phương tiện lại tự cơi nới thùng hàng hoặc thay thế các bộ phận để chở hàng được nhiều hơn, không đảm bảo quy định về an toàn chất lượng và bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Hải, một trong những nguyên nhân khiến TP HCM chưa thể giải quyết triệt để việc cấm xe 3, 4 bánh tự chế do người sử dụng phương tiện này đa phần là người có thu nhập thấp ở các địa phương khác đến, ý thức chấp hành còn hạn chế. Bên cạnh đó, có nhiều chủ phương tiện khi bị xử phạt lập tức bỏ lại xe, gây khó khăn cho công tác tạm giữ, dẫn đến quá tải các bãi tạm giữ.

Trong văn bản gửi UBND thành phố, Sở GTVT TP HCM đề xuất cấm xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh vào trung tâm thành phố, được giới hạn bởi các tuyến đường, có gắn biển cấm đối với các phương tiện 3, 4 bánh. Theo Sở GTVT, đề xuất này đảm bảo phù hợp với điều kiện đô thị đặc thù của thành phố, từ đó từng bước kiểm soát hoạt động cũng như lộ trình chuyển đổi loại phương tiện này. Hiện Sở GTVT phối hợp với các quận, huyện và các đơn vị có liên quan báo cáo phương án tổ chức giao thông cho các loại xe 3-4 bánh theo từng giai đoạn.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với xe chở hàng và xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, tiến tới ngừng sản xuất loại phương tiện này.

Cụ thể là trên và bên trong các tuyến đường: Hai Bà Trưng - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa - Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng.

Một số tuyến đường ngoài khu vực trung tâm TP HCM bao gồm các tuyến đường: Phan Đình Giót (đoạn từ Nguyễn Văn Trỗi đến Trường Sơn), đường Trường Sơn (đoạn từ Phan Đình Giót đến Hồng Hà), Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ Nguyễn Văn Trỗi đến Điện Biên Phủ), Võ Văn Kiệt (đoạn từ Lò Gốm đến Tôn Đức Thắng).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.