Hạ tầng

Vì sao TP.HCM đề xuất chi 4.500 tỉ làm 12 dự án thủy lợi vùng ven?

19/08/2021, 16:51

12 dự án thủy lợi này được kỳ vọng sẽ kiểm soát triều cường, ngập úng, đi lại và điều tiết lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Sở NN&PTNT TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư 12 dự án thủy lợi vùng ven thành phố. Các dự án này được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 với số vốn khoảng 4.500 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Ưu tiên 12 dự án thủy lợi trên 4 quận huyện

Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, 12 dự án được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: ưu tiên 1 có 7 dự án thủy lợi với số vốn khoảng 2.600 tỷ đồng; ưu tiên 2 có 5 dự án khoảng 1.900 tỷ đồng trải dài 4 quận, huyện là Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12 và huyện Củ Chi.

img

12 dự án thủy lợi ngoại thành TP.HCM được kỳ vọng sẽ giảm ngập úng do mưa và triều cường.

Cụ thể, ưu tiên 1 có dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi (giai đoạn 2) có nguồn vốn lớn nhất là 1.100 tỷ đồng, nhằm hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông kết nối khu vực nội đồng, hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, dự án xây dựng 4 cống: Cây Xanh, Đá Hàn, Bà Bếp, Rạch Dứa được bổ sung vào quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM. 4 cống này nhằm tăng khả năng điều tiết cấp nước trong mùa khô, phòng lũ, triều cường phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 2.600ha thuộc xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) với kinh phí 450 triệu đồng.

Bên cạnh đó, còn có các dự án được bổ sung vào phương án phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đến năm 2030 - 2045 như nạo vét khơi thông dòng chảy sông Lu (đoạn từ cống Lu 1 đến cống sông sông Lu 2, huyện Củ Chi); xây dựng tuyến đê bao Rạch Tra từ cầu Xáng tỉnh lộ 15 đến QL22 (huyện Hóc Môn, Củ Chi).

Đối với dự án ưu tiên 2, phải kể đến dự án xây dựng cống kiểm soát triều Rạch Tra (huyện Hóc Môn, Củ Chi) quy hoạch chống ngập từ năm 2008, xây dựng và kè bảo vệ bờ thượng hạ lưu cống với kinh phí 1.200 tỷ đồng. Công trình góp phần tăng khả năng tiêu thoát nước chống ngập và cấp nước cho khu vực, tham gia trữ lũ và chậm lũ sông Sài Gòn khi hồ Dầu Tiếng xả lũ, đảm bảo giao thông thủy nội địa khu vực.

Cũng theo Sở NN&PTNT, hiện nay trên kênh tiêu Khu công nghiệp Tân Quy (từ tỉnh lộ 8 đến rạch Bà Bếp, huyện Củ Chi) bị bồi lắng, cây cỏ nhiều... nên cũng cần được nâng cấp và mở rộng.

Ngoài ra, trên địa bàn quận 12 có dự án xây dựng cống rạch Cầu Võng, dự kiến bề rộng khoảng 30m thuộc bờ hữu sông Sài Gòn phía nam rạch Tra cũng cần thiết được ưu tiên đầu tư.

Khép kín hệ thống thủy lợi, kết nối đồng bộ giao thông nông thôn

Giai đoạn 2016 - 2020 TP.HCM có 192 công trình, dự án thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó 144 công trình thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới tập trung trên địa bàn 5 huyện (huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ). Đến nay đã triển khai thực hiện hoàn thành 45 công trình và đang triển khai các thủ tục đầu tư 147 công trình.

Trong đó, một số dự án đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng ngăn triều cường, mưa lũ, chống ngập úng như: Công trình thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn (Nam - Bắc Rạch Tra); dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; dự án 5 cống ngăn triều (TP Thủ Đức); dự án cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè…

Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, hiện nay việc đầu tư hệ thống công trình thủy lợi chưa đồng bộ, khép kín, chủ yếu tập trung công trình đầu mối nên chưa phát huy được hiệu quả đầu tư. Quá trình đô thị hóa nhanh đặt ra nhiều yêu cầu mới cho công trình thủy lợi như các dự án phục vụ đa mục tiêu, ngoài tưới tiêu, ngăn lũ thì còn có nhiệm vụ điều tiết ngăn nguồn thải ô nhiễm từ khu dân cư, khu công nghiệp.

Cũng theo Sở này, 12 dự án trên góp phần kiểm soát triều cường, phòng chống thiên tai, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, khép kín hệ thống thủy lợi kết nối đồng bộ với các dự án đã được đầu tư đáp ứng nhu cầu giao thông nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

GS-TS Lê Huy Bá, Khoa Môi trường và Biến đổi khí hậu (Trường Đại học - Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho rằng: Hiện nay, việc chống ngập của TP chưa có sự liên kết và phối hợp giữa các ngành với nhau. Quy hoạch các dự án thủy lợi chống ngập cần dựa trên cơ sở tự nhiên, vùng lưu vực và các yếu tố xã hội chứ không thể theo tư duy làm theo giao thông và làm theo nhà dân.

“Chủ trương làm thủy lợi kết hợp với chống ngập úng là cần thiết, cần được ủng hộ nhưng chúng ta cần làm đến đâu chắc đến đó”, ông Bá nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.