Bạn cần biết

Vì sao trẻ biếng ăn vào mùa hè?

25/05/2017, 09:30

Theo chuyên gia dinh dưỡng, cứ vào hè là số trẻ đến khám, tư vấn biếng ăn và suy dinh dưỡng tăng cao.

18581962_1520081191348834_1029940086176204558_n

Cứ vào hè là số trẻ đến khám, tư vấn biếng ăn và suy dinh dưỡng tăng cao.

Lên 5 tuổi vẫn chỉ 12kg

Ngồi đợi đến lượt khám dinh dưỡng cho con, chị Nguyễn Minh Anh (Ngọc Khánh, HN) thở dài thườn thượt bảo: “Chăm mãi mà bé Anh Thư vẫn còi nhất lớp, trong khi các bạn đều đã 15,16 kg thậm chí 20 kg thì con chị vẫn chỉ dừng chân ở 12 kg. Không những vậy con lại hay ốm vặt, nhìn con mà sốt ruột quá”. Chị Minh Anh cho biết thêm, mỗi bữa cơm bé chỉ chịu ăn cơm với muối vừng, lạc và canh luộc. Bé Anh Thư lắc đầu với tất cả các món ăn khác, do vậy có thể đó là nguyên nhân khiến bé không lớn được.

Tương tự, chị Nguyễn Thùy Linh (Hai Bà Trưng, HN) thường trực nỗi stress mỗi khi đến bữa cơm bởi dù chị cầu kỳ đun nấu, con chị vẫn biếng ăn. Bữa ăn nào cũng kéo dài cả giờ đồng hồ, có ngày bát cơm vữa ra chị đành mang bỏ.

Theo TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) những tháng hè trẻ đến khám và tư vấn biếng ăn và suy dinh dưỡng thường tăng cao đột biến. “Nguyên nhân của tình trạng trẻ biếng ăn đôi khi lại bắt đầu lỗi sai chăm sóc của người lớn. Nhiều gia đình hiện nay vẫn cho con ăn theo kiểu hỗn hợp khiến trẻ rất sợ ăn. Hoặc đôi khi khẩu phần ăn của trẻ đơn điệu quá cũng dễ khiến trẻ chán ăn”, BS. Nga cho biết.

Đặc biệt là vào những ngày hè, thời tiết nóng nực cũng là nguyên nhân khiến trẻ mệt mỏi hơn.

Theo khuyến cáo của BS. Nga, nên cho trẻ ăn riêng từng loại thức ăn, ví dụ trẻ có thể ăn cơm trắng riêng, ăn thịt riêng và rau riêng… Khi trẻ có dấu hiệu không muốn ăn, phải dừng ngay không bắt ép trẻ. Vào mùa hè khi trẻ lười ăn, có thể cho chế biến thực phẩm ở dạng nước, dạng súp. Nhưng không nên ăn loãng quá sẽ không đủ dinh dưỡng. Nếu trẻ không thích ăn cháo thì có thay đổi bằng mỳ, bún, phở cắt vụn.

Bà Nga cũng cho hay, rất nhiều trẻ đến khám vì biểu hiện biếng ăn, suy dinh dưỡng lại bắt nguồn từ việc trẻ thiếu các nhóm vi chất dinh dưỡng cần thiết.

Thiếu vi chất làm trẻ biếng ăn

Theo ThS. BS. Trần Khánh Vân, Phó khoa vi chất (Viện Dinh dưỡng) trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng thấp còi có thể do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có việc thiếu hụt nhóm vi chất dinh dưỡng, điển hình là việc thiếu vi chất kẽm, dễ khiến tới biếng ăn, suy dinh dưỡng và thấp còi. 

BS. Vân lý giải, vi chất kẽm có liên quan tới cấu chức và chức năng của 300 loại enzyme. Nó là thành phần thiết yếu của nhiều protein mà đặc biệt là các protein “ngón tay kẽm” nằm trong nhân tế bào, và có ý nghĩa cho sự điều hòa và phiên mã thành các RNA đưa tin để tạo thành các peptid. Vi chất kẽm góp phần vào quá trình hình thành và phát triển của nhiều cơ quan trong cơ thể như, tạo tế bào máu, tái tạo cấu trúc tim, tạo tế bào mỡ, duy trì tế bào gốc, tái tạo các tế bào thần kinh võng mạc, phát triển phổi sơ sinh…; đồng thời cũng tham gia vào việc điều hòa gien cho việc hình thành các thành phần của xương.

“Thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và chậm phát triển chiều cao. Thiếu kẽm còn gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần làm dễ nổi cáu”, ThS. BS. Trần Khánh Vân cho biết .

Cùng quan điểm, PGS.TS. Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, kẽm là vi chất quan trọng, cần thiết cho việc duy trì sức khỏe và dinh dưỡng của con người. Thiếu chúng, trẻ nhỏ có thể mắc những bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, kết quả điều tra tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em 6-59 tháng do Viện Dinh dưỡng tiến hành năm 2014-2015 cũng cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 80,3%, phụ nữ không có thai 63,6% và trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%.

Bà Mai cũng cho biết, nguyên nhân thiếu kẽm ở trẻ em Việt chủ yếu do hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, tình trạng mắc các bệnh nhiễm khuẩn thường xuyên ở trẻ khiến cho tần suất sử dụng kháng sinh cao. Đây là một nguyên nhân khiến lượng Kẽm trong cơ thể trẻ bị giảm. Thứ 2, do chế độ ăn của trẻ không thường xuyên được bổ sung các thực phẩm giàu Kẽm như hàu, ngao, tôm, cua, các loại thịt như bò, gà, hạt ngũ cốc.

Theo BS.Nga, để biết trẻ có bị biếng ăn do thiếu kẽm hay không thì cần phải làm xét nghiệm máu. Nếu thiếu kẽm, phụ huynh có thể bổ sung kẽm cho trẻ bằng các chế phẩm dinh dưỡng hoặc các thực phẩm giàu kẽm như: Tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng..). Ngoài ra, sữa mẹ cũng là nguồn cung cấp kẽm tốt nhất vì kẽm trong sữa mẹ sẽ dễ hấp thu hơn sữa công thức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.