Y tế

Vì sao trẻ không té ngã nhưng đau chân nhức nhối kéo dài?

06/11/2019, 08:45

Nhiều cha mẹ đưa con đến khám vì bé kêu đau chân, tái diễn trong nhiều tháng mà chiếu chụp không phát hiện gì lạ.

img
Đau tăng trưởng thường bắt đầu từ thời thơ ấu, khoảng 3 hoặc 4 tuổi và có thể đau trở lại ở trẻ em từ 8-12 tuổi (ảnh minh họa)

Theo chia sẻ của BS. Nguyễn Xuân Anh, chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình – Phẫu thuật bàn tay và Vi phẫu tạo hình, BV Quốc tế Sài Gòn, nhiều trường hợp cha mẹ đưa con tới khám vì bé kêu đau chân, nhưng trước đó không té ngã gì. Thậm chí, trình trạng này tái diễn nhiều tháng nhưng thăm khám không phát hiện gì lạ, đã khiến cha mẹ rất lo lắng không biết con mắc bệnh gì.

BS. Xuân Anh cho hay, trường hợp trẻ bị đau chân này còn được gọi là đau do tăng trưởng, có thể là chuột rút, đau nhức cơ bắp. Theo phân tích của bác sĩ, đau tăng trưởng thường bắt đầu từ thời thơ ấu, khoảng 3 hoặc 4 tuổi và có thể đau trở lại ở trẻ em từ 8-12 tuổi. Đau tăng trưởng có thể chỉ đơn giản là đau cơ do các hoạt động chạy nhảy, leo trèo, chơi đùa của các bé vào ban ngày, hoạt động quá tải gây viêm gân cơ. Ở các bé có hoạt động thể thao vận động thể lực cả ngày có khuynh hướng sẽ đau chân nhiều hơn về đêm.

“Nguyên nhân đau có thể giải thích là do sự phát triển của các xương dài vùng sụn tăng trưởng ở gần các khớp kích thích gây đau các phần mềm gân cơ... Đừng nghĩ trẻ giả vờ cơn đau do tăng trưởng ở mỗi người là khác nhau, trẻ có thể đau nhiều hoặc đau ít thậm chí chỉ mỏi chân. Hầu hết đau do tăng trưởng có thể đến và tự hết. Đau này có thể kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm", BS. Xuân Anh cho biết.

Cũng theo BS Xuân Anh, cơn đau thường được cảm nhận vào cuối buổi chiều và buổi tối, ngay trước giờ ăn tối và giờ đi ngủ và sẽ biến mất vào buổi sáng. Nó thường không ảnh hưởng gì đến khả năng chơi thể thao hoặc hoạt động của trẻ. Nhìn chung, đau tăng trưởng được cảm nhận ở cả hai chân, đặc biệt là ở phía trước đùi, mặt sau của chân (bắp chân ) hoặc phía sau đầu gối, cổ chân...

Để chẩn đoán đau tăng trưởng bác sĩ thường phải hỏi kỹ về các triệu chứng đau của bé hiện tại và tiền sử về các cơn đau trước đây của bé. Sau đó, bác sĩ sẽ thăm khám kỹ tình trạng chân bé để loại trừ do các nguyên nhân bệnh lý, chấn thương... Điều quan trọng là phải loại trừ bất kỳ nguyên nhân có thể khác của cơn đau trước khi chẩn đoán là đau tăng trưởng. Nếu trẻ bị đau tăng trưởng thì bác sĩ sẽ không tìm thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào khác của các bệnh lý về xương khớp.

BS. Xuân Anh lưu ý, điều trị đau tăng trưởng phụ thuộc vào mức độ đau của trẻ. Cha mẹ có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn bằng cách xoa bóp chân (lưu ý không dùng dầu nóng, rượu thuốc); Kéo căng cơ chân... Nếu cơn đau không thuyên giảm hãy đưa trẻ đi khám để có thể sử dụng uống thuốc giảm đau thông thường với liều thích hợp cho trẻ.

“Đau tăng trưởng hầu như luôn luôn cảm thấy ở cả hai chân. Đau chỉ ở một chân có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nào đó. Đau tăng trưởng chỉ ảnh hưởng đến cơ bắp chứ không phải khớp và chúng không gây ra khập khiễng hoặc sốt. Do vậy nếu thấy trẻ có dấu hiệu bất thường kèm theo như sốt, ăn mất ngon, đi khập khiễng hoặc đi lại khó khăn, phát ban, khớp sưng (đỏ, ấm, đau), mệt mỏi... nên cho trẻ đến chuyên khoa thăm khám”, BS. Xuân Anh lưu ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.