Hồ sơ tài liệu

Vì sao Triều Tiên hằn học Hội nghị an ninh hạt nhân tại Mỹ?

30/03/2016, 06:12

Ngày mai (31/3), lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ hội đàm về chương trình hạt nhân của Triều Tiên..

Hàn Quốc - Nhật bắt tay giải quyết nỗi lo Triều Ti
Lãnh đạo Hàn Quốc - Mỹ - Nhật Bản sẽ xúc tiến hợp tác an ninh ba bên để giải quyết "nỗi lo" Triều Tiên

Dọa tấn công phủ đầu, đòi hủy hội nghị

Nhà Trắng cho biết: Cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe  sẽ là cơ hội để bàn bạc về phản ứng chung trước mối đe dọa Triều Tiên, xúc tiến hợp tác an ninh ba bên trong khu vực và toàn cầu”.

Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trước đây vốn lạnh nhạt vì các vấn đề lịch sử. Nhưng, trong bối cảnh đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên ngày càng gia tăng khi nước này thực hiện các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân lần thứ tư vừa qua, buộc hai nước phải “bắt tay nhau” cùng tìm cách tăng cường hợp tác quân sự. 

Lâu nay, Mỹ luôn hy vọng và khuyến khích hai đồng minh thân cận tại châu Á này ngồi lại với nhau, hóa giải hận thù và thắt chặt quan hệ hơn để tạo thế kiềng ba chân vững chắc đối phó với không chỉ Triều Tiên mà cả Trung Quốc, củng cố chiến lược xoay trục hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Triều Tiên yêu cầu hủy hội nghị này; Đồng thời tuyên bố sẽ kiên định phát triển lực lượng hạt nhân nếu Mỹ không rút lại chính sách thù địch nhằm vào nước này, theo KCNA ngày 29/3. Bình Nhưỡng cho rằng, hội nghị chỉ tìm cách ngăn cản Triều Tiên tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và lợi dụng hội nghị để tăng cường các biện pháp trừng phạt.

Không những thế, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong tuyên bố sẵn sàng thực hiện một “cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu” để ngăn ngừa các mối đe dọa từ Mỹ. “Nhằm đáp trả những hành động của Mỹ, Triều Tiên đã chuyển quân đội từ trạng thái sẵn sàng đáp trả quân sự sang trạng thái có thể thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu và khẳng định quyết tâm sẵn sàng tấn công bằng hạt nhân”, ông Ri Su Yong nói và khẳng định sẽ vẫn tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ với nòng cốt là lực lượng hạt nhân.

Để chứng minh cho những tuyên bố cứng rắn của mình, 17h40 hôm qua, Triều Tiên tiếp tục phóng một tên lửa tầm ngắn, bay khoảng 200km từ khu nghỉ dưỡng Wonsan ra biển phía Đông nước này.

Thế kiềng ba chân

Học giả Michael Auslin đến từ Viện Nghiên cứu Mỹ nhận định: Là hai cường quốc châu Á, nếu Hàn Quốc - Nhật Bản không hợp tác trong chính sách an ninh sẽ hạn chế mức độ Mỹ có thể tiếp cận toàn diện, kiểm soát rủi ro tại Đông Á. Việc củng cố, duy trì kiềng ba chân Nhật - Hàn - Mỹ là yêu cầu quan trọng với không chỉ chính quyền Tổng thống Obama mà cả với chính quyền kế nhiệm. Có như vậy, Mỹ mới duy trì sự hiện diện sâu sắc và có ý nghĩa tại châu Á; Đặc biệt tại khu vực Đông Á trong bối cảnh Trung Quốc mang tham vọng bá chủ toàn cầu đang trỗi dậy; và vấn đề Triều Tiên đáng ngại...

Ba ưu tiên chính sách mà Chính phủ Mỹ hiện tại và sau này phải thực hiện tại Đông Á: Kiềm chế Triều Tiên, tăng cường an ninh hàng hải, thúc đẩy dân chủ. Ở mỗi thách thức, đều cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản. Học giả Michael Auslin cho rằng: Mỹ nên tận dụng mối quan hệ đang ấm dần lên giữa Seoul và Tokyo để xúc tiến hợp tác an ninh ba bên mở rộng; Chia sẻ thông tin rộng rãi và lập kế hoạch khủng hoảng cho phép ba nước hợp tác chiến lược toàn diện hơn.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ kế nhiệm nên tăng cường tập trận, đào tạo quân sự chống khủng hoảng giữa ba bên Hàn Quốc - Nhật Bản - Mỹ liên quan tới vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Đưa Nhật Bản tham gia tập trận hải quân và không quân Mỹ - Hàn sẽ tăng cường phản ứng trong trường hợp khẩn cấp; Còn đưa Hàn Quốc tham gia trọn vẹn vào chương trình phòng thủ tên lửa giữa Mỹ - Nhật.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân

Từ ngày 31/3 - 1/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ tư tổ chức tại Thủ đô Washington (Mỹ).

Hội nghị được tổ chức hai năm một lần, lần đầu tiên được tổ chức tại Washington năm 2010. Hội nghị năm nay thu hút lãnh đạo hơn 50 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế tham dự, tập trung vào ngăn chặn khủng bố hạt nhân toàn cầu; Bàn bạc, tăng cường cam kết cấp cao nhất về đảm bảo an ninh hạt nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.