Giao thông

Vì sao Uber, Grab báo lỗ cả nghìn tỷ đồng?

02/01/2018, 08:00

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt câu hỏi và yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN có giải pháp quản lý hiệu quả.

IMG_0543

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu quản lý Uber, Grab đúng quy định kinh doanh vận tải hiện hành 

Chiều 2/1, chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Đường bộ VN, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu đơn vị này nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý loại hình Uber, Gbab theo hướng bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải, nhất là đối với taxi truyền thống.

Ông đặt câu hỏi: "Một năm Uber, Grab báo lỗ cả nghìn tỷ đồng, tại sao lỗ? Do trốn thuế, hay để cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống, giảm giá tối đa để ‘giết’ các ông taxi truyền thống? Cạnh tranh thế có bình đẳng không?". Liên quan đến việc Toà án châu Âu phán quyết Uber là dịch vụ vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị phải tham mưu cho Bộ ra chính sách quản lý Uber, Grab đúng quy định, đảm bảo cạnh tranh sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, chống thất thu thuế, đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng loại hình này. 

Chỉ đạo phải có giải pháp quản lý hiệu quả hơn lĩnh vực kinh doanh vận tải khách, Bộ trưởng yêu cầu thiết kế một quy trình, thể chế, phần mềm, công nghệ để người quản lý làm chủ được tình hình, ở bất kỳ đâu cũng có thể biết được bến xe, phương tiện hoạt động ra sao. Ông nói, hệ thống thiết bị giám sát hành trình đã có nhưng nhiều năm sử dụng  chưa thực sự hiệu quả. Nếu phát huy hết các tính năng của thiết bị này, việc quản lý vận tải sẽ tốt hơn.

Ngoài ra, Bộ trưởng gợi mở giải pháp dùng hệ thống camera giám sát toàn bộ hệ thống cầu đường để xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố. "Chúng ta có thể bỏ ra hàng trăm ngàn tỷ để làm đường, tại sao không dám bỏ ra 10 ngàn tỷ trang bị hệ thống camera để giám sát toàn bộ hoạt động, tình trạng của hệ thống đường bộ", ông đặt vấn đề. 

Trước đó, Tòa Công lý châu Âu (ECJ) của Liên minh châu Âu (EU) ra phán quyết Uber là một công ty vận tải thông thường thay vì là một ứng dụng công nghệ, do đó phải tuân thủ các quy định tương tự như một hãng taxi thông thường tại EU.

Trong phán quyết của mình, ECJ có trụ sở ở Luxembourg nhấn mạnh dịch vụ do Uber cung cấp, theo đó kết nối các cá nhân với các tài xế không chuyên, "vốn đã liên quan tới dịch vụ vận tải" và vì thế phải được phân loại là "một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải" trong khuôn khổ luật pháp của EU. Do đó, các nước thành viên có thể quy định các điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ này.

Sau 2 năm “cơn bão” ứng dụng gọi xe Uber, Grab đổ bộ vào Việt Nam và trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của tất cả các hãng taxi truyền thống. Thị trường taxi đã có sự thay đổi lớn, “miếng bánh” thị phần được chia lại, nhiều hãng taxi truyền thống đã tự đổi mới, ứng dụng công nghệ để phục vụ khách tốt hơn.

Tuy nhiên, việc thí điểm cũng bộc lộ rõ hàng loạt những hạn chế, bất cập giữa loại hình ứng dụng gọi xe công nghệ và taxi truyền thống khi cả Grab và Uber đều có các biểu hiện "vượt rào" quy định, số lượng xe tăng đột biến, việc hạ giá chưa được kiểm soát có hay không cạnh tranh không lành mạnh...  

Tại hội nghị “Tổng kết 2 năm thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng” được tổ chức ngày 19/12/2017, Bộ GTVT đã cho biết tới đây sẽ đưa ra các điều kiện quản lý Uber, Grab gần hơn với điều kiện kinh doanh của taxi truyền thống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.