Đường bộ

Vì sao vi phạm nồng độ cồn dịp nghỉ Tết Nguyên đán tăng cao?

26/01/2023, 15:40

Theo số liệu của Bộ Công an, số vi phạm nồng độ cồn phát hiện và xử lý trong 7 ngày nghỉ Tết vừa qua tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tài xế "ma men" bị xử lý tăng 598% so với cùng kỳ

Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, CSGT các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, xử lý 21.990 trường hợp vi phạm; phạt tiền 50,428 tỷ đồng; tạm giữ 639 xe ô tô, 9.910 xe mô tô; 50 phương tiện khác; tước 4.950 GPLX các loại.

img

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

Trong đó, phát hiện, xử lý 7.726 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn (chiếm 35,1% tổng số vi phạm giao thông); so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần, xử phạt tăng 6.620 trường hợp (tăng 598%).

Trước đó, trong gần 2 tháng thực hiện cao điểm (từ ngày 15/11/2022 đến ngày 12/1/2023), lực lượng CSGT toàn quốc phát hiện, xử lý 80.672 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; phạt tiền gần 400 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoảng 15h30 ngày 20/1 (tức ngày 29 Tết), tại đường Ngọc Hồi xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 1 ô tô và 6 xe máy, khiến 8 người bị thương được đưa đi cấp cứu và 7 phương tiện bị hư hỏng.

Hiện trường ghi nhận, xe ô tô thương hiệu Toyota biển kiểm soát 29A-324.xx di chuyển theo hướng về nội thành Hà Nội đã lấn sang phần đường ngược chiều, va chạm với hàng loạt xe máy và chỉ chịu dừng lại khi đâm vào dải phân cách ngăn đường bộ với đường sắt Bắc - Nam.

Tài xế điều khiển ô tô được xác định là anh T.M.Đ (sinh năm 1987, ở Hà Nội). Qua kiểm tra nồng độ cồn, anh Đ. xác định vi phạm ở mức 0,404 miligram/ lít khí thở.

img

Tài xế uống rượu bia to tiếng với CSGT khi bị kiểm tra dịp Tết

Vì sao xử phạt vi phạm nồng độ cồn tăng cao?

Theo các chuyên gia, vấn nạn uống rượu bia lái xe đã gây ra nhiều vụ TNGT, để lại rất nhiều hậu quả đau lòng và trở thành vấn đề gây bức xúc của toàn xã hội.

Thời điểm lễ, Tết, vấn nạn này càng trở nên nhức nhối khi có càng nhiều hơn những cuộc liên hoan, chúc Tết, sum họp, hội hè, tân niên,…

TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi uống rượu bia trước khi lái xe hiện này không phải là thấp, thậm chí ở mức cao so với các nước trong khu vực và phần nào đã đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người cố tình vi phạm, và số liệu 7.726 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn mà lực lượng CSGT toàn quốc xử lý trong 7 ngày nghỉ Tết là minh chứng rõ ràng nhất về vấn nạn này.

TS Hiếu cho biết, tập quán sử dụng nhiều rượu bia trong dịp Tết của người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên ở các địa bàn nông thôn đã khiến vi phạm trên vẫn trở nên phổ biến.

Dù biết nếu bị kiểm tra sẽ bị phạt rất nặng song không ít người vì “ham vui”, “cả nể” vẫn uống và cố tình lái xe, một số người thì “đành phải lái xe” vì không thể gọi được taxi, xe dịch vụ đột xuất trong những ngày Tết.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho biết, bên cạnh thói quen sử dụng rượu bia dịp Tết của người dân, số vi phạm nồng độ cồn tăng cao trong dịp Tết còn bởi sự ra quân tuần tra kiểm soát, xử lý quyết liệt của lực lượng CSGT toàn quốc.

Theo Cục CSGT, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán và lễ hội đầu Xuân là thời gian gia tăng tình trạng sử dụng rượu, bia tham gia giao thông.

Vì vậy, trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu Xuân năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tập trung đẩy mạnh xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, song song với việc thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán.

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không có vùng cấm, không ngoại lệ.

Chia sẻ với báo chí, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết: Lực lượng cảnh sát giao thông đang tập trung vào thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên Đán và mùa lễ hội năm 2023. Trọng tâm của đợt cao điểm này là việc kiểm soát xử lý nghiêm đối với những vi phạm về nồng độ cồn. Đồng thời, Cục cảnh sát giao thông cũng sẽ có các tổ, đoàn đôn đốc việc thực hiện cao điểm này, tập trung vào việc xử lý vi phạm là nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông được Bộ Công an đã chỉ ra, như vi phạm về ma túy, tốc độ, chở quá tải, quá khổ và cơi nới thành thùng xe

Bên cạnh việc xử lý đúng theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Công an cũng giao lực lượng Cảnh sát giao thông ghi lại đơn vị công tác của người vi phạm là công chức, viên chức, Đảng viên, lực lượng vũ trang... để trao đổi với cơ quan, đơn vị, có hình thức xử lý.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn mới chỉ là phần ngọn, quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, phải làm thế nào để tất cả công dân đều ý thức được sự nguy hiểm của việc uống rượu bia lái xe, từ đó hình thành được văn hoá “đã uống rượu bia không lái xe”.

Do đó, bên cạnh biện pháp tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng tính răn đe.

PGS.TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, công tác giáo dục, tuyên truyền rất quan trọng, tập trung vào ý thức, pháp luật, tác hại, nguy hiểm để kỳ vọng sự thay đổi hành vi của người dân, nhưng điều đó cần có thời gian và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau.

Ngoài ra đối với biện pháp cưỡng chế pháp luật, cũng cần có thay đổi. Tại Mỹ hay Châu Âu ban đầu cũng chỉ dừng ở mức phạt tiền vi phạm, sau đó ngày càng thay đổi và siết chặt hơn như: trừ điểm giấy phép lái xe, phạt tù, lao động công ích,…. Ở Việt Nam cũng đang đi theo lộ trình này, chỉ là vấn đề thời gian và thời điểm.

Bên cạnh đó, đối với môi trường sống xung quanh, ngoài kiểm tra ý thức sử dụng rượu bia khi lái xe thì phải kiểm soát cả việc uống. “Chúng ta không cấm, nhưng nếu mọi người có thể uống bất cứ ở đâu, rượu bia cũng bán ở mọi nơi thì vấn đề này vẫn sẽ tồn tại ở mức cao. Hiện nay, thị trường vẫn khuyến khích uống, ví như quảng cáo dịp Tết lúc nào cũng có rượu bia. Chúng ta có thể không cấm nhưng không có nghĩa khuyến khích người tiêu dùng”, PGS.TS Phạm Việt Cường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.