Y tế

Vì sao Việt Nam chưa tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ dưới 18 tuổi?

15/09/2021, 17:12

Theo BS. Trương Hữu Khanh, hiện nay cần ưu tiên tiêm vaccine cho người cao tuổi, bệnh nền và người từ 18+, vì tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 thường nhẹ.

Trẻ em nhiễm Covid-19 thường nhẹ, tỷ lệ trở nặng thấp

Liên quan đến việc tiêm vaccine cho trẻ từ 12-18 tuổi, trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết: "Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay vaccine chưa đủ độ phủ an toàn cho các đối tượng nguy cơ, đặc biệt là với người cao tuổi, người mang bệnh nền.

Trẻ em là đối tượng cuối cùng cần tiêm vaccine Covid-19 bởi trẻ nhiễm Covid-19 thường nhẹ, và tỷ lệ trở nặng hoặc tử vong rất thấp. Hơn nữa, nếu độ bao phủ vaccine của người lớn cao cũng sẽ giảm lây nhiễm bệnh cho trẻ".

img

Tiêm chủng vaccine cho trẻ em (ảnh minh họa)

Ông Khanh lưu ý thêm, nếu trẻ em được tiêm vaccine thì khi mắc bệnh, tải lượng virus trong người thấp và ít có biểu hiện ra bên ngoài hoặc biểu hiện nhẹ, sẽ khó phát hiện kịp thời. Do đó, nếu trẻ mắc Covid-19 lại sống chung với những người lớn tuổi, người có bệnh nền trong gia đình mà chưa được vaccine bảo vệ đủ thì vô tình trở thành nguồn lây bệnh cho đối tượng nguy cơ cao. Điều này rất nguy hiểm.

Do vậy, hiện nay nếu trẻ chưa tiêm chủng thì điều quan trọng là cần phải dạy trẻ các biện pháp phòng ngừa cơ bản, như giữ khoảng cách an toàn, tránh đám đông và tiếp xúc gần, đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên rửa tay.

Còn theo PGS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM, hiện nay các loại vaccine phòng Covid-19 chưa được thử nghiệm đầy đủ ở trẻ em. Đối với trẻ em nói chung, nếu không mắc bệnh nền hay béo phì thì ít nguy cơ diễn tiến bệnh nặng khi mắc Covid-19. Do đó, cần tiêm vaccine cho trẻ em mắc bệnh nền, béo phì.

Ông Dũng cho biết thêm, hiện chúng ta đã và đang tiêm cho người trưởng thành và người lớn tuổi, điều này có thể giúp bảo vệ được trẻ em thông qua miễn dịch quần thể dù trẻ không tiêm. Nếu đã tiêm đủ cho người trưởng thành nhưng trẻ em vẫn có nguy cơ mắc bệnh thì lúc này việc đánh giá lợi ích và nguy cơ của tiêm chủng cho trẻ em là cần thiết để điều chỉnh chiến lược tiêm chủng.

Tiêm phủ hết đối tượng ưu tiên sẽ tính tới tiêm cho trẻ em

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, do điều kiện cung ứng, tiếp cận vaccine của cả thế giới khó khăn, trong đó có Việt Nam nên trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Quyết định 3355 của Bộ Y tế xác định trước mắt tiêm từ người 18 tuổi trở lên.

Tới đây khi vaccine về nhiều và về đầy đủ, lúc đó Bộ Y tế sẽ hướng dẫn tiêm cho đối tượng dưới 18 tuổi.

Trong quý IV năm nay, dự kiến vaccine sẽ về nhiều, trong đó, có vaccine Pfizer (được cấp phép tiêm cho trẻ em). Tuy nhiên, tùy vào lượng vaccine về, vẫn ưu tiên cho những địa phương đang có dịch.

"Vaccine về nhiều sẽ muốn tiêm hết cho các đối tượng để đạt miễn dịch cộng đồng nhưng hiện chúng ta phải chọn đối tượng vì vẫn khó khăn tiếp cận các nguồn cung ứng vaccine và phụ thuộc vào nhà cung ứng.

Khi vaccine về Việt Nam, có hướng dẫn của nhà cung cấp vaccine, Việt Nam sẽ tổ chức tiêm. Theo quy trình của Bộ vẫn phải khám sàng lọc trước, em nào đủ điều kiện sẽ tiêm, em nào chưa đủ điều kiện thì chưa tiêm, hoặc đưa đến cơ sở điều trị để tiêm cho an toàn", ông Tuyên cho biết.

Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, đến trưa 14/9, Việt Nam đã thực hiện được 30,4 triệu mũi tiêm vaccine Covid-19. Trước đó, trong 5 ngày liên tiếp (từ 9-13/9), mỗi ngày đều có hơn 1 triệu mũi tiêm được thực hiện.

Mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 103,4 triệu liều vaccine về Việt Nam. Trong đó, đến hết tháng 9 về khoảng 22,8 triệu liều, tháng 10 về khoảng 31,2 triệu liều, tháng 11 về khoảng 23,9 triệu liều, tháng 12 về khoảng 25,5 triệu liều.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.