Điện ảnh

Vì sao web phim lậu lấn át phim có bản quyền?

19/04/2017, 06:46

Các trang web phim trực tuyến có bản quyền đang dần phát triển tại Việt Nam.

18

Nhiều trang phim có những gói dịch vụ cho khách hàng lựa chọn

Chi hàng triệu đô cho bản quyền phim

Thời gian gần đây, thị trường phim trực tuyến Việt trở nên sôi động hơn nhờ sự xuất hiện của hàng loạt đơn vị đầu tư cho bản quyền phim trực tuyến như: Film+ (thuộc Galaxy), Danet (thuộc BHD), Netflix (Mỹ), Iflix (Malaysia), Clip TV (Vega Corp)… Sự ra đời của các trang phim trực tuyến có bản quyền mang tới hy vọng về một sự thay đổi trong ý thức của người dùng trên mạng internet về vấn đề bản quyền, cũng là tín hiệu tích cực cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và thế giới. Hầu hết các đơn vị đều chấp nhận bỏ ra một khoản phí không nhỏ để duy trì và phát triển các trang web này, cũng như tìm mọi cách để thu hút người dùng về trang phim của mình. Đại diện Clip TV hé lộ, đơn vị này đã bỏ ra hàng triệu đô la để chi cho bản quyền nội dung. Clip TV có kho nội dung đa dạng với những video clip được dịch phụ đề hoặc thuyết minh tiếng Việt, cùng giá gói chỉ 50.000 đồng/tháng, cho phép người dùng đăng nhập trên 4 thiết bị khác nhau, ngoài cung cấp phim, còn cung cấp hơn 100 kênh truyền hình của Việt Nam và thế giới.

Trong khi đó, BHD cũng chơi trội khi ký kết với hàng loạt studio và hãng phim hàng đầu thế giới như: Paramount, Fox, Disney và NBC (Mỹ), các hãng phim hàng đầu châu Á hoặc của Hàn Quốc như: SBS, KBS, MBC… để giới thiệu các phim mới sản xuất trong năm cùng ngày ra mắt ở Mỹ hoặc khu vực trên cùng hệ thống VOD (video theo yêu cầu). Danet cũng có dịch vụ cho thuê một số phim điện ảnh đang hot, mới chiếu rạp hoặc chưa từng ra rạp ở Việt Nam với mức giá chỉ 12.000 - 25.000 đồng/phim. Hệ thống Film+ cũng có kho phim khoảng hơn 1.000 bộ phim gồm nhiều phim mới và người dùng chỉ cần trả phí khoảng 37.500 đồng/tháng. Iflix có các bộ phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng trong nước và quốc tế, các TV show ăn khách nhất hiện nay của Hollywood, châu Á và Việt Nam; Netflix sở hữu nhiều phim lẻ, phim truyền hình Mỹ mới nhất… Ở các trang phim này, người dùng có thể trả phí bằng nhiều hình thức như thẻ ATM, thẻ cào điện thoại, thẻ tín dụng quốc tế…

“Cuộc chiến” không cân sức với web phim lậu

Tuy vậy, trong thời buổi các trang phim lậu vẫn tồn tại khá nhiều, cộng với thói quen “xài chùa” phổ biến như hiện nay, sự tồn tại của thị trường VOD trở nên khó khăn hơn, mặc dù với các trang trực tuyến có bản quyền, người dùng sẽ được xem những bộ phim bom tấn mới nhất trên thế giới, phim chiếu ngay khi ra rạp… với chất lượng đẹp, ít bị quảng cáo làm phiền và không sợ bị tấn công, tước đoạt thông tin cá nhân với các loại virus cài đặt như ở các trang phim lậu.

Thế nhưng, trong Top 50 website có lượng truy cập lớn nhất ở Việt Nam (thống kê của Alexa) không có sự xuất hiện của các website phim có bản quyền, trong khi đó, các website phim lậu xếp thứ hạng khác cao như: Phimmoi.net  đứng thứ 22, Bilutv.com xếp thứ 42 và phimbathu.com đứng thứ 43. Còn với những trang phim có bản quyền, số lượng thuê bao dùng thử rất lớn (khoảng hơn 100 nghìn), nhưng thuê bao trả phí thực sự chưa đáng kể. Theo thống kê của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) tại Việt Nam, hiện có khoảng 200 trang phim online vi phạm bản quyền. Đây là con số khá lớn so với số lượng trang phim có bản quyền.

Theo luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Hãng luật SB Law, việc xử lý các website phim lậu hiện nay không triệt để vì nhiều lý do, như xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường internet rất khó khăn, cũng như các chủ thể chưa quyết liệt trong việc bảo vệ các quyền của mình. Luật sư cho rằng, trong thời gian tới, Bộ luật Hình sự năm 2015 sau khi được sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành thì chế tài áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan sẽ nghiêm khắc hơn. Từ đó, xử lý được triệt để các hành vi vi phạm tại Việt Nam. 

Để cạnh tranh với những web phim lậu, các hệ thống VOD cũng không ngừng nâng cấp và cập nhật phim mới. Trong hệ thống Danet, năm 2016 có khoảng 1.500 giờ phim trong phim gói, dự kiến năm 2017 khoảng 2.000 giờ phim. Với phim lẻ hiện có khoảng 600 giờ phim, cập nhật từ 10 - 20 giờ phim/tháng. Trong khi đó, Clip TV cũng cập nhật từ 50 - 200 giờ phim/tháng tùy giai đoạn.

Hiện tại, MPA đang theo dõi chặt chẽ khoảng 60 trang web có tỷ lệ vi phạm lớn. MPA cũng đang nỗ lực làm việc với cơ quan chức năng để nhờ khuyến cáo các đơn vị dừng quảng cáo trên các trang web vi phạm, tiến tới làm việc với các kênh thanh toán để ngăn chặn việc thanh toán trên các trang xem phim lậu. Theo ông Châu Quang Phước, đại diện truyền thông của Danet, việc ngăn chặn các trang xem phim lậu là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà các nhà đầu tư loại hình VOD tại Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ. Chuyện kiện tụng bản quyền tại Việt Nam rất nhiêu khê về các thủ tục liên quan, chỉ khi nào lớn chuyện hoặc cần gom đủ chứng cứ các đơn vị mới kiện. Do đó trước mắt, các đơn vị phải tập trung hoàn thiện nội dung kênh sao cho đa dạng và hấp dẫn nhất có thể để thu hút người dùng một cách thuyết phục. “Còn một chặng đường dài để thay đổi thói quen người dùng trong nước”, ông Phước đánh giá.

Còn ông Phan Thanh Giản, Giám đốc điều hành Clip TV cho rằng, đơn vị của ông xác định dịch vụ này sẽ khó khăn và tốn kém nên cần có hướng đầu tư lâu dài từ 3 năm trở lên. Với sản phẩm tốt, trải nghiệm tốt và nội dung phong phú, người dùng sẽ không ngại chi trả với một số tiền rất nhỏ. Tuy nhiên, cần sự hỗ trợ quyết liệt từ cơ quan Nhà nước, có hình thức chế tài để hạn chế sự phát triển của các trang phim lậu, tạo điều kiện cho các dịch vụ bản quyền có cơ hội hơn. Về phía khách hàng, cần có tư duy tôn trọng bản quyền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.