Vận tải

Vì sao xe cố định không vào bến vẫn có lệnh xuất bến?

31/03/2023, 14:46

Xe tuyến cố định không vào bến vẫn có lệnh xuất bến là hồi chuông cảnh báo về sự quản lý lỏng lẻo hoạt động vận tải tại một số địa phương.

Báo Giao thông vừa đăng tải bài viết: “Nghịch lý xe tuyến cố định không vào bến vẫn có lệnh xuất bến” phản ánh việc xe khách tuyến cố định của nhà xe Vân Anh ngày 29/3, sau khi đón khách tại Văn phòng đại diện ở 40 Lê Hoàn (TP Thanh Hoá) đã đi thẳng ra Hà Nội mà không vào bến xe phía Bắc Thanh Hoá để đóng lệnh xuất bến theo quy định.

img

Xe khách BKS 36F - 003.09 của nhà xe Vân Anh đi thẳng qua Bến xe phía Bắc Thanh Hoá về Hà Nội mà không vào bến đóng lệnh vận chuyển nhưng khi vào Bến xe Nước Ngầm, tài xế lại xuất trình lệnh vận chuyển đã được đóng dấu "Xe xuất bến" của Bến xe phía Bắc Thanh Hoá

Thế nhưng, khi về tới Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), tài xế vẫn xuất trình lệnh vận chuyển có đóng dấu xuất bến của Bến xe phía Bắc Thanh Hoá.

Một chuyên gia giao thông nhìn nhận: Có 2 lý do để giải thích cho việc vì sao không vào bến, xe tuyến cố định vẫn có lệnh xuất bến.

Thứ nhất, có thể do nhà xe đã làm giả con dấu của bến xe và tự đóng lệnh để làm cơ sở “thông đường” khi có lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát.

Thực tế, đã có trường hợp tương tự xảy ra. Hồi tháng 8/2022, Báo Giao thông cũng từng có bài viết phản ánh một nhà xe chuyên vận tải hành khách tuyến cố định Đắk Lắk - TP.HCM và ngược lại đã sử dụng con dấu giả tự đóng lệnh xuất bến (cả bến đi và bến đến) cho chính các phương tiện của mình dù không vào bất cứ bến xe nào.

Lãnh đạo Bến xe Ngã Tư Ga (TP.HCM) sau đó cũng xác nhận, con dấu “ĐỘI BẢO VỆ” mà nhà xe này dùng đã là con dấu cũ, không còn sử dụng khi từ năm 2021, bến xe Ngã Tư Ga đã đổi con dấu xác nhận xuất bến là con dấu của“ĐỘI ĐIỀU HÀNH”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho biết, cũng không loại trừ trường hợp nhà xe Vân Anh đã được Bến xe phía Bắc Thanh Hoá đóng dấu xuất bến vào lệnh vận chuyển trước khi thực hiện chuyến đi. Nếu vậy, cả nhà xe và bến xe đã “cấu kết” thực hiện sai quy định trong kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, Nghị định quy định: Tuyến cố định phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách. Đơn vị kinh doanh bến xe khách cung cấp các dịch vụ hỗ trợ vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định đúng nội dung hợp đồng đã ký kết; kiểm tra việc thực hiện điều kiện đối với xe ô tô, lái xe và xác nhận vào Lệnh vận chuyển; chỉ cho xe vận chuyển hành khách xuất bến nếu đủ điều kiện.

Việc nhà xe Vân Anh không đưa phương tiện vào bến trước khi xuất bến đã vi phạm quy định “Tuyến cố định phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách”.

Bến xe phía Bắc Thanh Hoá đã không thực hiện trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra phương tiện, tài xế có đủ điều kiện để thực hiện chuyến đi hay không. Điều này đã tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cho phương tiện, hành khách và người tham gia giao thông khác.

Đáng nói là, việc nhà xe Vân Anh vẫn đón/trả khách tại Văn phòng đại diện 40 Lê Hoàn (TP Thanh Hoá) thay vì vào Bến xe khách phía Bắc Thanh Hoá theo đăng ký chính là một biểu hiện của vấn nạn bến cóc, xe dù mà Bộ GTVT, các Sở GTVT địa phương cùng các lực lượng chức năng đang rốt ráo triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt, mang lại môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, công bằng cho các đơn vị kinh doanh vận tải.

Rõ ràng, dù lý do xe tuyến cố định nhà xe Vân Anh không vào bến nhưng có lệnh xuất bến là gì, cơ quan quản lý địa phương mà trực tiếp là Sở GTVT, lực lượng thanh tra Sở đều cần vào cuộc quyết liệt để kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.

Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng xe dù, bến cóc và siết chặt công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, nhất là trong giai đoạn đang phục hồi hoạt động kinh doanh vận tải sau Covid-19 hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.