Giao thông

Vì sao xe Limousine hoạt động trái phép vẫn ngày một nở rộ?

21/11/2019, 09:45

Xe Limousine cạnh tranh không lành mạnh với xe tuyến cố định, vì sao xe hoạt động trái phép vẫn ngày một phát triển?

img
Ông Nguyễn Văn Quyền trao đổi tại buổi tọa đàm của Báo Giao thông - Ảnh Khánh Linh

Loại hình dịch vụ vận tải khách bằng xe Limousine nở rộ đang khiến nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến cố định phản ứng quyết liệt. Gần đây, 11 doanh nghiệp vận tải có xe chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh đã gửi đơn kêu cứu Chính phủ, Bộ GTVT có giải pháp với các xe hợp đồng trá hình Limousine đang hoạt động bất hợp pháp, "lấn sân", tranh giành khách... khiến họ có nguy cơ phá sản.

Mặc dù gặp phản ứng mạnh mẽ từ các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định nhưng xe Limousine vẫn đang xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố lớn và được nhiều người sử dụng.

Trước những ý kiến trái chiều về hoạt động của loại hình vận tải mới này, Báo Giao thông đã có buổi phỏng vấn trường quay về chủ đề “Quản hay cấm xe hợp đồng trá hình Limousine” với ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN vào chiều ngày 20/11.

Xe bỏ bến ngày càng nhiều

Thưa ông, một trong những vấn đề “nóng” trong hoạt động vận tải hiện nay là xe hợp đồng đang cạnh tranh không lành mạnh với xe khách tuyến cố định. Hiệp hội vận tải đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, kinh doanh vận tải phát sinh nhiều vấn đề, tranh chấp phân khúc thị trường giữa xe tuyến cố định và xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe Limousine diễn ra gay gắt. Các doanh nghiệp tuyến cố định nhiều lần kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước phải đảm bảo công bằng, minh bạch trong kinh doanh, giảm ùn tắc giao thông. Tôi cho rằng đây là những kiến nghị, đề xuất chính đáng.

Hiệp hội Vận tải ô tô VN đã có kiến nghị những giải pháp để giải quyết bước đầu tình trạng này khi sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh danh vận tải. Tuy nhiên, để quản lý triệt để hơn theo tôi phải chờ đến khi sửa Luật GTĐB năm 2008. Chính phủ đã có chỉ đạo sớm sửa Luật này.

Vẫn đang còn nhiều tranh cãi trong việc định danh xe Limousine? Ông có cho rằng loại xe này đang mượn danh xe hợp đồng để chở khách theo tuyến cố định?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Hiện xe hợp đồng có hai dạng. Thứ nhất là các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định xe hợp đồng, bên vận tải ký hợp đồng với người có nhu cầu thuê cả chuyến xe và có danh sách hành khách. Dạng thứ 2 doanh nghiệp không thực hiện đúng theo bản chất của xe hợp đồng, gom khách lẻ, đón trả khách trong các tuyến phố.

Theo quy định của Luật GTĐB và các thông lệ quản lý lâu nay, bản chất của xe hợp đồng đó là hợp đồng giữa bên thuê vận tải và doanh nghiệp, cá nhân có xe theo hình thức hợp đồng, đáp ứng vận tải khách theo đoàn, thuê nguyên chuyến xe như phục vụ đi đám cưới hỏi, tham quan, nghỉ mát, khám chữa bệnh. Còn vận tải khách theo tuyến cố định đó là phục vụ khách lẻ, thông qua các đầu mối vận tải là các bến xe và đón trả khách tại bến.

Do điều kiện phát triển của công nghệ và nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ đầu tư phương tiện 16 chỗ ngồi, sau đó cải tạo thành xe 9 chỗ hay 12 chỗ và sử dụng giải pháp kết nối thông quan mạng, điện thoại đón khách len lỏi trên các tuyến phố. Từ đây, phân khúc thị trường tuyến cố định bị vận tải xe Limousine tranh chấp, trong khi đó quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong quản lý loại hình này.

Trong khi doanh nghiệp tuyến cố định chịu sự quản lý bởi nhiều điều kiện kinh doanh chặt chẽ thì xe hợp đồng do hoạt động phân tán, chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể nên điều kiện kinh doanh lỏng lẻo. Điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa xe tuyến cố định và xe hợp đồng bấy lâu nay.

Nhiều doanh nghiệp tuyến cố định đã bỏ bến, cắt giảm đầu xe do lượng khách giảm. Lái xe phải tìm nhiều giải pháp bù đắp cho sự sụt giảm bằng việc đón khách dọc đường, phát sinh mất trật tự ATGT.

img
Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng sửa Luật Giao thông đường bộ mới giải quyết triệt để các bất cập trong vận tải khách hiện nay - Ảnh Khánh Linh

Xe được người dân ưa thích, vì sao lại cấm?

Doanh nghiệp, người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Xe Limousine được hoán cải từ xe 16 chỗ xuống 9 chỗ, dịch vụ tiện nghi đem lại sự thoải mái cho khách, vì sao chúng ta không tạo điều kiện cho nó phát triển mà lại đưa ra nhiều rào cản và cuối cùng thì xuất hiện tình trạng núp bóng xe hợp đồng như hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Đúng là phương tiện có quyền hoán cải, tuy nhiên xe Limousine hoạt động không đúng trong theo quy định vận tải khách theo hợp đồng như tôi đã phân tích ở trên. Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính đã có quy định xử phạt đối với các hành vi này. Việc làm trái pháp luật thì phải xử lý nghiêm mới duy trì được trật tự.

Đối với cá nhân người sử dụng dịch vụ, họ nhìn nhận đây là loại hình có nhiều ưu điểm, thuận tiện trong đi lại nên họ lựa chọn.

Mỗi người đứng ở một góc độ nên sẽ có cách nhìn khác nhau. Nếu đứng ở góc độ người sử dụng thì loại hình này tiện lợi, tiện nghi, chất lượng cao vì đưa đón tại nhà.

Còn đứng ở góc độ quản lý trật tự vận tải, ATGT, bình đẳng trong kinh doanh thì lại thấy nhiều bất cập cần phải có giải pháp quản lý loại xe này. Ví dụ, chúng ta đang hạn chế xe đưa đón khách vào nội đô, nếu buông lỏng cho xe Limousine đón trả khách trong nội thành thì quá tải, ùn tắc. Nếu không quản lý chặt điều kiện kinh doanh vận tải thì tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao. Thực tế vừa qua, loại xe này gây nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Muốn giải quyết công bằng, bình đẳng, đảm bảo trật tự cần phải có giải pháp quản lý. Tuy nhiên đây là vấn đề phức tạp, để giải quyết hài hòa yêu cầu của thị trường và yêu cầu của nhà nước đảm bảo lợi ích chung của xã hội cần nghiên cứu kỹ.

Hiệp hội Vận tải ô tô VN có nắm được hiện nay trên toàn quốc có bao nhiêu xe Limousine đang hoạt động?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Loại hình này chỉ phổ biến ở các đô thị lớn. Tại các địa phương, tùy thuộc vào nhu cầu nên phát triển mức độ khác nhau. Chúng tôi không có chức năng yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo số lượng. Cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa có số liệu cụ thể do đối tượng này kinh doanh nhỏ lẻ nên không có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, các Sở GTVT sẽ nắm được số lượng xe Limousine trên địa bàn vì họ là nơi cấp phù hiệu, đăng ký kinh doanh.

Xe hợp đồng vi phạm nhiều lần phải bị rút phù hiệu

Ông nhìn nhận thế nào về bất bình đẳng trong điều kiện kinh doanh giữa hai loại hình tuyến cố định và xe hợp đồng? Ông có đề xuất gì để quản lý hai loại hình này?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa hai loại hình này là quy định với xe kinh doanh tuyến cố định quá chặt chẽ, quy định với xe hợp đồng lại rất lỏng lẻo. Vì vậy, cần nới lỏng điều kiện xe tuyến cố định và tăng cường quản lý xe hợp đồng để điều kiện hai loại hình tương đồng nhau.

Đối với xe chở khách tuyến cố định, các địa phương cần sớm khảo sát cắm biển dừng đỗ đón trả khách cho xe tuyến cố định. Hiện nay, nhiều địa phương không thực hiện, dẫn đến xe tuyến cố định ra khỏi bến phải đón trả khách dọc đường theo yêu cầu của hành khách, gây mất ATGT. Hiện nay, hầu hết các địa phương chuyển bến xe ra xa trung tâm, trong khi không có phương tiện trung chuyển khách đến bến, xe lại không được bắt khách dọc đường nên rất khó khăn. Không có khách nên các doanh nghiệp phá rào vi phạm nhiều, khiến trật tự ATGT không được đảm bảo. Một giải pháp khác cần tính đến đó là những tuyến vận tải tuyến cố định có cự ly dưới 200 km, có tần suất lớn như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Bình, Hà Nội - Nam Định nên chuyển thành các tuyến xe buýt với điểm dừng đón trả khách và phương tiện phù hợp.

Đối với xe hợp đồng, cần căn cứ vào dữ liệu từ thiết bị GSHT để quản lý, xử phạt, rút phù hiệu. Qua thiết bị này có thể phát hiện những phương tiện có tần xuất đón trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại ở những điểm trên cùng một hành trình thì đây là bằng chứng cho thấy xe này đang lách luật, hoạt động sai bản chất xe hợp đồng.

Thời hạn cấp phù hiệu cho xe hợp đồng là 7 năm là quá dài, cần giảm xuống còn 1 - 2 năm. Khi doanh nghiệp đổi phù hiệu, cơ quan quản lý sẽ rà soát trên cơ sở dữ liệu GSHT, nếu có vi phạm phải xử lý trước khi cấp phù hiệu mới, nếu vi phạm nhiều lần phải có giải pháp mạnh hơn.

img
Xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe Limousine hoạt động như xe tuyến cố định đang rất phổ biến - Ảnh minh họa

Quản hay cấm?

Một độc giả cho biết họ thường xuyên đi xe Limousine từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Xe 4 chỗ đến đón tại nhà rồi đưa khách ra văn phòng của nhà xe,lên xe Limousine ra Hà Nội và xuống xe tại một điểm đỗ ở bến xe Nước ngầm. Độc giả này hỏi xe Limousine mà họ đi có vi phạm quy định về vận tải không, có phải xe bất hợp pháp không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Đối chiếu các quy định vận tải thấy rằng, cách thức vận chuyển trên không phải là vận tải khách theo tuyến cố định, cũng không phải theo hợp đồng. Bởi nếu là tuyến cố định một trong những đặc điểm là xuất phát từ bến xe và kết thúc ở bến. Nếu lái xe biện minh là xe hợp đồng, Thanh tra GTVT kiểm tra các căn cứ như về hợp đồng, giấy phép kinh doanh, phù hiệu, hợp đồng, phương tiện, giấy phép lái xe… để xử lý theo nội dung vi phạm thực tế.

Có ý kiến cho rằng, gọi xe Limousine là xe hợp đồng “trá hình” là không đúng, vì nếu vi phạm thì loại xe này không thể hàng ngày hoạt động công khai trên đường được, quan điểm của ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Tôi cho rằng, dùng từ xe “hợp đồng trá hình” là đúng. Vì theo quy định quản lý hoạt động vận tải hiện nay đã định nghĩa rõ loại hình kinh doanh vận tải hợp đồng có các yếu tố như: bên cung cấp và sử dụng dịch vụ vận tải ký hợp đồng với nhau, hợp đồng thể hiện địa điểm, thời gian đi lại và chờ đợi, hành trình, giá cả, danh sách hành khách… Trên hành trình, lái xe phải cầm theo hợp đồng, danh sách hành khách. Trong khi đó, xe Limousine chỉ là “trá hình” hợp đồng vì giữa bên nhận vận tải và hành khách không có hợp đồng, các hành khách trên xe là khách lẻ không phải cùng một đoàn.

Việc xử lý vi phạm thuộc trách nhiệm thanh tra, CSGT, nếu họ kiểm tra sẽ phát hiện và xử lý được vi phạm.

Theo ông nên cấm hay đưa vào quản lý loại xe này để đa dạng hóa các phương thức vận tải phục vụ hành khách?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Tôi cho rằng cấm hay cho phép phát triển loại hình vận tải trên phụ thuộc ý chí Nhà nước. Bởi có hai luồng ý kiến đối với loại hình vận tải này. Bên ủng hộ cho rằng đây là quyền kinh doanh của doanh nghiệp và cũng phù hợp nhu cầu của người dân, ý kiến ngược lại cho rằng cần cấm để đảm bảo công bằng trong vận tải khách bằng ô tô, không nên để loại hình trên dẫn dắt, định hướng quản lý.

Việc lựa chọn là của cơ quan có thẩm quyền trên cở sở phân tích ý kiến để cân nhắc, lựa chọn.

Đây là vấn đề phải bàn thảo để xác định rõ trong quá trình xây dựng quy phạm pháp luật liên quan đến vận tải khách bằng ô tô. Và sau khi đã đưa ra hành lang pháp lý cho các loại hình vận tải thì quản lý kinh doanh vận tải tuân thủ theo đúng khuôn khổ quy định đó.

Từ sự xuất hiện của loại hình xe limousine cũng cho thấy vận tải khách ô tô cố định cần phải đổi mới để tiện cho khách, sản phẩm đa dạng để phù hợp với khả năng thanh toán. Không thể chỉ một sản phẩm đơn điệu là: vận chuyển giữa hai đầu bến, phương tiện 30- 40 ghế. Vận tải tuyến cố định cũng phải nghiên cứu thị trường để đáp ứng.

Giám sát bằng công nghệ mới giảm được vi phạm

Đối chiếu với quy định về vận tải hành khách theo hợp đồng thì xe limousine vi phạm, song việc xử lý vi phạm không hiệu quả. Theo ông cần giải pháp gì?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Bản thân cách thức hoạt động của xe limousine tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về TNGTdo nhu cầu phải chạy nhanh đến nhiều địa điểm để tiếp cận hành khách nhanh nhất, để cạnh tranh giữa các xe Limousine với nhau, để rút ngắn thời gian hành trình, quản lý lái xe lỏng lẻo.

Để xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải nói chung, nếu chỉ dựa vào lực lượng chức năng trên đường để kiểm tra, xử lý trực tiếp sẽ không hiệu quả. Bởi xe hoạt động gần như 24/24h, còn lực lượng chức năng thì không đủ để bố trí suốt ngày đêm. Giải pháp tốt nhất và khả thi nhất, cũng mà các nước khác, đang sử dụng là dùng công nghệ để giám sát vi phạm.

Chừng nào chưa áp dụng công nghệ để ghi nhận vi phạm, xử phạt nguội, cũng như xây dựng cơ chế khuyến khích thực hiện tốt quy định, chấn chỉnh nghiêm doanh nghiệp, lái xe vi phạm thì giải pháp khả thi nhất là nhanh chóng áp dụng công nghệ ghi nhận, xử phạt nguội với GTVT nói chung, trong đó có xe hợp đồng.

Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.