Xem - ăn - chơi

Vì yêu quý Bác, tôi chọn bút danh Hồ Phương

20/06/2016, 14:48

Nhà văn Hồ Phương, tác giả của Cỏ non, Thư nhà… là nhà văn Quân đội đầu tiên được phong Tướng.

Hồ Phương 1

 

Không chỉ gặp Bác Hồ, nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương còn được nhiều lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có lúc tại chiến trường Điện Biên Phủ, có khi trên đường hành quân và cả khi đất nước đã thống nhất. Mỗi lần được tiếp xúc với Tổng Tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam đều gợi lên trong tâm trí nhà văn Hồ Phương hình ảnh bình dị, gần gũi của một vị Đại tướng nhân dân.

“Lúc tôi 16 tuổi, đang đi học, tình cờ thấy phía trước đường ùn tắc. Khi nghe mọi người bảo đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi thích quá nên láu cá chen lên trên. Ông nhìn tôi hỏi: Chú là học sinh à? Chú học trường nào? Em học Trường Bưởi. Chú đi đâu thế? Tôi trả lời: Cũng đi như anh. Đi cứu nước! Đại tướng nghe vậy vỗ vai tôi và bảo: Được! Được”, nhà văn nhớ lại.

Hơn 60 năm cầm bút, qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, bây giờ khi đã ở tuổi 85, nhà văn Hồ Phương vẫn còn viết. Ông bảo, sức mạnh để mình vừa chiến đấu vừa viết chính là sự lãng mạn.

“Cái lãng mạn nhưng rất trong sáng. Lãng mạn để chết vì Tổ quốc”, nhà văn Hồ Phương nói.Ông còn bảo rằng, viết bao nhiêu mà như vẫn chưa đủ trả nợ cuộc đời. Món nợ vẫn còn với đồng đội, với đồng bào luôn canh cánh trong lòng. 

Lần thứ hai, tác giả truyện ngắn Cỏ non gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào lúc đơn vị đang làm nhiệm vụ mở đường để các lực lượng kéo pháo tập kết lên các quả đồi tại Điện Biên.

“Khi tôi đang đứng chỉ huy anh em làm đường thì thấy một chiếc xe Zeep dừng lại, một số người bước xuống xe, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cử chỉ thăm hỏi, động viên thân mật của Đại tướng với bộ đội khiến cho các chiến sĩ cảm thấy ấm lòng. Đại tướng hỏi đơn vị nào đây, tôi báo cáo là đơn vị Đại liên cao xạ 387, Đại tướng đề nghị được gặp đồng chí chính trị viên. Thấy tôi, Đại tướng ồ lên như người quen gặp lại. Tôi báo cáo tình hình đơn vị với Đại tướng, tư tưởng bộ đội rất tốt. Để giữ vững được tinh thần đó, trước hết chính trị viên phải có bản lĩnh vững vàng, thấy địch ném bom không bỏ chạy, địch bắn pháo không kinh hoàng, mình phải giữ vững lập trường thì chiến sĩ sẽ làm theo. Nghe đến đó, Đại tướng cảm thấy yên tâm về tinh thần chiến đấu của đơn vị. Ông lên xe đi rồi mà chúng tôi vẫn đứng dõi theo Đại tướng cho đến khi chiếc xe dần khuất hẳn vào trong rừng”, nhà văn Hồ Phương kể.

Sau này hòa bình lập lại, thi thoảng ông vẫn hay cùng với Đại tướng ngồi bàn luận văn chương.

“Đại tướng là người lãng mạn và rất hiểu văn thơ. Mỗi khi tôi xuất bản một cuốn sách, Đại tướng đều gọi đến hỏi thăm. Có lúc Đại tướng nói với tôi rằng, nghề văn cũng tỉ mỉ, vất vả không kém gì nghề quân sự của chúng tôi đâu”, nhà văn nói.

Chính vì thế, trong phòng làm việc của mình, ngoài bức ảnh chụp chung với vợ dưới bức tượng Nữ thần tự do, bức ảnh nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và một bức tranh do ông vẽ với tên gọi Vượt Trường Sơn đi chống Mỹ, nhà văn Hồ Phương còn treo một tấm ảnh ông chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Ngoài bốn bức này, tôi không treo bất kỳ thứ gì khác. Bởi đó là những con người, những kỉ niệm không bao giờ có thể quên trong cuộc đời tôi”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.