Đô thị

Vỉa hè lát đá 70 năm nhanh chóng xuống cấp: Trách nhiệm thuộc về ai?

09/12/2020, 15:35

Sở Xây dựng Hà Nội có ý kiến chính thức về tình trạng nhiều tuyến vỉa hè nhanh chóng xuống cấp khiến dư luận bức xúc trong thời gian qua…

img

Nhiều tuyến vỉa hè của Hà Nội nhanh chóng xuống cấp chỉ sau 2 - 3 năm lát đá. Trong ảnh, vỉa hè trước khu vực số 811 đường Giải Phóng, Hà Nội

Trách nhiệm chính thuộc về quận, huyện

Liên quan đến tình trạng xuống cấp của nhiều tuyến vỉa hè trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua, sáng nay (9/12), trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, Thành phố giao cho Ban QLDA các quận làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án, tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị nhà thầu từ bước khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công và xây dựng công trình.

Để nâng cao hiệu quả chỉnh trang vỉa hè, năm 2019 Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị” kèm theo Quyết định số 1303. Song, đây chỉ là khung sườn để các quận, huyện có cơ sở vận dụng.

Việc sử dụng loại đá nào để thi công (đá marble, Granite, gạch Terrazzo, gạch block tự chèn) là do quận, huyện lựa chọn dựa trên quá trình khảo sát thực tế. Dựa trên địa hình đặc thù từng khu vực, có thể tăng hoặc giảm độ dày của đá lát để đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội)

Do vậy, trách nhiệm chính trong việc thi công, vận hành vỉa hè thuộc về các quận, huyện. Trong đó, phòng Quản lý đô thị là cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu và đôn đốc việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng lát hè trên địa bàn quận đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình theo quy định.

Trước câu hỏi Sở Xây dựng Hà Nội có vai trò gì trong quản lý chất lượng vỉa hè, ông Huy cho biết, với nhiệm vụ được thành phố giao, từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Xây dựng Hà Nội, trực tiếp là Chi cục Giám định xây dựng đã tổ chức kiểm tra 21 dự án lát hè trên địa bàn 4 quận: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình.

Tuy nhiên, vị này cho biết, công tác kiểm tra của Chi cục được tiến hành vào thời điểm công tác lát hè đang thi công, phát hiện tồn tại nào sẽ yêu cầu quận, huyện chỉ đạo khắc phục ngay để đảm bảo chất lượng. Còn việc giám sát thi công, nghiệm thu chất lượng công trình là do các đơn vị thuộc quận (Phòng Quản lý đô thị, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị).

“Quá trình quản lý chất lượng thi công vỉa hè còn có sự tham gia của Thanh tra Sở Xây dựng, song, quá trình thanh tra thường diễn ra theo kế hoạch. Thêm đó, các cơ quan thuộc Sở thường thanh, kiểm tra ở các dự án lớn, bao quát từ hạ tầng, đường sá, cấp thoát nước. Việc kiểm tra từng tuyến vỉa hè cụ thể mỗi năm chỉ có thể tiến hành trên vài chục dự án, không thể bao quát hết các tuyến đường trên toàn thành phố”, ông Huy nói.

Ông Huy cũng khẳng định, các dự án thi công lát đá chỉnh trang vỉa hè từ đầu năm 2019 đến nay, Chi cục Giám định xây dựng đã kiểm tra, đôn đốc, khắc phục được rất nhiều bất cập so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên, chất lượng có tốt hay không? Vị này thừa nhận không dám khẳng định bởi quá trình nghiệm thu, giám sát do phía quận, huyện đảm nhiệm.

Thông tin thêm, lãnh đạo Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, nhằm nâng cao chất lượng chỉnh trang vỉa hè, năm 2019, Sở Xây dựng đã tham mưu thành phố ban hành “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội”.

Song, đây chỉ là khung sườn để các quận, huyện có cơ sở vận dụng. Việc sử dụng loại đá nào để thi công (đá marble, Granite, gạch Terrazzo, gạch block tự chèn,…) là do quận, huyện lực chọn dựa trên quá trình khảo sát thực tế. Dựa trên địa hình đặc thù từng khu vực, có thể tăng hoặc giảm độ dày của đá lát để đảm bảo chất lượng.

img

Vỉa hè bị đào xới như "luống cày" trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội trong nhiều năm qua

Có vấn đề từ thi công đến quản lý, vận hành

Cung cấp thông tin cho báo chí về nguyên nhân xuống cấp của những tuyến vỉa hè mới được lát đá, đại diện Ban QLDA các quận: Thanh Xuân, Cầu Giấy đều cho rằng, các vị trí đá lát vỉa hè bị bung, vỡ sụt lún xô lệch là do các phương tiện tham gia giao thông thường xuyên đi lên vỉa hè vào giờ cao điểm.

Đồng quan điểm này, theo ông Hoàng Ngọc Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Hà Nội), trên địa bàn Hà Nội đang có tình trạng vỉa hè lát đá đêm hôm trước, ngay sáng hôm sau ô tô chèn lên.

Sau khi làm xong, quá trình vận hành, quản lý cũng chưa được tốt, tình trạng trông xe trên vỉa hè còn diễn ra nhan nhản, chưa kể tình trạng hàng quán chiếm dụng vỉa hè và tình trạng xe chở hàng cũng trèo lên vỉa hè để dỡ hàng cũng ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình vốn chỉ dành cho người đi bộ.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, nguyên nhân không chỉ đến từ yếu tố khách quan mà ngay trong quá trình xây dựng cũng tồn tại một số vấn đề.

Đơn cử, đối với 21 dự án lát đá vỉa hè Sở Xây dựng Hà Nội kiểm tra trong thời gian qua, dù hầu hết các dự án được kiểm tra đã áp dụng theo thiết kế, được thẩm tra, thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Tuy nhiên, quá trình thi công lát hè vẫn có một số hạn chế như: hồ sơ thiết kế chưa quy định rõ cường độ vật liệu đá lát, chưa chỉ định rõ mạch lát, thiếu thiết kế chi tiết tại các vị trí góc bó vỉa (trên địa bàn quận Ba Đình, Hai Bà Trưng); Công tác giám sát của chủ đầu tư và các bên liên quan chưa thường xuyên liên tục, chưa kịp thời giải quyết những phát sinh trong quá trình thi công, đặc biệt là công tác phối hợp xử lý thiết kế theo thực tế hiện trạng công trình (thi công tại các vị trí bó gốc cây, cột điện, tủ điện,..)

“Việc thi công hiện nay cũng không xuyên suốt mà có sự dàn trải, đang làm đoạn này lại chuyển tiếp sang đoạn khác do nhiều nguyên nhân: vướng cáp ngầm, hoặc một vướng mắc nào đó chưa giải quyết được với các hộ dân khu vực”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Hà Nội) Nguyễn Quang Huy cho rằng, đối với vật liệu đá lát vỉa hè, hiện nay, có tình trạng một số cơ sở khai thác đá sử dụng phương pháp nổ mìn dẫn đến đá lát bị om, rạn nứt ngay từ khi gia công, chế tạo.

“Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng độ bền đá lát chỉnh trang vỉa hè và Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện chỉ đạo nhà thầu thi công phải kiểm tra thật kỹ mẫu vật liệu ngay từ nơi sản xuất”, ông Huy thông tin.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông vào đầu tháng 12/2020, nhiều tuyến vỉa hè trên địa bàn Hà Nội hiện nay đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng chỉ sau 2 - 3 năm lát đá tự nhiên được giới thiệu có tuổi thọ 70 năm. Điển hình là vỉa hè tuyến đường Giải Phóng (vị trí khu vực số 811, 807, 1167, 1107, 989, ngõ 1295 và 1289), đường Nguyễn Trãi (đoạn vỉa hè từ nút giao Khương Đình đến SVĐ Thượng Đình).

Chia sẻ với PV, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN nhận định, nguyên nhân của sự xuống cấp nhanh chóng này là do các quận chưa xác định rõ mục tiêu của vỉa hè? Nếu các tuyến phố chỉ phục vụ cho việc đi bộ và kinh doanh thì giải pháp về chất lượng đá, độ dày, kết cấu nền sẽ rất khác với việc vẫn sử dụng giao thông hỗn hợp như hiện nay. Tùy theo khu vực mới nên lát đá hay không vì chỉ đi bộ thì đá rất lâu mới hỏng nhưng ôtô, xe máy đi lên thì sẽ chỉ vài năm là vỡ hết.

Theo ông Nghiêm, để tình trạng này xảy ra thì trước hết trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương. Các đơn vị này khi nghiệm thu nhưng lại chưa kiên quyết xử lý các vi phạm dẫn đến tình trạng vỉa hè sụt lún, vỡ nát. Sở Xây dựng là một trong những đơn vị có liên quan chính, và có trách nhiệm chung phải giải quyết vấn đề này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.