Đô thị

Vỉa hè ở TP Thủ Đức quá “xa xỉ” với người đi bộ

28/02/2023, 07:53
image

Tại nhiều tuyến đường thuộc TP Thủ Đức, vỉa hè dù rộng hay hẹp đều gần như đã bị chiếm dụng triệt để phục vụ các hoạt động kinh doanh, buôn bán.

Ghi nhận của phóng viên tại nhiều tuyến đường lớn tại TP Thủ Đức (TP.HCM) như Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt, Hoàng Diệu 2,… gần như không còn khoảng trống nào cho người đi bộ có thể len lỏi trên vỉa hè.

Muôn kiểu lấn chiếm vỉa hè

Tuyến đường Võ Văn Ngân có chiều dài gần 3km, cả 2 bên đường là những cửa hàng, cơ sở kinh doanh san sát nhau vô cùng sầm uất. Tuy nhiên, sự sôi động từ nhịp độ buôn bán này cũng kéo theo việc gần như toàn bộ vỉa hè phía trước các hàng quán, cơ sở kinh doanh đều được tận dụng triệt để.

Clip vỉa hè ở TP Thủ Đức bị chiếm dụng để kinh doanh

Gần như việc đi bộ trên vỉa hè hay lề đường là không thể, thậm chí những khu vực trước cổng bệnh viện hay nhà văn hoá cũng bị những người buôn bán nhỏ lẻ chiếm dụng để buôn bán.

Trong khi đó, một trục đường lớn khác của TP Thủ Đức là đường Lê Văn Việt cũng trong tình trạng tương tự. Dọc vỉa hè 2 bên đường đều đã bị chiếm dụng để phục vụ việc trông giữ xe và buôn bán.

Đặc biệt tuyến đường Lê Văn Việt đoạn từ giao lộ Man Thiện đến ngã tư Thủ Đức hiện vẫn chưa được nâng cấp mở rộng nên đoạn đường này thường xuyên ùn tắc. Vỉa hè khu vực này bị chiếm dụng khiến người đi bộ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khi phải đi xuống lòng đường len lỏi giữa dòng xe cộ đông đúc.

img

Cửa hàng Lotteria tại góc đường Võ Văn Ngân, vỉa hè cả 2 mặt đường đều được tận dụng để gửi xe của thực khách

Càng về đêm, tình trạng chiếm dụng vỉa hè càng diễn ra công khai và rầm rộ hơn. Điển hình như tuyến đường Hoàng Diệu 2 được mệnh danh là “phố ăn uống” của Thủ Đức, nơi đây tập trung rất nhiều quán ăn, nhà hàng, quán cafe.

Khi màn đêm buôn xuống, cũng là lúc những quán ăn dọc tuyến đường Hoàng Diệu 2 bắt đầu cho nhân viên dọn bàn ghế ra sát lề đường để chuẩn bị phục vụ thực khách. Một số khác tận dụng phần lề đường trước quán thành bãi đậu xe.

Anh N.T.X. - chủ một quán ăn nhỏ trên đường Hoàng Diệu 2 cho hay bản thân biết việc để xe của khách lấn hết vỉa hè là sai nhưng cũng không còn cách nào khác vì nếu không cho khách gửi xe sẽ mất khách và thiệt hại doanh thu. Trong khi đó, dù đã sinh sống và kinh doanh tại TP Thủ Đức nhiều năm nhưng anh cũng không biết địa điểm nào để gửi xe một cách “hợp pháp” khi đi ăn tại những hàng quán nhỏ.

“Tôi rất mong đề xuất thu phí vỉa hè được triển khai một cách minh bạch, công khai và hợp lý, chắc chắn những tiểu thương như chúng tôi ủng hộ vì có lợi cho khách hàng và cũng tạo điều kiện cho những người kinh doanh”, anh X. chia sẻ.

img

Chuỗi dài quán ăn trên đường Hoàng Diệu 2 đều kê bàn ghế sát mép đường cho thực khách ngồi ăn.

Thậm chí tại khu vực Công viên đường Hồ Thị Tư (phường Hiệp Phú, TP.Thủ Đức) là nơi được quy hoạch để người dân đi bộ tập thể dục nhưng gần như toàn bộ vỉa hè nơi này đã bị chiếm dụng để bày bàn, ghế bán quán nước.

Chung tình cảnh với các tuyến đường trên, đường Man Thiện vốn được mệnh danh là “phố ẩm thực” với hàng loạt những quán ăn nhỏ, chủ yếu kinh doanh ngay trên lề đường, vỉa hè.

img

Một cửa hàng Honda trên đường Võ Văn Ngân tận dụng vỉa hè làm nơi trưng bày xe

Khi được hỏi bán trên vỉa hè, lề đường thế này có sợ bị phạt hay không, hầu như các chủ hàng quán đều cho biết do mưu sinh nên đã chiếm dụng để kinh doanh buôn bán kiếm sống chứ không đủ tiền để mướn mặt bằng. Khi nào cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra thì "ôm đồ chạy".

Đề cập đến việc TP.HCM sắp triển khai thu phí vỉa hè, hầu như những người buôn bán nhỏ lẻ này đều băn khoăn việc thu phí liệu có công bằng và giá phí có hợp lý hay không.

Cho thuê vỉa hè để tổ chức lại cho tốt

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc thu phí vỉa hè là hợp lý vì đó là không gian công cộng nên người này được sử dụng mà người kia không được sử dụng thì không công bằng. Ông cũng lý giải lý do TP.HCM đặt ra vấn đề thu phí vỉa hè mà không thực hiện “đường thông hè thoáng”.

"Không thể “hè thoáng” được vì TP.HCM từ lâu rồi đã hình thành cái gọi là “kinh tế vỉa hè”. Tức là cái vai trò kinh tế xã hội của vỉa hè đối với sự mưu sinh của người dân đã hình thành từ rất lâu nên chúng ta phải đáp ứng.

Nếu ta "quét sạch" vỉa hè và dùng các biện pháp mạnh, có thể dẹp được nhưng để lại những hệ quả về kinh tế xã hội, có thể dẫn đến số lượng người nghèo và cận nghèo sẽ tăng vọt", ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên cái khó nhất của việc thu phí vỉa hè không thể đưa ra được mức giá chung cho tất cả các khu vực mà cần có mức giá cho từng khu vực rất cụ thể, với một mức phí mà người dân vẫn có thể sinh sống được.

img

Từ vỉa hè rộng đến vỉa hè hẹp đều đã được các cửa hàng trên đường Hoàng Diệu 2 tận dụng triệt để

Nhưng khi thu phí có nghĩa là chấp nhận vỉa hè được sử dụng theo hướng đa năng, vừa đi bộ, vừa là khu vực buôn bán và chỗ đậu xe.

Nơi dùng để kinh doanh tuỳ vào từng khu phố, từng khu vực mà quy định những giá trị của mặt bằng đó sử dụng mục đích kinh doanh hay gì. Cái này từng quận, huyện phải làm chứ không nên có quy định chung.

img

Vỉa hè trước cổng Bệnh viện Quân dân y Miền Đông trên đường Lê Văn Việt bị chiếm dụng hoàn toàn để buôn bán đêm

Ông Nguyên cho rằng bài học về dẹp vỉa hè ở quận 1 cách đây vài năm là thấy rõ, chỉ được một thời gian ngắn làm rất mạnh, sau đó không thành công và đâu lại hoàn đó.

"Việc thu phí vỉa hè không có nghĩa là để đạt mục đích thu thêm ngân sách mà để ổn định lại, tổ chức lại để vỉa hè không bị sử dụng một cách quá tuỳ tiện, lôi thôi", ông Nguyên nhấn mạnh.

Một số hình ảnh PV ghi nhận tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại các tuyến đường TP Thủ Đức:

img

Một nhà hàng lớn trên đường Lê Văn Việt tận dụng vỉa hè phía trước làm nơi để xe của khách.

img

Không chỉ vỉa hè, lề đường mà cả lòng đường cũng bị chiếm dụng để làm bãi giữ xe.

img

Vỉa hè cả tuyến đường công viên Hồ Thị Tư kín mít hàng quán bày bán đến sát lề đường

img

Ban ngày tình trạng cũng không khá khẩm hơn, một chợ tự phát chiếm gần trọn vỉa hè trên đường Hoàng Hữu Nam.

img

Hàng dài các quán cóc chiếm dụng hết phần vỉa hè trên đường Lê Văn Việt.

img

Vỉa hè đường Thống Nhất (phường Bình Thọ) bị các hàng quán chiếm dụng, thậm chí ô tô cũng leo đậu lên vỉa hè

img

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè diễn ra công khai ngay trước trụ sở Uỷ ban Mặt trận tổ quốc TP Thủ Đức

img

Không còn cách nào khác, người đi bộ phải chấp nhận "mạo hiểm" đi xuống lòng đường

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.