Đô thị

Vỉa hè TP.HCM nơi trật tự, nơi nhếch nhác

image

Sau nhiều đợt ra quân lập lại trật tự lòng lề đường, nhiều vỉa hè ở TP.HCM đã dần trật tự, tuy nhiên vẫn còn điểm nóng tái lấn chiếm trở lại.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày qua tại địa bàn quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, TP. Thủ Đức, nhiều điểm nóng về tình trạng lấn chiếm vỉa đã có sự chấn chỉnh. Tuy vậy, tại các khu vực chợ, khu vực đông dân cư, công viên... cảnh lấn chiếm vỉa hè vẫn còn tràn lan.

Điểm nóng đã trật tự hơn

Chợ Hạnh Thông Tây ở phường 11, quận Gò Vấp nhiều năm trước là điểm nóng về tình trạng nhếch nhác, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Sau khi quận Gò Vấp chỉ đạo phường 11 vào cuộc chấn chỉnh, xử lý, tình hình đã trật tự hơn.

Theo ghi nhận của PV, khoảng 18h30' chiều 5/3, tại đây, lực lượng dân phòng tăng cường giám sát và nhắc nhở các tiểu thương về quy định, ranh giới được phép kinh doanh, buôn bán. Đa phần các tiểu thương tại đây đều nghiêm chỉnh chấp hành.

Video: Vỉa hè TP.HCM nơi trật tự, nơi vẫn bị lấn chiếm

Chị Nguyễn Thị Hoa, (41 tuổi) người dân sống trong khu vực chợ Hạnh Thông Tây cho biết, hiện chợ đã vắng hơn so với trước đây rất nhiều, tuy nhiên vào cuối tuần lượng khách đông, cảnh tiểu thương lấn chiếm lòng lề đường vẫn còn diễn ra dù chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở.

Cũng trên địa bàn quận Gò Vấp, đường Đặng Văn Sâm, vốn là ranh giới giữa phường 3, quận Gò Vấp và phường 9, quận Phú Nhuận. Tại đây, từ khoảng 16h00 chiều đến tận khuya chỉ trên một tuyến đường ngắn có tới hàng chục xe hàng rong bày bán tràn lan gần khu vực công viên Gia Định.

Dù lực lượng chức năng đã dựng nhiều biển cấm tụ tập buôn bán, người dân vẫn biến 300m đường này trở thành nơi kinh doanh. Ngoài những gánh hàng rong, nhiều người dân còn thản nhiên dừng đỗ xe ngay dưới lòng đường mặc dù bãi giữ xe của công viên này chỉ cách vài chục mét.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó chủ tịch quận Gò Vấp cho biết, đặc thù của quận Gò Vấp là có dân nhập cư nhiều, việc buôn bán nhỏ lẻ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường rất phức tạp. Từ năm 2016, quận đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các chiến dịch xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường và đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Các tuyến đường như: Lương Ngọc Quyến, Phạm Huy Thông, Phạm Văn Bạch, Nguyễn Văn Lượng, Phạm Văn Chiêu (xung quanh khu vực chợ tạm Thạch Đà), Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm, Phạm Ngũ Lão; khu vực kinh doanh tự phát Căn cứ 26 (phường 17), đường Nguyễn Văn Công, đường Lý Thường Kiệt, đường Lê Văn Thọ, chung cư Hà Đô (phường 10),... đã có những chuyển biến tích cực.

Vỉa hè nhiều đường vẫn còn nhức nhối

Tuy vậy, ông Ngọc Anh cũng thừa nhận công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính chưa thật sự quyết liệt. Việc ra quân lập lại trật tự trên một số tuyến đường trọng điểm nhiều lúc chưa được các đơn vị có liên quan tổ chức phối hợp đồng bộ, nhất là tại các địa bàn giáp ranh, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đạt hiệu quả cao.

img

Cán bộ phường 11, quận Gò Vấp, tăng cường nhắc nhở người dân và các tiểu thương xung quanh chợ Hạnh Thông Tây ý thức về việc giữ trật tự và mỹ quan xung quanh chợ. (Ảnh chụp lúc 19h00 tối 5/3)

Không chỉ quận Gò Vấp, PV ghi nhận tại TP Thủ Đức, một số vỉa hè trên các tuyến đường trung tâm tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn còn nhức nhối.

Tại khu vực chợ Thủ Đức, các tiểu thương kê hàng ra sát mép đường để buôn bán, xe máy dựng giữa lòng đường. Cách đó không xa, trên tuyến đường Võ Văn Ngân, hàng loạt điểm bán hàng rong mọc lên chiếm vỉa hè của người đi bộ.

Thường xuyên đi làm trên tuyến đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, anh Ngô Văn Linh (35 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) chia sẻ: Tôi vô cùng bức xúc khi tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, bán hàng rong thản nhiên ngay dưới lòng đường, có nhiều tuyến đường vỉa hè dành cho người đi bộ thành điểm để xe máy.

Theo Sở GTVT TP.HCM, đến thời điểm này, Sở cũng đã đề nghị các quận, huyện thống kê các tuyến đường, bề rộng lòng đường, vỉa hè để xây dựng đề án thu phí.

Còn theo các chuyên gia, việc thu phí vỉa hè chỉ đặt ra trong điều kiện để đảm bảo quản lý tốt hơn. Còn quan điểm nhất quán thì vỉa hè, lòng lề đường phải dành cho mục đích giao thông.

"Nếu được triển khai kỹ lưỡng, có quy hoạch rõ ràng, công khai, minh bạch không chỉ giúp ổn định trật tự lòng lề đường mà còn tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tình trạng bát nháo, bảo kê hiện nay", chuyên gia phân tích.

Hình ảnh ghi nhận tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở một số địa bàn tại TP.HCM:

img

Dù đã đặt biển cấm buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, tuy nhiên dọc đường Đặng Văn Sâm ranh giới giữa phường 3, quận Gò Vấp và phường 9, quận Phú Nhuận tình trạng trên vẫn thường xuyên diễn ra, dù địa phương đã ra quân xử phạt nhiều lần.
img​​Khác hẳn với những tuần trước, ngay từ ngoài cổng chợ Hạnh Thông Tây, phường 11, quận Gò Vấp, PV ghi nhận lúc 18h30 tối 5/3 cảnh quan đường vào chợ khá thông thoáng, không thấy lấn chiếm lòng đường bày bán quần áo, túi xách...

img

Dù là ngày chủ nhật, nhưng tuyến đường xung quanh chợ Hạnh Thông Tây khá trật tự. Người dân và các tiểu thương đã xác định ranh giới được phép kinh doanh, buôn bán.

img

Tuy vậy ở một số tuyến đường, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra phổ biến. Một quán cà phê trên đường Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp kê bàn ghế ra tận lề đường, chiếm trọn vỉa hè của người đi bộ.

img

Trên đường Đặng Văn Sâm đoạn gần công viên Gia Định, hàng loạt xe hàng rong buôn bán dưới lòng đường bất chấp biển cấm.

img

Lòng đường trở thành điểm đỗ xe máy mặc dù bãi giữ xe của công viên chỉ cách đó khoảng 20m. Đây là khu vực giáp ranh giữa quận Gò Vấp với quận Phú Nhuận nên tình trạng lấn chiếm lòng đường càng thêm nhức nhối.

img

Trên đường Võ Văn Ngân, TP. Thủ Đức, xe trái cây bày bán chiếm cả vỉa hè.

img

Tại chợ Thủ Đức, các cửa hàng quần áo ngang nhiên chiếm chọn cả vỉa hè, xe máy để lộn xộn dưới lòng đường...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.