Thời sự Quốc tế

Victoria, Australia phạt tương đương 1,8 tỉ VNĐ nếu cấp giấy đi đường sai

05/09/2021, 19:53

Để đi làm trong thời gian giãn cách, người dân ở các nước như Australia, New Zealand phải xin cấp phép và luôn mang theo giấy đi đường.

New Zealand

Đất nước 5 triệu dân đã tiến hành phong toả nhanh toàn đất nước ngay khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng 8 vừa qua.

Để quản lý việc đi lại với các lao động thiết yếu, theo trang điện tử Stuff, chính phủ New Zealand trao quyền cho các doanh nghiệp cung cấp giấy xác nhận việc đi lại, nêu rõ nhiệm vụ của người lao động.

Người lao động thiết yếu được phép sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện cá nhân, taxi, đặt xe qua ứng dụng khi đi làm hay khi sử dụng các dịch vụ thiết yếu khác.

img

Đường phố Wellington, New Zealand vắng vẻ trong thời gian giới nghiêm - ảnh Hagen Hopkins/Getty Images

Sau vài ngày phong toả toàn quốc, New Zealand đã đánh giá mức độ dịch bệnh tại từng khu vực để nới lỏng. Hiện tại, Auckland, thành phố đông dân nhất đất nước, vẫn tiếp tục phong toả.

Hai ngày nay, số ca nhiễm tại New Zealand đã có xu hướng giảm, chỉ còn 20 ca mắc mới/ngày, tập trung ở tâm dịch Auckland.

Theo kênh Radio New Zealand, kể từ đầu đợt phong toả mức 4, cảnh sát New Zealand đã xử phạt 3257 trường hợp vi phạm quy định.

Australia

Là một trong những quốc gia chật vật đối phó với đợt dịch Covid-19 mới, chủ yếu liên quan tới biến chủng Delta, Australia đã áp dụng giãn cách xã hội suốt 2 tháng qua.

Các nhà lãnh đạo Australia đã nhất trí với kế hoạch chỉ mở cửa trở lại sau khi đạt được mục tiêu tiêm chủng 70% và 80% ở mỗi bang và vùng lãnh thổ.

Quy định giãn cách sẽ được thực hiện theo từng khu vực. Người dân trong "điểm nóng" chỉ được phép ra khỏi nhà để tập thể dục (dưới 1 giờ), làm công việc thiết yếu, y tế và đi mua nhu yếu phẩm như thực phẩm.

Với lao động thiết yếu, mỗi bang/khu vực có uy định cấp phép riêng. Chẳng hạn, tại bang New South Wales (NSW), giấy phép làm việc (tương tự như giấy đi đường ở Việt Nam) sẽ do Cơ quan Dịch vụ NSW cấp, qua hình thức trực tuyến.

Khi đăng ký thành công, người lao động sẽ nhận được thư điện tử cấp phép đi lại và phải trình giấy phép này khi qua các điểm kiểm soát.

img

Một chốt kiểm soát dịch tại Sydney

Còn tại bang Victoria, cách quản lý lại giống New Zealand, chủ lao động sẽ là người có trách nhiệm quản lý, cấp giấy phép cho người thực sự cần phải đi làm theo quy định chung của bang/liên bang.

Các cá nhân hoặc doanh nghiệp cấp phép đi làm cho người lao động không đúng quy định sẽ bị phạt 21.808 USD (khoảng 370 triệu VNĐ) đối với cá nhân và 109,044 USD (khoảng 1,8 tỉ VNĐ) với doanh nghiệp.

Những lao động cố tình đi làm khi không có giấy phép hoặc quên giấy phép ở nhà cũng sẽ bị phạt ngay tại hiện trường với mức 1.817 USD khoảng (30,8 triệu VNĐ) với cá nhân và tới 10.904 USD (khoảng 185 triệu VNĐ) với doanh nghiệp.

img

Australia huy động cả quân đội vào hỗ trợ phòng dịch. Ảnh - AAP

Trong trường hợp người dân từ "điểm nóng" (nơi đang có số ca nhiễm cao và áp dụng giãn cách xã hội), muốn ra ngoài hoặc người từ bên ngoài muốn vào khu vực "điểm nóng" cần phải khai thông tin trực tuyến để xin cấp phép và phê duyệt trước khi ra đường 72 giờ.

Mỗi bang/khu vực sẽ có trang thông tin khai báo riêng và do giới chức địa phương phê duyệt theo thứ tự công việc khẩn cấp trước. Các quy định sẽ được thay đổi, nới lỏng/siết chặt tuỳ theo tình hình dịch bệnh.

Nhiều bang của Australia như New South Wales (bang đông dân nhất và là tâm đợt dịch này) đã huy động cảnh sát, quân đội để giám sát việc người dân thực thi lệnh phong toả. Cảnh sát có quyền viết hóa đơn phạt tại chỗ.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Australia vẫn diễn biến phức tạp. Trung bình 7 ngày qua, mỗi ngày có tới 1.200 ca mắc mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.