Đời sống

Việc hơn 18 nghìn chai tương ớt Chinsu ở Nhật bị thu hồi: Cục ATTP nói gì?

08/04/2019, 14:46

Đại diện Cục ATTP, Bộ Y tế khẳng định "chất cấm" axit benzoic là phụ gia được phép sử dụng ở Việt Nam trong 1 số thực phẩm nhất định.

img
Hơn 18 nghìn chai tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật vì chứa chất cấm axit Benzoic

Ngày 8/4, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế khẳng định: "Axit Benzoic là chất phụ gia được phép sử dụng ở Việt Nam trong một số thực phẩm nhất định, trong đó có tương ớt.

Theo thông tư quy định về quản lý về quản lý phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, axit benzoic được phép sử dụng trong tương ớt với hàm lượng 1g/1kg sản phẩm. Đây cũng là quy định của Ủy ban Codex với axit benzoic".

Các quy định về phụ gia thực phẩm Bộ Y tế ban hành hoàn toàn phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc (Ủy ban Codex). Ủy ban Codex hiện có 186 thành viên tham gia, trong đó Nhật Bản và Việt Nam.

"Nguyên tắc là phải dùng đúng hàm lượng, đúng đối tượng, tương ứng mỗi nhóm có những hàm lượng khác nhau. Nếu không đúng sẽ có ảnh hưởng tới sức khỏe", bà Nga cho biết.

Mỗi nước đưa ra các quy chuẩn khoa học về phụ gia thực phẩm có thể dựa vào thói quen sử dụng của người dân. Ví như thực phẩm nào dùng nhiều, mỗi nước sẽ có quy định, tính toán tổng lượng người dân dùng, do đó có sự khác biệt.

Bà Nga cho biết thêm, hiện nay quy định mới nhất của Nhật Bản, dù không được phép có trong sản phẩm tương ớt nhưng axit benzoic được cho phép là phụ gia thực phẩm trong một số nhóm như nước tương, các loại đồ uống không cồn, siro, bơ thực vật, trứng cá,… với hàm lượng khác nhau

Như đã thông tin, ngày 2/4, cơ quan Xúc tiến sức khỏe và Vệ sinh đời sống Nhật đã ra thông báo về sản phẩm tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam.

Giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ sản phẩm sau khi xác định lô hàng tương ớt nhập khẩu ngày 7/12/2018 từ Việt Nam có chứa chất cấm phụ gia axit benzoic.

Về phía hàng hóa vi phạm, trang thông tin thành phố Osaka ghi rõ: "Tên sản phẩm: Tương ớt Chinsu, xuất xứ: Masan Việt Nam, hạn dùng: 10/6/2019, 17/6/2019, 6/7/2019". Tương ớt Chinsu vi phạm khoản 2 điều 11 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật do axit benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt ở Nhật Bản.

Trong chiều ngày 6/4, phản hồi trước thông tin này, đại diện Công ty Masan Việt Nam khẳng định: "Masan chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chinsu cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd".

Do Masan chỉ xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chinsu sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hòa Czech, Trung Quốc, Đài Loan, nên nếu có xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật, "công ty phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản".

Theo thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin của Thành phố Osaka, Nhật Bản (https://www.city.osaka.lg.jp/hodoshiryo/kenko/0000466827.html), nhà nhập khẩu đã thiếu sót trong ghi nhãn phụ. Cũng theo thông tin từ cổng thông tin này, phụ gia thực phẩm benzoic acid không phải chất cấm mà được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm khác nhau với hàm lượng tối đa lên đến 2,5g/kg (trứng cá caviar). Hàm lượng phụ gia thực phẩm benzoic acid được Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka kiểm tra trên sản phẩm Tương ớt Chinsu (từ 0,41-0,45g/kg) là an toàn và không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng theo quy định của Nhật Bản.

Cũng theo đại diện Masan, tại Nhật Bản lại không cho phép dùng chất phụ gia này trong tương ớt mặc dù một số sản phẩm khác được dùng như trứng cá caviar, bơ thực vật, nước ngọt hay nước tương. Ngược lại, phụ gia mà Nhật cho phép sử dụng trong tương ớt là Nisin tuy nằm trong danh mục phụ gia cho phép của Việt Nam và Codex nhưng chỉ cho dùng với một số sản phẩm liên quan đến sữa lên men, pho mát và không được phép dùng trong tương ớt. Như vậy, có thể hiểu là nếu tương ớt Nhật Bản nhập vào Việt Nam có dùng Nisin thì cũng không được phép nhập khẩu. Do đó, việc nghiên cứu và tìm hiểu về quy định các phụ gia được phép sử dụng cũng như ghi nhãn mác cần tuân thủ nghiêm ngặt khi vào các thị trường xuất khẩu mới.

"Chúng tôi lấy làm tiếc về sự cố này và cho rằng nếu Công ty Javis Co., Ltd đã liên hệ với chúng tôi để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra", đại diện Masan nhận định.

Đồng thời, hiện, công ty không có mẫu sản phẩm nên chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này, nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu", hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.