Y tế

Viêm cơ tim gây đột tử có nguy cơ thành "đại dịch": Chuyên gia Y tế nói gì?

27/10/2019, 20:11

Nhiều người lo lắng trước thông tin lan truyền trên mạng rằng, viêm cơ tim do virus đang lây lan thành "đại dịch". Chuyên gia Y tế nói gì?

img
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm cơ tim. Ảnh minh hoạ.

Viêm cơ tim có nguy cơ lây lan

Mới đây, tài khoản Ly Bui chia sẻ trên mạng xã hội rằng mới đọc thông tin về cái chết của 2 cô gái đồng nghiệp có biểu hiện rất giống cái chết của chồng mình. Theo đó, ngày 2/10, chồng chị Ly Bui đi thăm mẹ của 2 bé sinh đôi ở Hưng Yên, người cũng bị coi là đột tử trong đêm không rõ nguyên nhân. Đến ngày 7/10, chồng chị có biểu hiện sốt rét và được đưa đi viện ngay sau đó nhưng không thể cứu chữa.

"Đến hôm nay rất nhiều các thông tin đột tử ở Hà Nội khiến mình hoang mang vô cùng. Mọi người đang xôn xao lo sợ vì sợ bệnh này có khả năng lây nhiễm. Sau khi chồng mất em cũng đã tìm hiểu và được biết bệnh viêm cơ tim có khả năng lây qua đường hô hấp mọi người nhé. Em và các con đã phải đi kiểm tra sức khỏe ngay sau đó. Mong rằng cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời để tìm ra cái chết đột ngột của những người trẻ hiện nay. Mình đang lo lắng về 1 đại dịch nào đấy liên quan đến 1 loại virus, vi khuẩn nào đó, mà nó chỉ phát ra trong vòng vài tiếng thôi", chị Ly Bui viết.

Thông tin này của chị Ly Bui nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ chóng mặt, làm không ít người đọc hoang mang, lo lắng.

Trước sự vụ này, GS. Nguyễn Gia Bình, nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai, chia sẻ: Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm cơ tim trong đó có thể do một số loại virus: Adenovirus, coxsackie B, cytomegalovirus ( CMV), Parvovirus B19, rubella , EBV… Trong đó, viêm cơ tim do virus là nguyên nhân thường gặp nhất. Virus thường lây qua hai đường chính là hô hấp (ho hắt hơi các giọt bắn ra từ người ho hoặc hắt hơi có thể xa tới 5 mét mang theo virus) và đường tiêu hóa. Vì vậy nên rửa tay với xà phòng sát trùng sau khi lấy tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi hoặc chăm sóc người bị ốm...

Hoặc viêm cơ tim cũng có thể do vi khuẩn như thương hàn, bạch hầu; Hay các tác nhân không nhiễm trùng như do một số loại thuốc, hóa chất, tia xạ hoặc ma túy; Hoặc bệnh tự miễn như lupus...

Theo GS. Bình, không có cách nào để xác định mình có nguy cơ bị viêm cơ tim cấp hay không và cũng khó phòng bệnh bởi virus, vi khuẩn tồn tại song hành với con người ngoài môi trường. Khi hít thở không khí thì nguy cơ virus, vi khuẩn xâm nhập vào người. Ở những người cơ địa yếu hay mắc các bệnh mãn tính thì virus, vi khuẩn có thể gây biến chứng viêm cơ tim cấp và người bệnh sẽ bị viêm phổi, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, suy tim.

Cách nào để phòng viêm cơ tim?

GS. Bình cho biết, viêm cơ tim là bệnh xảy ra rải rác hàng năm. Tại khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai cũng thường xuyên có những bệnh nhân bị viêm cơ tim phải nhập viện. So với thời điểm trước, hiện tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh này được cứu sống khá cao. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong vẫn còn 20-30% trong các thể nặng nhất. Viêm cơ tim cấp là bệnh cực kỳ nguy hiểm và thường xảy ra ở người trẻ, đặc biệt là những người trong độ tuổi lao động từ 20-40 tuổi.

Viêm cơ tim cấp thường bị nhầm lẫn với các triệu chứng của cảm cúm thông thường. GS Bình kể có nhiều bệnh nhân chỉ cảm cúm 1, 2 ngày rồi bất ngờ khó thở, tức ngực. Khi vào viện, bệnh đã nặng khiến bệnh nhân trụy mạch, hôn mê và nhanh chóng bị suy đa tạng. Nếu không được cấp cứu tích cực kịp thời có thể dẫn đến ngừng tuần hoàn, tử vong nhanh chóng.

"Trong điều kiện thời tiết chuyển mùa như hiện nay: không khí lạnh, ẩm là điều kiện tốt để virus phát triển nên người bệnh cần chú ý khi có các dấu hiệu cảm cúm. Bình thường dấu hiệu của bệnh viêm cơ tim rất mờ nhạt và thường giống như hội chứng cảm cúm khác mà trong đời người ai cũng có lần mắc như: sốt, rét run, đau mỏi mình mẩy... Nhưng nếu thấy có đau tức ngực, khó thở thì cần nhập viện ngay", GS. Nguyễn Gia Bình căn dặn.

Theo khuyến cáo của GS. Nguyễn Gia Bình, trong thời tiết hiện nay, phòng viêm cơ tim cấp tốt nhất là giữ gìn vệ sinh, tránh nơi đông người (nơi đông người luôn là ổ vi khuẩn, virus). Ra ngoài môi trường, những người bị cảm cúm, bị ho, hắt hơi nên lấy tay che miệng hoặc đeo khẩu trang. Những người có triệu chứng ho, cảm cúm nên tự cách ly ở nhà để phòng tránh phát tán ra cho cộng đồng.

Với các trường hợp khác, GS Bình cho rằng, cần tự làm sạch môi trường trong gia đình mình bằng cách: Thông khí tốt (mở cửa, thông gió cho ánh nắng chiếu vào nhà; Các biện pháp dân gian như: đốt tinh dầu, xông bằng các loại lá thơm như lá bạc hà, sả, tía tô cũng ít nhiều cũng có tác dụng. Ra ngoài nên đeo khẩu trang y tế và chỉ dùng 1 lần rồi bỏ vì nếu đeo đi, đeo lại nhiều lần khẩu trang lại trở thành ổ lưu trú cho các loại virus, vi khuẩn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.