Y tế

Viễn, loạn thị ở trẻ nhỏ có điều trị được không?

Trẻ nhỏ mắc viễn, loạn thị phần lớn có yếu tố bẩm sinh, nên việc phát hiện sớm có ý nghĩa quan trọng...

img

Ảnh minh họa

Hỏi:

Con gái tôi đang học lớp 1, mới đây tôi cho cháu đi khám mắt và phát hiện cả hai mắt vừa loạn vừa viễn thị và thị lực giảm sút nhiều. Vậy ở tuổi này, có thể điều trị lấy lại thị lực được không thưa bác sĩ?

Mai Bình (Hà Nội)

Trả lời:

Viễn, loạn thị là tình trạng người bệnh mắc cả tật viễn thị và loạn thị đồng thời (còn gọi chung là tật khúc xạ ở mắt), là một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực thường gặp ở trẻ nhỏ hiện nay.

Trẻ nhỏ mắc viễn, loạn thị phần lớn có yếu tố bẩm sinh, nên việc phát hiện sớm có ý nghĩa quan trọng, nhằm hạn chế trẻ mắc nhược thị do viễn, loạn thị gây ra.

Khi trẻ bị viễn, loạn thị thường có các biểu hiện: Nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể có biểu hiện nhức đầu, nhức mắt khi nhìn gần nhiều…

Trong lớp học, trẻ không nhìn rõ trên bảng, hay cúi đầu lại gần sách để nhìn cho rõ, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Bởi vậy, nếu phát hiện con có những biểu hiện bất thường này, bố mẹ nên cho con đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ở cơ sở y tế uy tín để khám, kiểm tra kịp thời, chính xác.

Khi được bác sĩ chuyên khoa mắt chẩn đoán trẻ bị nhược thị, bố mẹ cần xác định phải điều trị sớm cho trẻ và rất cần sự kiên trì, phối hợp tốt với bác sĩ nhằm phục hồi thị lực cho con.

Có bệnh nhân khi tới viện thăm khám kết quả thị lực mỗi mắt chỉ có 3/10, tuy nhiên trẻ chấp thuận đeo kính điều trị và sự kiên trì tập luyện theo bài tập mà bác sĩ đã hướng dẫn tập ở nhà: Tô màu, vẽ tranh, xâu chuỗi hạt... nên thị lực được cải thiện rõ rệt theo thời gian và đã phục hồi 10/10 sau 5 năm điều trị.

Để phòng ngừa và giảm tỷ lệ mắc các tật khúc xạ, cha mẹ nên xây dựng lối sống khoa học tốt cho mắt của trẻ: Nơi học tập, làm việc cần đủ ánh sáng với sự phân bố và cường độ tốt, không gây lóa mắt; Kích thước bàn, ghế phải phù hợp với từng người; Cho mắt thư giãn nghỉ ngơi sau thời gian học tập hoặc làm việc quá dài bằng cách nhắm mắt lại tự nhiên như ngủ khoảng vài phút, nhìn ra xa trên 5m, đi lại trong phòng...;

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm có chứa vitamin A như gan động vật, trứng gà, trứng vịt, các lại rau quả có màu đỏ, cam, vàng như cà chua, gấc, cà rốt, bí đỏ… và các loại rau có màu xanh lục; Duy trì luyện tập, tập thể dục cho mắt; Nếu đã mắc tật khúc xạ thì nên đeo kính theo đơn bác sĩ kê, không đeo kính của người khác vì có thể không phù hợp với tình trạng mắt của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.